Lượt khách đăng ký mua tour tết tại các hãng lữ hành đã tăng đáng kể so với những ngày trước. Tuy nhiên, theo các hãng lữ hành, so với cùng kỳ năm ngoái lượt khách như hiện nay vẫn ở mức khá thấp. Khách ít, giá cả tăng cao, bên cạnh đó là quy định mới khiến nhiều doanh nghiệp (DN) lữ hành ngày càng gặp khó.
Tour nội, ngoại đều tăng!
Những ngày gần đây, liên tục nhiều hãng lữ hành chào bán tour tết mới với những chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Đơn cử như chương trình “Tour tết giá tốt, tặng đến 1 triệu đồng” hay “khuyến mãi cực lớn dịp cuối năm”… Xem qua, nhiều người nghĩ có vẻ giá tour tết đang giảm khá hấp dẫn. Tuy nhiên, khi được hỏi, một số hãng lữ hành thừa nhận đấy là “chiêu” để thu hút khách chứ thực ra các hãng lữ hành đang phải đối mặt với đủ thứ khó khăn như dịch vụ đòi tăng giá.
Giá tour tết trong nước và nước ngoài tăng do các hãng lữ hành đang phải đối mặt với nhiều dịch vụ đòi tăng giá. Ảnh: HTD
Bà Lê Thị Như Hà, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Hòa Bình, nói: “Các dịch vụ xe, khách sạn, ăn uống, vé máy bay đều đòi tăng vào dịp tết vậy nên giá tour cũng đội lên khoảng 10% đến 20% so với ngày thường. Nếu ai tung ra chương trình giảm giá hay khuyến mãi gì thì tôi cho rằng là “chiêu” thôi. Vì tết cái gì cũng tăng giá hết”. Cũng theo bà Hà, đến thời điểm này, các tour của du lịch Hòa Bình mới chỉ đầy được 50% số chỗ.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trương Đức Hải, Giám đốc Công ty Du lịch Hòn Ngọc Viễn Đông, cho hay lượng khách của công ty giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá dịch vụ xe vận chuyển tăng 30%, khách sạn nhiều nơi cũng tăng gần gấp đôi, vé máy bay tăng khiến giá tour phải tăng theo.
Cũng theo ông Hải, không chỉ tour nội địa mà các tour nước ngoài như Lào, Thái, Campuchia ít biến động về giá thì năm nay cũng tăng khá mạnh. Trong đó, tour Thái Lan có mức tăng mạnh nhất lên đến 30% do giá vé máy bay tăng quá cao. Ngoài ra, tour Campuchia cũng tăng thêm khoảng 10% so với ngày thường.
Lữ hành lo thiếu vốn
Ngoài chuyện ế khách, nhiều hãng lữ hành còn đau đầu với bài toán thiếu vốn do Nhà nước chuẩn bị áp dụng ký quỹ 500 triệu đồng đối với lữ hành quốc tế từ 1-1-2014.
Nói về điều này, ông Trương Đức Hải bức xúc: “Chúng tôi đã kiến nghị lên Hiệp hội Du lịch TP.HCM và hiệp hội cũng từng có ý kiến nhưng vẫn không có kết quả. Việc ký quỹ này làm các DN khó khăn về vốn vì phải chôn 500 triệu đồng vào đó, đến khi giải thể mới được lấy lại. Trong khi thực tế, có bao nhiêu hãng lữ hành khi xảy ra vấn đề lấy số tiền đó để đền bù cho khách? Tôi thấy nó chẳng khác gì một loại giấy phép con”.
Một DN xin giấu tên nói trước đây ký quỹ 250 triệu đồng DN đã cảm thấy khó. Nay tăng lên 500 triệu đồng thì vô tình “giam vốn” DN. “DN thiếu vốn, mượn ngân hàng, giá tour đội lên thì cuối cùng khách chịu” - DN này nói.
Còn theo ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Du lịch Việt, ông hoàn toàn ủng hộ việc ký quỹ này. Vì việc mở một công ty du lịch hiện nay quá dễ dãi đã dẫn đến tình trạng bát nháo, khách bị thiệt. Tuy nhiên, ông Long cũng kiến nghị cơ quan quản lý nên xem xét lại việc hỗ trợ cho các DN thiếu vốn.
“Việc chôn 500 triệu đồng vào mà không sinh lời trong điều kiện khó khăn như hiện nay thì đúng là rất mệt mỏi. Nhà nước nên hỗ trợ lại bằng cách tạo điều kiện cho các DN vay, tất nhiên khi đó các hãng lữ hành sẽ phải có tài sản thế chấp” - ông Long nói.
Mở đường bay kết nối thắng cảnh du lịch Ngày 29-11, hãng hàng không giá rẻ VietJetAir cho biết để chào mừng sự kiện du lịch Festival hoa Đà Lạt và Tuần văn hóa du lịch Đà Lạt 2013, VietJetAir chính thức mở đường bay Vinh - Đà Lạt. Theo đó, đường bay mới sẽ khai trương từ ngày 24-12. Theo VietJetAir, việc mở đường bay này nhằm kết nối hai thắng cảnh nổi tiếng, góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch, đồng thời phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. |
MAI PHƯƠNG