'Kết thúc mô hình Tổng cục Quản lý thị trường là việc khó nhưng không thể chậm trễ hơn'

(PLO)- Lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ đạo kết thúc mô hình tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường; các Cục Quản lý thị trường ở địa phương chuyển về UBND các tỉnh, thành phố quản lý; kiến nghị mô hình Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở.

Sáng 17-12, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Hội nghị "lịch sử" của lực lượng Quản lý thị trường

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng hội nghị hôm nay không chỉ để tổng kết năm mà còn là hội nghị “lịch sử”, triển khai Nghị quyết 18 thực hiện chủ trương tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy hoạt động của các bộ, ngành, đơn vị, trong đó có lực lượng Quản lý thị trường.

Nhìn lại hiệu quả của mô hình hoạt động Tổng cục Quản lý thị trường theo ngành dọc sau hơn 6 năm hoạt động kể từ tháng 10-2018, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá toàn lực lượng đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong triển khai thực hiện nhiệm vụ và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi tổng kết. Ảnh: BCT

Bộ trưởng Diên cho biết thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và yêu cầu, định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Chính phủ về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ đạo kết thúc mô hình tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường. Các Cục Quản lý thị trường ở địa phương chuyển về UBND các tỉnh, thành phố quản lý; kiến nghị mô hình Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở.

Bộ trưởng Bộ Công Thương đánh giá đây là một việc khó, phức tạp, nhạy cảm nhưng không thể không làm và không thể làm chậm trễ hơn.

Ông Diên đề nghị toàn lực lượng xác định việc sắp xếp tổ chức bộ máy là việc cần làm và phải làm ngay nhưng phải làm khách quan, dân chủ, khoa học. Đồng thời phải bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, chứ không phải là sự sắp xếp cơ học nhằm giảm thiểu sự chồng chéo, không rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị.

"Tuyệt đối không để phát sinh tư tưởng, mất đoàn kết nội bộ. Không để xảy ra tình trạng so bì, bê trễ, lơ là trong thực thi công vụ, nhất là trong bối cảnh năm mới và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần. Lúc đó, thị trường hàng hoá sẽ rất sôi động, dễ phát sinh những sai phạm trong sản xuất, kinh doanh nếu công tác kiểm tra, giám sát thị trường bị buông lỏng"- Bộ trưởng Diên nói.

Trong quá trình tổ chức thực hiện việc sắp xếp, tổ chức bộ máy bên trong, Bộ trưởng Công Thương yêu cầu Tổng cục và các Cục Quản lý thị trường địa phương phải bám sát yêu cầu, định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Ban Chỉ đạo Chính phủ và Ban Chỉ đạo của Bộ để bảo đảm chất lượng, tiến độ triển khai và chỉ tiêu sắp xếp tối thiểu được giao.

Đồng thời, cần lưu ý các vấn đề liên quan đến xử lý tài chính, ngân sách, tài sản công và chuyển tiếp quản lý dự án đầu tư công trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy.

Bộ trưởng Diên cũng yêu cầu chủ động rà soát, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định, cơ chế chính sách phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy mới. Từ đó bảo đảm mô hình bộ máy mới phải tốt hơn mô hình cũ và phải đi vào hoạt động ngay. Đặc biệt, không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, bỏ trống địa bàn phụ trách.

Phát hiện, xử lý 953 vụ vi phạm kinh doanh vàng

Trước đó, báo cáo về công tác quản lý thị trường trong năm 2024, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết trong năm 2024, tình hình vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động thương mại diễn biến phức tạp hơn và tính chất, mức độ vi phạm nghiêm trọng hơn.

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh. Ảnh: BCT

Điển hình là phát hiện, thu giữ sách giáo khoa giả mạo nhãn, bao bì của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam tại Hậu Giang, Sóc Trăng; vụ gạo giả mạo nhãn hiệu Gạo Ông Cua; vụ sản xuất thực phẩm bổ sung giả tên, địa chỉ thương nhân, giả mạo nhãn, bao bì sản phẩm tại Hà Nội, Tây Ninh…

Những người vi phạm khi bị kiểm tra, xử lý không chỉ hoạt động nhỏ lẻ, mang tính thời vụ như trước mà có xu hướng gia tăng vi phạm tại các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có đăng ký đầy đủ tư cách pháp nhân, có giấy phép kinh doanh.

Tình hình vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm diễn biến phức tạp.

Ông Linh cho biết trong năm 2024, toàn lực lượng đã kiểm tra, xử lý nhiều vi phạm đối với mặt hàng vàng, xăng dầu, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng...

Liên quan đến mặt hàng vàng, toàn lực lượng đã phát hiện, xử lý 953 vụ, chuyển cơ quan điều tra một vụ (Thanh Hóa); xử phạt vi phạm hành chính 23,3 tỉ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 29 tỉ đồng.

Về các hành vi buôn lậu thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới, lực lượng đã phát hiện, xử lý 970 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 3,6 tỉ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 6,2 tỉ đồng.

Liên quan đến mặt hàng xăng dầu, lực lượng đã phát hiện, xử lý 406 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 12 tỉ đồng, thu giữ 2.470 lít dầu các loại trị giá 52 triệu đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới