Để mỗi chiến sỹ mạnh mẽ nhất trong chiến đấu
Trong chuyến hải trình ra Trường Sa những ngày tháng Năm, chúng tôi có cơ hội khám phá chuyện bếp núc nơi đảo xa.
Do vị trí địa lý nằm cách xa đất liền, thời tiết khắc nghiệt, nguồn nước ngọt chủ yếu là nước mưa nên cơ cấu bữa ăn, thực phẩm ở Trường Sa cũng có những khác biệt nhất định so với đất liền.
Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Hoàng Văn Vịnh, Trợ lý Hậu cần của đảo Trường Sa Lớn cho biết: “Để bộ đội đảm bảo sức khỏe trong huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, chúng tôi luôn quan tâm tới chất lượng bữa ăn cho các chiến sỹ. Việc lên thực đơn mỗi bữa ăn luôn được chúng tôi chú ý, bàn bạc với bếp trưởng, cứ 2-3 ngày đổi món/lần, chú ý thay đổi các món canh. Hàng tháng, qua các buổi sinh hoạt kinh tế công khai, chúng tôi có tham khảo ý kiến các chiến sỹ để cải tiến các bữa ăn.”
Thiếu tá Vịnh cho biết thêm: “Nếu như trước đây, thời gian cấp hàng hậu cần chỉ 2 lần/năm, bộ đội phải ăn thịt hộp nhiều thì tới nay được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và quân chủng Hải quân, thời gian cấp hàng hậu cần mang theo hàng tươi sống được nâng lên 4 lần/năm. Đồ tươi sống được đảm bảo lưu trữ trong ba tháng trong các tủ đông lạnh. (pv- hiện nay, các điểm đảo ở Trường Sa đều đã có tủ đông lạnh).
Do đó, trong hai năm gần đây, hàng tươi sống phục vụ các đơn vị quân đội ở ngoài đảo cơ bản được cải thiện, lượng đồ hộp giảm dần. Đồ tươi ở đây là rau, củ quả và đồ sống là lợn, gia cầm sống mang ra đảo nuôi. Chính từ những điều kiện thuận lợi đó mà chất lượng dinh dưỡng, bữa ăn của bộ đội Trường Sa nói chung và Trường Sa Lớn nói riêng đã được nâng lên, qua đó đảm bảo sức bền, sức chiến đấu cho anh em chiến sỹ trên đảo.”
Đồ hộp cấp cho Trường Sa được sản xuất theo đơn đặt hàng đặc biệt của Hải quân. Trên mỗi thùng hàng có dòng chữ “Chúc bộ đội Trường Sa ngon miệng.” Mỗi hộp có trọng lượng 397g, và hạn sử dụng dài hơn các loại đồ hộp khác trong đất liền.
Tại đảo Trường Sa Lớn, do điều kiện diện tích lớn hơn so với nhiều điểm đảo khác, nên trên đảo, ngoài các khu vực công sự, đơn vị bộ đội cũng như các đơn vị khác đóng quân trên đảo luôn tranh thủ tận dụng các khoảng trống để tăng gia sản xuất: trồng rau, nuôi gia cầm, lợn. Hàng năm, sản lượng thực phẩm tự cung, tự cấp ở đảo luôn đủ thậm chí có thời điểm vượt chỉ tiêu từ đó cơ cấu dinh dưỡng trong các bữa ăn của bộ đội cũng có sự cải thiện.
Thiếu tá Vịnh cho biết hiện nay, theo quy định của Bộ Quốc phòng, mỗi ngày bộ đội Trường Sa được hưởng 4 bữa/ngày (sáng-trưa-tối-đêm) theo tỷ lệ 1-4-4-1 (chia trên định mức tiền ăn mỗi ngày). Bữa sáng, thực đơn thường là cơm, canh với ruốc. Bữa trưa, tối, thực đơn là cơm, canh, rau, đồ hộp xen kẽ 1-2 bữa trong tuần có đồ ăn chế biến từ thịt tươi sống được tiếp tế từ đất liền ra hoặc trích một phần thịt lợn, gia cầm từ nguồn tăng gia được vào những ngày lễ, tết, ngày có đoàn thăm đảo.
Bữa đêm, để phục hồi sức khỏe cho anh em chiến sỹ sau huấn luyện, nhà bếp có chế biến thêm các món chè, cháo hoặc mỳ ăn liền.
Ngoài ra, bữa ăn của bộ đội Trường Sa cũng thường xuyên được bổ sung nguồn cá biển tươi do chính các chiến sỹ đánh bắt hoặc do ngư dân tặng. Ở Trường Sa Lớn, đơn vị còn lập một tổ các chiến sỹ giỏi bơi lặn, thuộc luồng lạch để đi đánh bắt cá. Còn tại các đảo chìm, do điều kiện lưu giữ, bảo quản có hạn, nhiều đơn vị tổ chức nuôi cá lồng bè để giữ số cá được đánh bắt.
Có thể nói, nhờ nguồn tiếp tế lương thực ổn định cộng với sản lượng lương thực từ tăng gia trực tiếp trên đảo nên chất lượng các bữa ăn tại các đảo ở Trường Sa đã và đang được cải thiện, qua đó góp phần nâng cao sức khỏe chiến sỹ, sẵn sàng đáp ứng mọi nhiệm vụ.
Quý rau hơn vàng
Nói tới rau xanh ở Trường Sa, với các chiến sỹ nơi đảo xa, cùng với nước ngọt được coi là máu, đây luôn là thứ được họ quý hơn vàng.
Trong điều kiện, mưa nắng, độ mặn cao khắc nghiệt, anh em chiến sỹ trên các điểm đảo Trường Sa luôn trân trọng, giữ gìn cẩn thận từng luống rau theo phương châm: có thể người bị nhiễm nước mặn nhưng rau không bị. Mỗi lần gặp mưa, bão, anh em chiến sỹ luôn ưu tiên cất giữ cẩn thận các khay rau. Có những lúc không kịp cất, bị sóng đánh làm hư hỏng rau, anh em chiến sỹ rất buồn và phải mất tới 2-3 tháng để khôi phục lại vườn rau.
Từ đầu năm 2000 trở về trước, việc tăng gia sản xuất, trong đó có trồng rau xanh ở Trường Sa gặp rất nhiều khó khăn do nguồn nước ngọt thiếu hụt, môi trường độ mặn cao và đất đưa từ đất liền ra không đủ, cằn cỗi. Anh, em các chiến sỹ trên các điểm đảo, đặc biệt là đảo chìm chỉ dám nấu canh với một ít lá rau.
Còn hiện nay, nhờ sự quan tâm của Quân chủng Hải quân và các cấp, ngành, địa phương, hệ thống lưu trữ nước ngọt, giàn giáo, khay đựng, hạt giống, đất trồng trên các đảo đã được cải thiện. Do vậy, sản lượng rau xanh trồng ở các điểm đảo đã tăng lên. Món ăn chế biến từ rau giờ không chỉ dừng ở món canh mà đã đa dạng với các món luộc, xào.
Thiếu tá Vịnh cho biết: “Với điều kiện của Trường Sa Lớn, diện tích đất tăng gia cơ bản bảo đảm tính theo diện tích bình quân đầu người đạt hơn 3m2/người. Tính từ đầu năm tới nay, rau xanh tại đảo đảm bảo đủ chỉ tiêu theo quy định của phòng quân nhu lữ đoàn, thậm chí còn vượt. Rau của đảo sau khi thu hoạch được tập trung về nhà bếp theo chỉ tiêu tăng gia hàng tháng.”
Rau trồng ở Trường Sa khá đa dạng như rau cải, đậu đũa, bầu, bí, rau dền, rau đay, mồng tơi, mướp. Đặc biệt, phổ biến và dễ trồng là rau muống nước. Khách ra thăm Trường Sa, thường được lính đảo chiêu đãi món rau muống nước luộc hoặc xào như là đặc sản.
Ra thăm các điểm đảo Trường Sa hôm nay, từ đảo nổi cho tới đảo chìm, ai cũng phải ngỡ ngàng trước những vườn rau xanh mướt. Trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, thiếu thốn về diện tích trồng nhưng bằng ý chí, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ của bộ đội Trường Sa, những vườn rau xanh đang từng ngày điểm tô cho mỗi điểm đảo một màu xanh mát, căng tràn sức sống.
Đảm bảo dinh dưỡng trên những chuyến hành trình ra đảo
Chuyện bếp núc ở Trường Sa không chỉ dừng lại ở những góc bếp nơi đảo xa, mà còn có những câu chuyện từ những khoang bếp trên những con tàu chở khách, chuyển quân, tiếp tế hàng hóa ra đảo.
Để chuẩn bị cho mỗi chuyến hành trình ra Trường Sa, nguồn lương thực, thực phẩm cho chuyến đi dài ngày trên biển được bộ phận quân nhu tính toán kỹ lưỡng, tuyển chọn kỹ càng các nguồn cung ứng hàng thực phẩm có uy tín.
Lực lượng phục vụ các bữa ăn trên tàu được tuyển chọn đặc biệt. Đó là những chiến sỹ quân nhân chuyên nghiệp, có kinh nghiệm đi biển và có khả năng chế biến các món ăn ngon, đa dạng.
Khác với đất liền, việc nấu ăn trong điều kiện tàu liên tục nghiêng ngả trên biển và nguồn nước ngọt có hạn, thực sự là thử thách với các đầu bếp trên mỗi chuyến tàu ra Trường Sa.
Trung úy Đỗ Văn Công, làm công tác phục vụ trên tàu HQ-561 đưa đoàn công tác ra thăm các điểm đảo ở Trường Sa, “chuyên gia nấu cơm” trên tàu tâm sự: “Trong mỗi bữa ăn trên tàu, chúng tôi luôn đặt tâm huyết của mình vào thực phẩm mà mình được đảm nhiệm chế biến. Là người được giao đảm nhiệm việc nấu cơm trên tàu, tôi luôn tập trung để cho ra những nồi cơm dẻo ngon, không bị sống.”
Anh Công cũng cho biết, việc nấu cơm trên tàu trong điều kiện tàu xô nghiêng không hề đơn giản. Anh phải liên tục vừa giữ nồi, vừa nấu cơm. Những lúc tàu đi vào mùa biển động, anh và các thành viên trong nhà bếp phải buộc thêm vào nồi các thanh gỗ để trống xô trượt.
Tâm huyết trong từng bữa ăn là vậy, nhưng không phải lúc nào, các mâm cơm trên tàu được khách ăn hết, thậm chí có khách còn bỏ ăn, còn nguyên đĩa thức ăn. Đó là những lúc biển động, khách đi tàu, nhiều người bị say sóng, mệt mỏi.
Những lúc đó, không những không buồn phiền, mà còn như thấu hiểu tâm lý khách đi tàu, các chiến sỹ phục vụ lại nấu các món cháo, mang đến tận phòng nghỉ của khách.
Tâm sự với chúng tôi, các chiến sỹ phục vụ cho biết có những thời điểm, các anh chỉ được ngủ có 1 tiếng đồng hồ. Tận tụy, cần mẫn như những con ong lấy mật, ngày qua ngày, các chiến sỹ làm công tác dinh dưỡng, chăm lo sức khỏe cho các chiến sỹ nơi đảo xa cũng như những vị khách trong các chuyến hải trình ra thăm phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc vẫn miệt mài cho ra những bữa ăn ngon, chất lượng, góp phần to lớn, quyết định vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.