Bầu cử Mỹ năm nay diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế đặc biệt căng thẳng với cuộc chiến tranh ở Trung Đông và ở châu Âu. Nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Joe Biden chứng kiến sự tham gia sâu sắc của Washington vào xung đột Nga-Ukraine cũng như xung đột Israel-Hamas.
Sự ủng hộ của Mỹ cho Ukraine và Israel gây ra những tranh cãi gay gắt trong nội bộ Mỹ. Giờ đây, khi ông Biden thông báo dừng chiến dịch tái tranh cử, nhiều người bắt đầu đặt câu hỏi về chính sách của Mỹ đối với hai cuộc xung đột trên trong nhiệm kỳ tổng thống Mỹ tiếp theo.
Đến lúc này, hai ứng viên tiềm năng nhất trong cuộc đua kế nhiệm ông Biden là cựu Tổng thống Donald Trump và đương kim phó Tổng thống Kamala Harris.
Xung đột Israel - Hamas
Nếu đến ngày 20-1-2025, xung đột Israel-Hamas vẫn còn tiếp diễn thì trách nhiệm chấm dứt cuộc chiến này sẽ đè nặng lên vai tân tổng thống Mỹ.
Trường hợp người kế nhiệm ông Biden là bà Harris, các nhà quan sát dự đoán rằng nữ chính trị gia này sẽ tiếp nối quan điểm mà bà đã thể hiện đối với cuộc chiến ở Gaza trong nhiệm kỳ phó tổng thống nhưng sẽ có một vài thay đổi.
Khác với Tổng thống Biden, bà Harris không có mối quan hệ sâu sắc với Israel hay Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu. Nữ phó tổng thống cho thấy bà nhạy bén với mối quan tâm của các cử tri Dân chủ liên quan nỗi đau khổ của người Palestine ở Gaza.
Bà Harris là quan chức chính quyền cấp cao đầu tiên của Mỹ kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza. Sau cuộc gặp với ông Netanyahu tại Nhà Trắng hôm 25-7, bà Harris đã gây áp lực lên chính phủ Israel về tình hình nhân đạo “tồi tệ” ở Gaza và lưu ý rằng bà sẽ không im lặng.
“Ngôn ngữ của bà ấy là ngôn ngữ nhân văn nhất khi nói đến người Palestine hoặc ít nhất là ít phi nhân tính nhất” - theo bà Hala Rharrit, cựu phát ngôn viên tiếng Ả Rập của Bộ Ngoại giao Mỹ, người đã từ chức vào đầu năm nay để phản đối chính sách về Gaza của chính quyền Tổng thống Biden.
Tuy nhiên, quan điểm của bà Harris về Gaza không hoàn toàn tương phản với ông Biden. Phó tổng thống nhiều lần cam kết ủng hộ quyền tự vệ của Israel, cũng như bác bỏ những lời kêu gọi của các nhà lập pháp Mỹ về việc đưa ra các điều kiện về viện trợ cho Israel.
“Có một sự đồng thuận vững chắc của giới lập pháp Dân chủ về vấn đề Israel-Palestine, và tôi không mong đợi bà Harris sẽ thoát khỏi sự đồng thuận đó để chuyển sang phe cấp tiến hơn. Ông Biden đã giữ lập trường đặc biệt cứng rắn khi nói đến việc ủng hộ Israel nhưng để giữ cho đảng đoàn kết, bà Harris sẽ không cần phải giữ lập trường đó” - ông HA Hellyer, học giả tại viện nghiên cứu Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (trụ sở Mỹ), nói với tạp chí TIME.
Ngược lại, nếu người ngồi trong Phòng Bầu dục vào tháng 1 tới là ông Trump, nhiều khả năng ông sẽ tiếp tục ủng hộ Israel một cách mạnh mẽ như trong nhiệm kỳ đầu tiên. Khi còn tại nhiệm, ông Trump đã chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem, thúc đẩy loạt thỏa thuận bình thường hóa giữa Israel và các nước láng giềng Ả Rập thông qua Hiệp định Abraham.
Mới đây, tiếp đón Thủ tướng Netanyahu tại dinh thự Mar-a-Lago (bang Florida) hôm 26-7, ông Trump ca ngợi mối quan hệ gần gũi với ông Netanyahu, đồng thời cáo buộc Phó Tổng thống Harris đưa ra những bình luận "thiếu tôn trọng" về cuộc chiến Gaza, theo hãng tin Reuters.
Tuy nhiên, ông Trump khiến giới phân tích khó hiểu khi có những bình luận trái ngược về cuộc chiến ở Gaza. Cựu tổng thống vừa kêu gọi Israel chấm dứt cuộc chiến vừa nói rằng Mỹ nên để Israel “hoàn thành công việc ở Gaza”.
“Ông Trump rõ ràng là một quân bài khó đoán vì không ai biết ông ấy sẽ làm gì” - theo ông Michael Koplow, chuyên gia tại trung tâm nghiên cứu Diễn đàn Chính sách Israel (Mỹ).
Xung đột Nga - Ukraine
Theo các chuyên gia, nếu đắc cử, bà Harris sẽ tiếp nối chính sách của Tổng thống Biden về Ukraine. Vào tháng 6, bà Harris đã đại diện Mỹ dự Hội nghị về Hòa bình về Ukraine ở Thụy Sĩ và có cuộc gặp với Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky.
“Hành động của Nga không chỉ là cuộc tấn công vào cuộc sống và quyền tự do của người dân Ukraine, mà còn là cuộc tấn công vào an ninh lương thực và nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu”- phó tổng thống Mỹ phát biểu tại hội nghị.
Vào tháng 2, khi tham dự Hội nghị An ninh Munich (Đức), phó tổng thống Mỹ chỉ trích cuộc chiến của Nga ở Ukraine và cam kết rằng Washington sẽ kiên quyết tôn trọng Điều 5 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong đó quy định cuộc tấn công vào bất kỳ thành viên nào của liên minh đều sẽ bị coi là nhằm vào toàn bộ liên minh và sẽ kích hoạt phòng vệ tập thể.
Trong khi đó, nếu ông Trump giành chiến thắng, chính sách của Mỹ với Ukraine sẽ khó đoán hơn. Có thông tin rằng giới lãnh đạo ở Kiev đã dành nhiều tháng để suy đoán về tác động của việc ông Trump đắc cử với viện trợ của Mỹ cho Ukraine.
“Trong 8 hoặc 10 tháng đầu tiên, sau khi ông [Trump] đắc cử, về cơ bản là toàn bộ năm 2025, sẽ rất khó khăn” - một quan chức cấp cao của Ukraine nói với TIME.
Ukraine lo ngại rằng ông Trump có thể sẽ cắt giảm viện trợ và thúc đẩy Kiev chấp nhận một thỏa thuận hòa bình có lợi cho Nga hoặc ông Trump cũng có thể tìm cách thiết lập lại quan hệ với Nga.
Ông Trump nhiều lần cho rằng việc trang bị vũ khí cho Ukraine không phục vụ bất kỳ lợi ích quốc gia nào cho Mỹ và việc bơm hàng tỉ USD vào một cuộc chiến là lãng phí số tiền lẽ ra phải chi cho các nhu cầu cấp thiết trong nước cũng như né tránh các mối từ nước ngoài. Theo tờ The Guardian, trong mắt ông Trump, Nga không nằm trong số những nước mà ông coi là đối thủ chính.
Ngoài ra, ông Trump vừa chọn thượng nghị sĩ J.D. Vance - người thường xuyên phản đối viện trợ Ukraine - làm phó tướng cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Trong bài phát biểu chấp nhận đề cử ứng cử viên phó tổng thống của đảng Cộng hòa, ông Vance không đề cập Ukraine, nhưng cho rằng ưu tiên đối ngoại nên là “Nước Mỹ trên hết”.
Dù vậy, vẫn có ý kiến cho rằng ông Trump sẽ sát cánh với Ukraine nếu ông đắc cử. “Sau khi nói chuyện với ông Donald Trump tuần này, tôi tin chắc rằng ông ấy có đủ sức mạnh và lòng dũng cảm để cứu Ukraine, để mang lại hòa bình và để ngăn chặn sự lây lan thảm khốc của xung đột” - cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson viết trong một bài luận trên tờ Daily Mail sau cuộc gặp với ông Trump tại Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa.
“Bất kể một số đảng viên Cộng hòa khác có thể đã nói gì về Ukraine trong quá khứ, tôi tin rằng ông Trump hiểu được thực tế rằng thất bại của Ukraine sẽ là một thất bại lớn đối với nước Mỹ” - theo ông Johnson.
Ông Trump lên án vụ sân bóng ở Cao nguyên Golan bị nã rocket
Ngày 27-7, cựu Tổng thống Trump lên án vụ Cao nguyên Golan (do Israel kiểm soát) bị nã rocket khiến nhiều người thương vong, khẳng định rằng vụ việc “sẽ không bao giờ xảy ra” nếu ông là tổng thống, theo đài CNN.
Cụ thể, ngày 27-7, một sân bóng ở Cao nguyên Golan trúng rocket khiến 12 người chết và 29 người bị thương.
Israel cáo buộc nhóm vũ trang Hezbollah (Lebanon) đứng sau vụ tấn công, song Hezbollah phủ nhận.
“Có lẽ bạn đã nghe nói rằng Israel vừa bị tấn công rất nghiêm trọng. Họ [Hezbollah] không thể làm thế. Những gì họ vừa làm thật kinh khủng. Điều này sẽ không bao giờ xảy ra và chúng ta không thể để nó tiếp tục” - ông Trump nói khi vận động tranh cử tại TP Nashville (bang Tennessee).
Nhà Trắng ngày 27-7 cũng lên án vụ tấn công vào sân bóng. “Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình những người đã mất và chúng tôi cầu nguyện cho những người bị thương sẽ sớm bình phục” - theo tuyên bố của Nhà Trắng.