Họ cưu mang, nương tựa lấy nhau suốt mấy chục năm trời dù cả ba chẳng hề là ruột rà máu mủ.
Ngôi nhà ấy nằm sâu trong con hẻm nhỏ thó trên đường Nguyễn Tất Thành, quận 4 (TP.HCM). Bà già mù tên Đào Thị Gái (85 tuổi) sống cùng bà Đặng Thị Út (82 tuổi) đã gần 50 năm. Mỗi ngày khi bình minh vừa ló dạng, người dân trong xóm đã nghe tiếng bước chân sột soạt của bà Gái lần mò khó nhọc ra phía đường lộ. Lúc mặt trời đã lên cao, bà lão lụi cụi trở về, trên tay cầm bọc cơm chay, thứ để cả gia đình tồn tại suốt một ngày dài đằng đẵng.
Đứa con nuôi không bao giờ lớn
Mấy chục năm về trước, bà Gái một mình từ quê nhà Thái Bình tản cư vào Sài Gòn, phiêu bạt đến vùng Cầu Kho (quận 1). Tại đây, bà vô tình gặp và trở thành hàng xóm thân thiết với bà Út, một người đàn bà mồ côi từ nhỏ, mưu sinh bằng nghề bốc vác thuê. Trong một trận cháy lịch sử, nơi che mưa tránh nắng của hai bà bị lửa thiêu thành tro bụi. Từ chỗ đói nghèo không nơi nương tựa, cả hai kết nghĩa chị em, cùng dẫn nhau đến bến cảng Sài Gòn mưu sinh.
Ít lâu sau, khi đang đi đấm bóp giác hơi dạo, bà Út nghe tin có một đứa bé bị bỏ rơi trong BV Từ Dũ. Cuộc sống cô đơn buồn tủi của hai người phụ nữ quá lứa lỡ thì như được cứu cánh, họ nhanh chóng đem đứa bé về nuôi, đặt tên là Ngọc Huệ. Nhưng niềm vui thật ngắn ngủi, ngày Ngọc Huệ lên sáu tuổi, một trận sốt ác nghiệt kéo đến, cướp đi của cô con gái bé nhỏ đôi chân lành lặn lẫn trí tuệ minh mẫn. Nghe bác sĩ thông báo con gái nuôi bị bệnh tâm thần, hai người mẹ nuôi nhói lòng nhưng rồi họ lại càng dồn hết tình thương cho đứa con gái bất hạnh. Họ cùng an ủi nhau: Trời cho mình bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu.
Vậy là mỗi ngày hai người đàn bà thay phiên chăm sóc con gái nuôi. Khi người này đi làm thì người kia ở nhà lo tắm rửa, thay quần áo, ăn uống, vệ sinh cho con. Sự việc này diễn ra đều đặn năm này qua năm khác, từ lúc Ngọc Huệ là một bé con đến nay đã là người trung niên.
Hai người mẹ không cùng huyết thống bên con gái nuôi lúc cuối đời. Ảnh: HOÀNG LÊ
Những ngày cuối cùng…
Ngày thấy mái đầu con gái điểm bạc, hai người nhận ra mình đã ở chốn gần đất xa trời. Không còn khả năng lao động, họ sống bằng tiền đóng góp của hàng xóm và sự cưu mang của một ngôi chùa đầu hẻm.
Gánh nặng tuổi tác khiến mắt bà Gái bị suy giảm thị lực, rồi bất ngờ mù hẳn từ hai năm nay. Nhưng vì thương bà Út tay chân luôn run rẩy do hậu quả của khoảng thời gian dài hành nghề đấm bóp dạo, bà Gái nhất quyết giành ngủ trên căn gác xép đã xuống cấp nặng, chừa phần nền cũ kỹ nhưng chắc chắn cho người em kết nghĩa và cô con gái nuôi ngả lưng. Đôi tay gầy tong teo huơ qua huơ lại tìm cạnh tường, bà Gái bám vào, mon men hướng đến bậc cầu thang đã đóng mốc. Tiếng bước chân nặng trịch vang lên, dò dẫm từng miếng gỗ hờ như kiếm tìm chút ánh sáng nhỏ nhoi trên con tàu đã chạy gần đến chặng cuối.
Dường như cảm nhận được tình thương của hai người mẹ nuôi dành cho mình, Ngọc Huệ rất biết nghe lời, mẹ nói gì là làm đó. Từ chỗ chỉ ngồi thu lu bất động, cô đã biết tự xúc cơm ăn và di chuyển bằng cách lết đôi chân gần liệt. Có điều đầu óc của người phụ nữ 42 tuổi vẫn chỉ như một đứa trẻ lên bảy, suốt ngày say sưa bên mớ đồ chơi trẻ con mà hai người mẹ để dành tiền mua mỗi tuần.
Xế trưa, bà Út cùng con gái ăn cơm. Khi muỗng cơm đạm bạc cuối cùng được cho vào miệng, chị Huệ đột nhiên hỏi: “Mẹ có khát không?”, rồi lết đến chiếc bàn cũ rót nước. Cầm ly nước con gái khó nhọc lấy cho mình, bà Út xúc động, uống được hai hớp rồi run run đặt xuống khóc nức nở. Nghe tiếng thút thít, bà Gái huơ tay luống cuống lần mò từ trên gác đến nơi phát ra tiếng động. Cả ba cùng ôm nhau, nghẹn ngào, vỗ về những cánh tay vào lưng cho nhau.
Tận mắt quan sát những hình ảnh trên, tôi biết ngôi nhà ấy chỉ kiệt quệ vật chất chứ luôn ấm nóng tình người. Giữa một xã hội còn nhiều nhiễu nhương, còn những người anh em ruột thịt ngày đêm đấu đá vì quyền lợi bản thân mình, vẫn còn đó những giọt nước lã suốt đời sống chết vì nhau.
Từ lúc tôi về đây đã thấy ba mẹ con sống với nhau như vậy. Những lúc chị Huệ bị bệnh hay phải đi cắt tóc, hai bà lão phải đẩy con ra đường bằng xe lăn rất cực. Mấy năm nay bà Gái bị mù nên thường xuyên bị lạc đường, bà Út lại cuống cuồng đi kiếm. Sống trên đời mấy chục năm trời, thiệt tôi chưa từng thấy gia đình nào gắn kết với nhau như thế. Nếu không chứng kiến sự việc, đố ai dám tin ba người họ là người dưng. Chị NGUYỄN NGỌC MAI, hàng xóm của hai bà cụ Khi hỏi ước mơ lớn nhất hiện tại là gì, hai bà già đều đồng thanh trả lời: “Mong con Huệ có nơi chốn bình yên, không bị đối xử tàn tệ”. |