Khám bệnh nhân khác giới: Phải có người chứng kiến!

Mới đây, dự thảo Quy tắc về y đức của Hội Y học TP.HCM đã ghi nhận một điều khá lạ là: Khi bác sĩ khám cho một bệnh nhân trẻ khác giới thì cần có người thứ ba. Vì sao phải có thêm người thứ ba chứng kiến? Nhiều người cho rằng phòng khám bệnh là chỗ riêng tư, tế nhị và cần giữ vệ sinh. Liệu việc có thêm người thứ ba có cần thiết hay tạo thêm phiền phức?

Người thứ ba là ai?

Có người đặt vấn đề, ngành y tế đã có 12 điều y đứcLuật Khám bệnh, chữa bệnh (sẽ có hiệu lực vào ngày 1-1-2011), vậy vì sao TP.HCM lại định ban hành thêm Quy tắc về y đức? Theo TS Phạm Duy Linh (Phó Chủ tịch Hội Y học TP.HCM), 12 điều y đức chỉ nói chung chung, Luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng chưa đề cập rõ quy tắc ứng xử, giới hạn quan hệ, hành vi của thầy thuốc với bệnh nhân. Chuyện sàm sỡ bệnh nhân vẫn thường xảy ra ở đâu đó và nghề y đang thiếu quy tắc minh bạch về việc này. Vậy người chứng kiến là ai? Theo TS Linh, đó có thể là nhân viên y tế, người cùng gia đình hoặc cùng cơ quan của bệnh nhân.

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho rằng vấn đề người chứng kiến trong phòng khám là rất cần thiết. Việc này đã được dạy từ lúc các bác sĩ còn là sinh viên y khoa. “Người thứ ba là bất cứ ai, có thể là gia đình hay nhân viên y tế. Trong những tình huống nhạy cảm, nhất là khi khám cho các cô gái mới dậy thì thì có cha mẹ đi cùng là tốt nhất” - bác sĩ Châu nói.

Khám bệnh nhân khác giới: Phải có người chứng kiến! ảnh 1

Bác sĩ sàm sỡ bệnh nhân - ảnh trong một clip gây xôn xao trên báo mạng hồi tháng 5 năm nay.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn (Phó Giám đốc BV 175), người thứ ba là người trong ngành y, là điều dưỡng và đồng giới với người bệnh là tốt nhất. Tùy từng trường hợp, bác sĩ khám có thể gọi thân nhân vào để hỏi thêm thông tin về người bệnh.

Bảo vệ cả bệnh nhân và bác sĩ

Người thứ ba để làm gì? TS Phạm Duy Linh nêu ví dụ: Nếu một phụ nữ bị bệnh tâm thần, lúc vào khám họ bất hợp tác, la làng, nếu không có ai làm chứng thì bác sĩ sẽ không nói gì được. Người thứ ba có vai trò bảo vệ bệnh nhân trước bác sĩ có tà tâm, ngược lại người thứ ba sẽ là người minh oan cho bác sĩ nếu bác sĩ bị vu cáo.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn cũng chia sẻ: Qua thực tế, BV 175 thấy cần phải có mặt người thứ ba. Bởi vậy, bệnh viện đã quy định: Khi đi khám người khác giới là bệnh nhân nam có thể không cần, riêng bệnh nhân nữ thì luôn phải có người chứng kiến.

Bác sĩ Hồ Hải cho biết cuối thập niên 1980, một số bác sĩ sang tu nghiệp tại các nước Tây Âu không dùng người chứng kiến trong lúc khám nên bị bệnh nhân khác giới kiện ra tòa.

Theo Giáo sư-Viện sĩ Dương Quang Trung, Chủ tịch Hội Y học TP.HCM, đã có nhiều chuyện xảy ra khi chỉ có bác sĩ và bệnh nhân trong phòng khám. Những phát sinh đó là thỏa thuận hay cưỡng ép thì khó có thể biết được, nếu xảy ra thưa kiện rất khó phân xử vì không có người làm chứng. Luật Khám bệnh, chữa bệnh không bắt buộc bác sĩ tư nhân phải có y tá, nếu bác sĩ thấy cần thì có người chứng kiến, còn không thì tự khám một mình. Do đó, hiện thời chỉ có thể kêu gọi lương tâm, đạo đức người thầy thuốc khi hành nghề.

Xuất phát từ lời thề Hippocrates

Ở các nước phương Tây, trước khi tốt nghiệp, sinh viên trường y tuyên thệ lời thề Hippocrates (người sáng lập ra nền y học phương Tây). Bản gốc của lời thề này có tám điều tuyên thệ rất rõ ràng cho từng lĩnh vực trong hành nghề y. Trong đó, lời thề thứ sáu có nội dung: Dù vào bất cứ nhà nào, tôi cũng chỉ vì lợi ích của người bệnh, tránh mọi hành vi xấu xa, cố ý và đồi bại, nhất là tránh cám dỗ phụ nữ và thiếu niên tự do hay nô lệ.

Với lời thề ấy, bất kỳ một phòng khám nào đều luôn phải thực hiện nguyên tắc: Khi khám bệnh, dù nam hay nữ phải có mặt người thứ ba.

Yêu không được thì… quậy

Lần đầu tiên đi khám bệnh, cô gái nọ đã bị hút hồn bởi dáng vẻ thanh lịch của chàng bác sĩ trẻ. Cô “trồng cây si” luôn, cứ canh đến khám bệnh miết. Sau khi tìm hiểu, hai người không hợp nhau nên chia tay. Cô gái bèn làm đơn tố cáo với bệnh viện là bác sĩ nọ… hiếp dâm, cưỡng bức mình. Mỗi tuần cô vượt 40 km đến bệnh viện để quậy bác sĩ. Khi giám đốc bệnh viện hỏi, cô thổ lộ chỉ vì… quá yêu nên mới “tống tình” như thế.

Bác sĩ nam có vợ cũng không được các bệnh nhân nữ buông tha. Có một bệnh nhân nhiều lần chỉ lấy số phòng khám của một bác sĩ mà cô “kết” để khám căn bệnh “buốt tim, lòng như thắt và lúc nào cũng thấy nghẹt thở”. Bác sĩ tinh ý biết nên cứ lờ đi như không có gì xảy ra. Riêng bác sĩ nữ nhiều người cũng khốn khổ vì bị bệnh nhân nam “trồng cây si” và dọa… tự tử nếu không được đáp lại.

(Theo plo.vn)

Bác sĩ hiếp dâm bệnh nhân

- Ngày 29-10-2005, một nữ sinh ở Cần Thơ đến phòng khám thẩm mỹ khám dị ứng. Cô bé được chỉ định siêu âm, tuy nhiên vị bác sĩ siêu âm tên T. chỉ hỏi chuyện dậy thì của cô bé và xin… số điện thoại để liên hệ. Bác sĩ còn hù bệnh này nặng lắm, chỉ mình ông mới có thuốc trị. Tin lời, cô nữ sinh theo về nhà trọ của bác sĩ T. để lấy thuốc. Đến nơi, cô bị hiếp dâm.

- Ngày 26-12-2008, bác sĩ VĐP (42 tuổi, trạm trưởng một trạm y tế ở Bình Định) khám bệnh cho một cô gái 16 tuổi bị động kinh. Bác sĩ tự mình chuyển bệnh nhân đến Quy Nhơn điều trị. Trên đường đi, bác sĩ P. đã đưa bệnh nhân vào nhà nghỉ để hiếp dâm.

- Tháng 10-2009, bệnh nhân V. (18 tuổi, Hải Phòng) bị đau bụng, đến BV Thủy Nguyên khám và được bác sĩ chỉ định chụp X-quang. Khi vào phòng X-quang, chị bị nhân viên kỹ thuật hiếp dâm.

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm