Kẹt xe khủng khiếp bất chấp giờ giấc

Theo ghi nhận, những tuyến đường như Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh hướng về đường Tôn Đức Thắng, quận 1), đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (từ vòng xoay Hàng Xanh hướng về quận 1 hay hướng ngược lại) đều xảy ra tình trạng ùn ứ nghiêm trọng trong các khung giờ cao điểm. Ngoài ra, khoảng giờ trưa từ 10 giờ 30 đến 12 giờ 30, những tuyến đường này cũng rơi vào tình trạng ùn ứ.

Muốn nghỉ làm cho khỏe

“Nhiều lúc tôi muốn nghỉ làm cho khỏe vì ra đường mấy ngày gần đây thấy cực quá. Tuyến đường nào cũng thấy kẹt như nhau, thấy xe đậu một hàng dài ngoằng vậy đó. 8 giờ vô làm là tôi tranh thủ 6 giờ 30 phải ra khỏi nhà rồi. Có hôm tôi phải chen vào mấy con hẻm để dò hỏi lối ra sao cho  nhanh nhất mà không phải kẹt, ai ngờ đâu hẻm cũng kẹt. Mới đây tôi có đi qua đường Nguyễn Thị Minh Khai, ngay ngã tư giao với đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, tôi phải chờ năm lần đèn đỏ mới qua được ngã tư” - ông Lý Thiện Đức (ở quận 7, làm bảo vệ ở một cửa hàng cà phê trên đường Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh) than vãn.

Không chỉ ở khu vực trung tâm TP, nhiều tuyến đường ở quận Thủ Đức cũng rơi vào tình trạng kẹt xe tương tự. Cụ thể, gần một tuần nay, tuyến đường Võ Văn Ngân thường xảy ra tình trạng kẹt xe ở khu vực trước chợ Bắc Ninh và Trung tâm thương mại Vincom (chi nhánh Thủ Đức). Tại các điểm này, dòng người phải di chuyển chậm hoặc chọn cách leo lề, quay ngược xe để đi đường khác.

Bà Trần Kim Anh (ở gần ngã tư Thủ Đức) cho biết một tuần nay, cứ tầm 16 giờ 30 là ùn ứ trước chợ Bắc Ninh kéo dài đến trước Trung tâm thương mại Vincom xảy ra như cơm bữa. Có ngày lực lượng dân phòng phải chốt chặn dày đặc để hướng dẫn, điều tiết. “Vào giờ cao điểm, khi cần đi qua đoạn đường này, tôi đều phải chạy vòng vèo qua nhiều đường khác nhau để né, nếu không sẽ bị chết dí trong dòng xe đông đặc. Dịp tết nào đường này cũng đông cả nhưng năm nay, lần đầu tiên tôi thấy tình trạng kẹt xe khủng khiếp như vậy” - bà Anh nhận xét.

Ùn ứ kéo dài trên tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Ảnh: THANH TUYỀN

Nhúc nhích từng tí một

Theo ghi nhận những ngày gần đây, vào mỗi sáng tuyến đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) thường kẹt xe kéo dài, thậm chí có nhiều ngày chỉ mới 14 giờ dòng xe đã nêm cứng trên đường từ cầu vượt Hoàng Hoa Thám đến vòng xoay Lăng Cha Cả. Quan sát cho thấy trong dòng xe này có nhiều người chở những gói hàng cồng kềnh hẳn, có người mua sắm nhiều vật dụng trang trí tết và có người chở hành lý ra bến xe, sân bay...

Ông Nguyễn Văn Thảo, người dân sống tại khu vực này, cho biết: “Hơn nửa tháng nay, đường Cộng Hòa, Trường Chinh kẹt xe thất thường. Nó không theo giờ giấc như trước mà dạo này kẹt xe sớm hơn và thời gian kéo dài hơn. Bình thường kẹt hai lần mỗi ngày lúc cao điểm rồi thì mình còn biết né, đằng này muốn kẹt lúc nào thì kẹt”.

Ông Thảo cũng cho rằng vào thời điểm cuối năm, người buôn bán ra đường nhiều hơn do phải giao hàng, bán hàng cho kịp đón tết Nguyên đán dẫn đến gia tăng tình trạng kẹt xe. “Chính bản thân tôi kinh doanh đồ gỗ, vào những ngày này nhiều đơn hàng hối lắm, phải đi giao thường xuyên. Chính bản thân tôi cũng mong buôn bán hết hàng tồn để có tiền chơi tết. Mà đi giao hàng đâu thể đi giờ cao điểm cho kẹt xe nên né giờ đó ra. Nhưng chắc ai cũng nghĩ như mình nên đổ vào các giờ khác đi giao, rồi kẹt xe thôi…” - ông Thảo nói thêm.

“Chết cứng” ở sân bay

Tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, tình trạng kẹt xe còn tệ hơn. Các giờ cao điểm sáng và tối không kẹt xe nhiều mà đường Trường Sơn thường xuyên bị kẹt xe từ 9 giờ đến trưa, cao điểm tầm 11-12 giờ.

Trên đoạn đường này, hầu hết phương tiện di chuyển là ô tô, taxi từ các hướng đổ dồn về sân bay. Trên các làn đường, ô tô gần như chiếm trọn. Làn đường cho xe máy lúc nào cũng có ô tô và vì thế người đi xe máy phải chen chúc giữa các ô tô.

Ông Lê Huy Việt (chạy xe ôm tại khu vực sân bay) cho biết dù cận tết nhưng hoạt động của xe ôm khá ế ẩm vì kẹt xe. “Mấy ngày nay, cứ 9 giờ là bắt đầu kẹt xe, kẹt nặng hơn đến trưa. Cứ hễ kẹt xe là người ta đi bộ chứ không mấy ai đi xe ôm, taxi gì nữa. Cũng may có CSGT điều tiết ở đây thì mọi người lưu thông trật tự hơn, chứ không thì mạnh ai nấy đi. Thời điểm này thì chủ yếu khách từ TP.HCM đi là nhiều nên hướng vào sân bay lúc nào cũng kẹt”.

Còn tài xế taxi Trần Quốc Định thì thường vào đường Thăng Long (gần sân bay) để… chơi game, tránh kẹt xe. Ông ngán ngẩm: “Năm nay kẹt xe sớm hơn mấy năm trước. Năm trước phải 20 tết mới kẹt nhiều, còn đằng này mới đầu tháng Chạp đã kẹt rồi. Mấy hôm nay kẹt xe gấp ba lần ngày thường khiến tài xế chúng tôi ngao ngán. Cứ gần 8 giờ là xe cộ đã đông đúc và kẹt đến tận tối, đặc biệt 10-12 giờ thì chỉ có nhích từng chút thôi. Vì vậy, nhiều người xuống xe đi bộ vào sân bay vì sợ trễ giờ. Cách đây mấy hôm tôi chở khách về Bắc ăn tết mà mới tới Công viên Hoàng Văn Thụ bị kẹt xe nên họ trả tiền rồi xuống xe đi bộ luôn”.

“Một cuốc chạy xe chỉ 100.000-200.000 đồng nhưng mất 1-2 tiếng thì không đủ tiền xăng. Vì vậy, cứ thấy kẹt xe là tôi trốn vô đây ngồi… chơi game cho rồi. Mấy tài xế khác cũng vậy thôi, bỏ đi ăn, uống nước đầy hết, đợi ngớt ngớt xe rồi ra” - ông Định than thở.

Nhích gần hai giờ vẫn không qua cái đèn đỏ

Những năm trước, tình trạng kẹt xe dịp cuối năm tăng nhiều sau ngày 20 tết do người ta đi mua sắm cuối năm. Năm nay tôi thấy tình trạng này kéo dài từ nửa tháng nay rồi nhưng không hiểu vì sao, cũng chưa phải là quá cận tết mà.

Đi đường nào cũng thấy kẹt, cứ nhích nhích từng chút, có khi thì đứng như vậy gần hai giờ mà chưa qua được cái đèn đỏ. Nhiều khi chạy đón khách thôi cũng muốn nổi cáu vì khách thì hối mà đường thì kẹt cứng ngắc.

Ông TRẦN KIM THÔNG, tài xế taxi Vinasun,
ở đường Lý Tự Trọng, quận 1, TP.HCM

Cố “lết” đến nơi, khách đã đi mất

Dịp tết năm nào mà chẳng kẹt nhưng không hiểu sao năm nay kẹt xe trong những ngày này lại nặng nề như vậy. Ngán nhất là tầm 8-9 giờ sáng với 5-6 giờ chiều, đường nào cũng toàn xe kéo dài hàng kilomet.

Tôi làm tài xế cũng muốn chạy nhiều chuyến chứ mà cứ nghĩ đến cảnh kẹt xe là ngán ngẩm.

Tôi đậu ở đường Nguyễn Thị Minh Khai mà có khách gọi qua đường Lê Duẩn thì cũng nhích nhích từng chút. Mất một thời gian dài, vất vả đến nơi nhưng có khi đến nơi thì khách đi bằng phương tiện khác.

Ông TRƯƠNG VĂN THANH, tài xế taxi ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới