Khai báo y tế khi đến cơ quan nhà nước

Thực hiện các chỉ thị về phòng chống dịch COVID-19 của TP.HCM, các quận, huyện trên địa bàn TP đã khởi động “hàng rào” bảo vệ hoạt động tiếp dân trước dịch bệnh.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại UBND quận Phú Nhuận thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Khai báo y tế khi đến UBND quận, phường

Theo ghi nhận của PV những ngày cuối tháng 5 tại UBND quận Bình Tân, trước khi vào bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ, người dân phải khai báo y tế (KBYT) thông qua mã QR code hoặc khai báo trực tiếp bằng giấy. Còn tại bộ phận một cửa, người dân được kiểm tra nhiệt độ, sát khuẩn và hướng dẫn ngồi cách xa nhau.

Ông Minh (ngụ quận Bình Tân) cho biết khi đến đây ông đã chủ động lại khu vực KBYT để nhờ cán bộ hướng dẫn. “Từ lúc có dịch, khi đến bệnh viện hay một số nơi đều yêu cầu KBYT nên tôi quen rồi” - ông Minh kể.

Còn anh Lượm (ngụ quận Bình Tân) lại nhanh chóng dùng điện thoại thông minh quét mã QR code được dán ngay khu vực KBYT. Anh Lượm cho biết: “Bây giờ đến quận thấy cán bộ cố gắng giải quyết hồ sơ nhanh hơn để người dân ra về nhằm tránh tụ tập đông người”.

Tại điểm tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ tại khu vực III, TP Thủ Đức, từ nhiều ngày nay đã áp dụng việc KBYT bằng cách quét mã QR code hoặc khai báo trực tiếp (dành cho người không sử dụng điện thoại thông minh). Cùng đó là việc thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế, đảm bảo giãn cách giữa những người dân đến làm thủ tục.

Trong khi đó, ghi nhận tại UBND quận Bình Thạnh chiều 28-5, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ có khá đông người dân đến làm thủ tục. Tại đây, quận đã bố trí người dân ngồi giãn cách và đeo khẩu trang để đảm bảo an toàn. Ở cổng ra vào, người dân được yêu cầu KBYT, đo thân nhiệt và sát khuẩn tay trước khi vào trong. Bộ phận này cũng hỗ trợ phân luồng cho người dân ra vào khu vực làm thủ tục.

Tương tự, người dân đến làm thủ tục hành chính tại UBND quận Phú Nhuận cũng được yêu cầu KBYT, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang và ngồi giữ khoảng cách tối thiểu 2 m để đảm bảo an toàn.

Người dân đang khai báo y tế trước khi vào giao dịch tại bộ phận một cửa của UBND quận Bình Tân. Ảnh: LÊ THOA

Số hóa hồ sơ để tiếp nhận thủ tục không giấy

Đại diện UBND quận Bình Tân cho biết quận đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo về phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, ngoài việc thực hiện KBYT, sát khuẩn, đo thân nhiệt, ngồi giãn cách, quận còn bố trí một khu vực tiếp xúc, giải quyết các trường hợp người dân có nhu cầu liên hệ với các phòng, ban để giải quyết hồ sơ.

“Hiện nay, quận vừa tiếp nhận hồ sơ trực tiếp và trực tuyến nhưng khuyến khích người dân làm hồ sơ trực tuyến để tránh tập trung đông người. Đặc biệt ở các UBND phường đều dán mã QR code để người dân thuận tiện trong việc KBYT khi đến giao dịch” - vị đại diện nói.

Còn tại UBND quận 1, bà Nguyễn Thị Thu Hường, Quyền Chủ tịch UBND quận, cho biết từ khi xảy ra dịch COVID-19, quận 1 đã đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Quận cũng hướng dẫn người dân KBYT trực tuyến khi đến các địa điểm giao dịch, đồng thời công khai mã QR code trên website của quận, người dân chỉ mất khoảng 20 giây thực hiện. Đặc biệt, khi người dân đến làm hồ sơ trực tiếp thì toàn bộ hồ sơ sẽ được số hóa, đưa vào hệ thống một cửa điện tử của quận.

Bà Hường cũng cho biết để thực hiện công tác phòng chống dịch, quận 1 đã triển khai bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch trên tất cả lĩnh vực, đồng thời thành lập tổ COVID, phản ứng nhanh tại UBND quận; rà soát việc khai báo y tế của lực lượng xe ôm truyền thống, tổ xe ôm tự quản; rà soát số liệu lao động là người nước ngoài ở các doanh nghiệp trên địa bàn…

Còn theo đại diện UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, phường đã thực hiện KBYT từ ngày 25-5 đối với người dân đến phường liên hệ công việc. Đối với các cơ sở sản xuất, phường đã cho ký cam kết việc đảm bảo các quy định phòng chống dịch, cơ sở kinh doanh ăn uống đóng cửa hoặc bán mang về.

Đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, các chung cư trên địa bàn cũng phải KBYT và lập danh sách để phục vụ công tác truy vết khi có yêu cầu, đo thân nhiệt và yêu cầu đeo khẩu trang ngay cửa ra vào đối với mọi người đến trụ sở làm việc và liên hệ công tác của cơ quan, đơn vị...

Người dân khai báo y tế bằng mã QR code khi đến UBND quận Bình Tân.
Ảnh: LÊ THOA

Chuẩn bị kỹ lưỡng, dự phòng trường hợp khẩn cấp

Trao đổi với PV, ông Trần Đăng Khoa, Chánh Văn phòng HĐND và UBND quận Bình Thạnh, cho biết: “Ở khu vực tiếp nhận và trả hồ sơ, việc thực hiện giãn cách và đeo khẩu trang là bắt buộc. Trường hợp khu vực làm hồ sơ có đông người thì người dân được bố trí ra khu vực khác để đảm bảo giãn cách. Riêng khu vực tiếp công dân được bố trí nằm cách xa khu vực tiếp nhận và trả hồ sơ”.

Ông Khoa cho biết thêm các phương án dự phòng tình huống khẩn cấp đều được chuẩn bị kỹ lưỡng. Trường hợp phát hiện người sốt sẽ hướng dẫn về trạm y tế hoặc bệnh viện quận để thực hiện các biện pháp tiếp theo.

Trong khi đó, Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND quận Phú Nhuận Phan Văn Minh cho hay quận đã triển khai bộ tiêu chí 5K trong tiếp nhận và hoàn trả hồ sơ của người dân đến làm thủ tục.

Cụ thể, cổng chính ra vào được bố trí khu vực đo thân nhiệt, người dân sau đó được hướng dẫn KBYT bằng mã QR code. Trường hợp người lớn tuổi được hướng dẫn khai báo bằng giấy.

Ở khu vực tiếp nhận hồ sơ, người dân được yêu cầu ngồi giãn cách tối thiểu 2 m để đảm bảo an toàn. Khu vực giao dịch được khử khuẩn bề mặt liên tục ba lần/ngày. “Việc đeo khẩu trang là bắt buộc, những trường hợp không chấp hành đều được mời ra ngoài” - ông Minh nói và cho biết những người đến liên hệ công tác thì từng phòng, ban sẽ lập danh sách mỗi ngày để lưu theo dõi.

Ngoài ra, quận tiếp tục triển khai dịch vụ công mức độ 3, 4 (trả hồ sơ qua bưu cục) cho người dân để hạn chế đến trụ sở. “Tinh thần là bằng mọi cách để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người dân và doanh nghiệp đến giao dịch cũng như sức khỏe cán bộ, công chức của quận” - ông Minh khẳng định.

Bình Tân: Ra mắt ứng dụng “Hỗ trợ trực tuyến”

Trong bối cảnh tình hình dịch diễn biến phức tạp, UBND quận Bình Tân đã ra mắt ứng dụng “Hỗ trợ trực tuyến” nhằm giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện tra cứu hồ sơ, tìm hiểu thủ tục hành chính, quy trình giải quyết hồ sơ ngay tại nhà, tại doanh nghiệp mà không cần đến trụ sở.

Theo bà Phạm Thị Ngọc Diệu, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, đây là ứng dụng được xây dựng trên nền trí tuệ nhân tạo (AI) với nội dung trả lời, kịch bản dựng sẵn. Với ứng dụng này, người dân có thể đặt câu hỏi, trao đổi trực truyến bằng tin nhắn. “Đối với những câu hỏi đơn giản thì ứng dụng sẽ tự trả lời, còn với các câu hỏi phức tạp hơn, ứng dụng ghi nhận để cơ quan có thẩm quyền trả lời và bổ sung vào kịch bản” - bà Diệu nói.

Trong dịp này, quận Bình Tân cũng ra mắt ứng dụng “Công chức trực tuyến Bình Tân”, giúp cán bộ trao đổi công việc trên hệ thống, nhất là trong thời điểm dịch hiện nay. 


TP Đà Nẵng: Các cuộc họp diễn ra theo hình thức trực tuyến

Theo ghi nhận của PV tại bộ phận một cửa của Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng, việc tiếp công dân đến giao dịch diễn ra bình thường. Tuy nhiên, tất cả công dân khi đến đều phải KBYT, khử khuẩn tay và được bố trí ngồi giãn cách với nhau. Bộ phận một cửa ở các quận/huyện, phường/xã tại Đà Nẵng cũng áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp này.

Ông Nguyễn Hà Bắc, Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng, cho hay mỗi ngày cán bộ lãnh đạo vào Trung tâm hành chính TP làm việc đều KBYT, áp dụng biện pháp 5K gắt gao. Các cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Bên cạnh đó, tòa nhà cũng thường xuyên được lau chùi, khử khuẩn bề mặt.

Liên quan đến việc lãnh đạo Sở Tư pháp TP Đà Nẵng dương tính với SARS-CoV-2, ông Bắc cho hay cán bộ này đã trở lại làm việc bình thường sau khi được xét nghiệm âm tính.

Theo ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng, tỉ lệ áp dụng dịch vụ công trực tuyến ở Đà Nẵng (mức 3, 4) hiện đạt 97%. Trong đó, dịch vụ công trực tuyến mức 4 (nộp hồ sơ và trả kết quả qua mạng) ở cấp TP đạt 75%, cấp quận/huyện, phường/xã đạt 100%.

Cổng dịch vụ công Đà Nẵng hiện được kết nối với hệ thống một cửa điện tử, do đó các thông tin về nộp hồ sơ (chưa nhận, đã nhận); xử lý, đã trả kết quả, quá hạn… được cung cấp kịp thời cho người đứng đầu các cơ quan chủ quản dịch vụ thông qua chức năng thống kê, tra cứu trên Cổng dịch vụ công trực tuyến TP và trên điện thoại di động để đôn đốc kiểm tra thực hiện.

Ngoài ra, cổng dịch vụ công còn có các chức năng như thanh toán trực tuyến, hóa đơn/phiếu thu điện tử, ký số hồ sơ và ký số kết quả thủ tục hành chính… giúp người dân Đà Nẵng tiết giảm việc phải đến trực tiếp cơ quan công quyền để giao dịch. TẤN VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm