Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia (Trung tâm KTTVQG), lúc 18 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở vào khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc; 114,0 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 180km về phía bắc tây bắc.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 80km tính từ tâm ATNĐ. Dự báo trong 12 giờ tới, ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 18 giờ ngày 23-9, vị trí tâm bão ở khoảng 14,8 độ Vĩ Bắc; 110,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 270km, cách bờ biển Bình Định khoảng 170km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Dự báo vị trí và đường đi của ATNĐ. Ảnh: VNDMS
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định, sau đó suy yếu dần thành ATNĐ, sau thành vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào.
Vùng nguy hiểm do ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,0 đến 16,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 109,5 đến 116,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết:
"Mặc dù xác xuất dự báo khoảng 55% cơn ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão, nhưng với những tác động nguy hiểm khi ATNĐ ở rất gần bờ, di chuyển nhanh nên có thể ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển và đất liền nước ta ngay trong chiều và đêm ngày mai, 23-9. Do đó chúng tôi đã ban hành tin ATNĐ khẩn cấp để công tác ứng phó có thể triển khai kịp thời”.
Cũng theo ông Năng, cơn ATNĐ này hình thành trên dải hội tụ nhiệt đới, có đĩa mây rộng, khả năng di chuyển nhanh nên tác động đến vùng biển gần bờ và đất liền nước ta rất sớm.
Do khả năng mạnh lên thành bão của ATNĐ là tương đối cao, nên toàn bộ vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định, thậm chí có thể ảnh hưởng xuống cả tỉnh Khánh Hòa, có gió mạnh vùng gần tâm bão mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Với gió mạnh như vậy sẽ gây nguy hiểm cho hoạt động của tàu thuyền trên biển và trên các đảo ven bờ như đảo Lý Sơn, đảo Cồn Cỏ.
Trên đất liền, dù cường độ gió không quá mạnh nhưng gió giật có thể ghi nhận ở cấp 7-8, đồng thời sẽ kéo theo một đợt mưa lớn kéo dài từ chiều 23-9 đến hết ngày 24-9 với tổng lượng mưa từ 150-250mm, có nơi trên 300mm. Đợt mưa này trải dài từ Bắc Trung bộ đến Tây Nguyên.
Vừa qua, cơn bão số 5 cũng gây ra đợt mưa rất lớn tại khu vực này với lượng mưa từ 300-500mm. Trong thời gian ngắn xảy ra dồn dập các trận mưa lớn liên tục nên nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở, lũ quét, ngập úng vùng trũng thấp.
"Chúng tôi nhấn mạnh lần nữa, cơn ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão, di chuyển rất nhanh và hoàn lưu rộng nên diễn biến rất khó lường, cần triển khai ngay các biện pháp ứng phó" - ông Năng nhấn mạnh.
Cũng trong chiều tối ngày 22-9, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đã có công điện đề nghị Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa – Kiên Giang, các tỉnh khu vực Tây Nguyên, các bộ, ngành liên quan triển khai các biện pháp để kịp thời ứng phó với ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.