Văn phòng Bộ GTVT vừa thông báo kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, tại cuộc họp đánh giá khai thác thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông và xây dựng.
"Kết quả của Bộ NN&PTNN mang tính quyết định"
Theo đó, ông Thắng nhấn mạnh việc nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông và xây dựng là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách mà Chính phủ, Thủ tướng hết sức quan tâm và quyết liệt chỉ đạo. Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị các thành viên nêu cao tinh thành trách nhiệm và chủ động phối hợp để triển khai công việc.
Cụ thể, đối với việc thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường tại dự án Hậu Giang - Cà Mau, ông Thắng yêu cầu Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận khẩn trương trình Bộ GTVT các định mức thi công và vận chuyển cát biển, chỉ dẫn kỹ thuật của đoạn thí điểm; hoàn thiện hồ sơ, báo cáo hội đồng đánh giá kết quả thí điểm.
Trên cơ sở báo cáo kết quả đánh giá của hội đồng, Vụ Khoa học - Công nghệ và môi trường tham mưu Bộ GTVT báo cáo Chính phủ kết quả nghiên cứu việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cho hạ tầng giao thông và xây dựng.
Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau thí điểm sử dụng cát biển. Ảnh: CHÂU ANH |
Đối với nhiệm vụ nghiên cứu và đánh giá khai thác thí điểm, Bộ trưởng yêu cầu Viện Khoa học công nghệ GTVT chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, Tập đoàn Geleximco - thành viên Tổ công tác và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện đề cương lấy mẫu bổ sung, thí nghiệm mẫu cát biển của từng vùng.
Trên cơ sở đề cương, Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường rà soát, lấy ý kiến các thành viên tổ công tác và hoàn thiện trình Bộ GTVT xem xét, phê duyệt.
Mốc thời gian triển khai thực hiện như sau: Thí nghiệm vật liệu trong tháng 10-2023; thí điểm hiện trường và báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 11-2023.
Song song quá trình trên, Bộ GTVT cũng đề nghị các thành viên Bộ NN&PTNT xây dựng báo cáo về các quy chuẩn, tiêu chuẩn về nông nghiệp, ngư nghiệp có quy định độ mặn trong nước tưới tiêu, nước mặt, đất trồng. Mục đích, làm cơ sở đánh giá mức độ tác động của độ mặn khi sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường hoặc san nền; kết quả các nghiên cứu đánh giá về mức độ mặn của khu vực ven biển; mức độ tác động của độ mặn đến cây trồng, vật nuôi tại các khu vực khác nhau.
“Đây là nội dung rất quan trọng có tính quyết định đến kết quả nghiên cứu, đề nghị các thành viên của Bộ NN&PTNT khẩn trương hoàn thiện báo cáo gửi Bộ GTVT để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng…”- Bộ trưởng GTVT yêu cầu.
Bộ GTVT cũng yêu cầu các chuyên gia, nhà nghiên cứu khẩn trương có ý kiến chi tiết về các vấn đề khi sử dụng cát biển, đặc biệt các vấn đề về tác động môi trường, xói lở của việc khai thác cát biển, các vấn đề về sử dụng cát biển, cát nhiễm mặn làm vật liệu xây dựng, phạm vi sử dụng và các điều kiện, hướng dẫn sử dụng cát biển.
Cục Đường bộ, Cục Đường cao tốc được giao chủ động nghiên cứu, tham mưu xem xét xây dựng, công bố tiêu chuẩn cơ sở về việc sử dụng vật liệu cát biển làm vật liệu đắp cho công trình giao thông.
Kết quả khả quan
Hiện tại, Bộ GTVT đã triển khai thí điểm cát biển làm vật liệu xây dựng trên đường tỉnh 978, tổng chiều dài đoạn thí điểm 320 m từ nguồn mỏ cát biển lấy ở Sóc Trăng.
Đến nay, nhà thầu đã hoàn thành đắp lớp cát biển dày khoảng 1 m, đắp lề đất hai bên và tiến hành đắp lớp cấp phối đá dăm.
Qua theo dõi, Bộ GTVT nhận thấy kết quả triển khai bước đầu thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng cơ bản đáp ứng các yêu cầu đề ra.
Cụ thể, chất lượng cát biển, theo kết quả thí nghiệm mẫu lấy tại tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng cho thấy các chỉ tiêu cơ bản đáp ứng yêu cầu cho cát đắp nền đường theo quy định. Chưa có bằng chứng cho thấy việc thi công đắp cát biển làm tăng độ mặn và hàm lượng clorua, tuy nhiên vẫn có có sự lan truyền độ mặn và clorua vào mạch nước dưới đất, nhưng sự thay đổi này không lớn.
Vì vậy, Bộ GTVT cho rằng cần theo dõi thêm để thu thập đầy đủ số liệu phục vụ cho công tác đánh giá tổng kết.
Theo Bộ GTVT, khu vực ĐBSCL, giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ triển khai đồng loạt các dự án đường bộ cao tốc, nên nhu cầu cát đắp đường là khoảng 54 triệu m3. Tuy nhiên, trữ lượng cát sông theo khảo sát rất thấp.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, vừa qua Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ TN&MT triển khai nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường sử dụng cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tại khu vực ĐBSCL. Tổ chức các hội nghị, hội thảo triển khai việc nghiên cứu sử dụng cát biển, cát nhiễm mặn làm vật liệu đắp nền đường.