Bộ GTVT cập nhật kết quả nghiên cứu dùng cát biển làm đường

(PLO)- Cát biển được hi vọng là giải pháp cho vấn đề thiếu cát đắp đường đồng bằng sông Cửu Long, nhưng việc nghiên cứu, đánh giá phải cuối năm nay mới có kết quả.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa thừa ủy quyền Thủ tướng báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện nghị quyết Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 3. Theo đó, ngành giao thông đã khởi công thêm 6 dự án, trong năm nay dự kiến khởi công 28 dự án và hoàn thành 29 dự án giao thông.

Nhiều dự án giao thông được khởi công trong tháng 6

Với dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 (2017-2020), Bộ GTVT cho biết đến nay đã đưa vào khai thác các đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Các đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu dự kiến hoàn thành trong quý III/2023; cầu Mỹ Thuận 2 sẽ hoàn thành trong quý IV/2023, đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo là trong quý I/2024; và đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt hoàn thành trong tháng 5-2024.

Bộ GTVT cũng đặt mục tiêu hoàn thành sớm nhất có thể dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, đường bộ cao tốc Bắc – Nam, dự án sân bay Long Thành trong thời gian tới.

Các dự án do địa phương làm chủ đầu tư như cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, các tuyến Vành đai 3 – TP.HCM, Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội thì Bộ GTVT đang phối hợp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, hoàn chỉnh các thủ tục về đầu tư xây dựng để khởi công trước ngày 30-6 tới đây.

Dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 vừa mới đưa vào khai thác. Ảnh: V.LONG

Dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 vừa mới đưa vào khai thác. Ảnh: V.LONG

Về kiểm soát chất lượng và tiến độ dự án công trình giao thông, Bộ GTVT khẳng định đã phối hợp Kiểm toán Nhà nước để kiểm tra các gói thầu xây lắp trước khi chỉ định thầu theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Cạnh đó, Bộ GTVT yêu cầu chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án chỉ đạo tư vấn giám sát thường xuyên, trực tiếp tại hiện trường, kiểm soát chặt chẽ chất lượng công trình, kiên quyết loại bỏ vật liệu không đảm bảo yêu cầu... Đặc biệt, các đơn vị trên không được để xảy ra các sai sót, các hạng mục công trình không đảm bảo chất lượng.

Thiếu cát làm đường vẫn là vấn đề nan giải

Về nguồn vật liệu cung cấp cho các dự án giao thông, Bộ GTVT cho biết với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ triển khai đồng loạt các dự án đường bộ cao tốc, nên nhu cầu cát đắp đường là khoảng 54 triệu m3, chủ yếu phát sinh trong hai năm 2023-2024.

Để giải quyết vấn đề này, Thủ tướng đã giao Bộ TN&MT chủ trì cùng các địa phương trong khu vực rà soát đánh giá nguồn cung, phân bổ cho các dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Trong các dự án này có hai dự án thành phần cao tốc phía Đông, đoạn từ Cần Thơ đến Cà Mau, tổng nhu cầu cát đắp khoảng 18,07 triệu m3, hiện vẫn đang gặp khó khăn về nguồn cung.

Bộ GTVT, chủ đầu tư dự án đã làm việc với lãnh đạo các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, nhưng đến nay mới chỉ giải quyết được khoảng 3 triệu m3.

Ngành giao thông có tính đến phương án sử dụng cát biển làm vật liệu cho các dự án giao thông, trong đó tỉnh Trà Vinh đã cấp phép khai thác một mỏ với trữ lượng còn lại khoảng 1,144 triệu m3, công suất khai thác là 0,4 triệu m3 mỗi năm.

Với mỏ quy hoạch, hiện có ba vị trí ở hai tỉnh với trữ lượng khoảng hơn 13,9 tỉ m3. Trong đó, một vị trí của tỉnh Sóc Trăng có trữ lượng lớn nhất, 13,9 tỉ m3 nằm cách bờ biển khoảng 40 km; tỉnh Trà Vinh có hai vị trí với trữ lượng nhỏ, khoảng 2,1 triệu m3.

Tuy nhiên, để đi đến quyết định sử dụng cát biển làm dự án đường bộ thì cần phải thí nghiệm, đánh giá chặt chẽ. Đến thời điểm này, Bộ GTVT cho biết mẫu cát biển lấy tại Trà Vinh và Sóc Trăng có chỉ tiêu cơ lý cơ bản đáp ứng yêu cầu cho cát đắp nền đường.

Nhiều thí nghiệm sử dụng cát biển đang được triển khai ngoài hiện trường, trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả ĐT.978 thuộc dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau, dự kiến hoàn thành công tác thi công trong tháng 5 này, tiến hành quan trắc đến tháng 11, và dự kiến có kết quả đánh giá đẩy đủ vào cuối năm 2023.

“Như vậy, nhanh nhất cũng phải đến cuối năm mới có thể xác định được khả năng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của cát biển sử dụng làm vật liệu san lấp cho các dự án. Vì vậy, trước mắt trong năm 2023, nguồn vật liệu san lấp cho các dự án chủ yếu vẫn là cát sông…” - Bộ GTVT cho hay.

Vì vậy, giải pháp lúc này vẫn là Bộ GTVT tiếp tục phối hợp với Bộ TN&MT làm việc với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long có giải pháp tổng thể để đảm bảo nguồn cung cát đắp cho các dự án. Đồng thời phối hợp với Bộ KH&CN, Bộ TN&MT để thực hiện các nghiên cứu, đánh giá cát biển làm vật liệu san lấp cho dự án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm