Giá xăng dầu thành phẩm thế giới đang tăng rất cao. Nhiều doanh nghiệp đầu mối xăng dầu dự báo trong kỳ điều hành hôm nay (1-6), giá xăng tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên mốc mới, gây thêm khó khăn cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Vấn đề cấp bách lúc này được nhiều người đưa ra, đó là phải gấp rút, cấp bách có giải pháp để kiềm chế giá xăng dầu, tránh gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế vốn vừa mới bước ra khỏi đại dịch, cần thời gian để phục hồi.
Trao đổi với Pháp luật TP.HCM bên lề phiên thảo luận kinh tế xã hội ở hội trường Quốc hội sáng 1-6, đại biểu Trần Hoàng Ngân, cho biết giải pháp lúc này để kiềm đà tăng của giá xăng dầu nhanh nhất là giảm thuế bảo vệ môi trường.
“Việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu chỉ cần làm thủ tục trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Còn luật thuế tiêu thụ đặc biệt cần phải làm đầy đủ các bước quy trình, phải đi qua các khâu từ Chính phủ, Uỷ ban Kinh tế thẩm định, mất nhiều thời gian và thủ tục” - đại biểu Ngân nói.
Giá xăng dầu tăng cao sẽ gây tác động tiêu cực tới nền kinh tế. Ảnh: PHI HÙNG |
Tiếp tục trao đổi, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho hay, Quốc hội đã từng có kỳ họp bất thường để thích ứng an toàn với dịch. Do đó, nếu chúng ta quyết tâm thì vẫn có thể làm theo trình tự rút gọn trình Quốc hội lần này để đảm bảo được an sinh xã hội.
“Đời sống hiện nay vốn đã quá khó khăn do hai năm đại dịch COVID-19. Chúng ta không để giá cả tăng lên nữa để tiếp tục bào mòn đời sống của người dân. Chúng ta đã phải kiên trì kiến nghị vấn đề này nhiều ngày qua, hi vọng tiếng nói của nhiều đại biểu Quốc hội sẽ có hiệu quả” – ông Ngân nhấn mạnh và cho biết nếu chúng ta không kịp thời có biện pháp kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu thì hệ quả về mặt lạm phát sẽ rất lớn, phải uống “một liều thuốc rất đắng”.
Đó là phải tăng lãi suất, phải thắt chặt chi tiêu ngân sách, thắt chặt đầu tư công, các dự án công trình phải dừng lại.
“Thà rằng chúng ta chấp nhận giảm khoản thu trong hiện tại để có được nguồn thu trong tương lai. Tôi nghĩ là hiện nay Chính phủ ở các quốc gia đã triển khai rồi, thậm chí người ta siết luôn giá xăng dầu, và Chính phủ sẽ bù giá” – ông Ngân cho biết.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng giải pháp cấp bách và nhanh nhất lúc này để kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu trong nước là giảm thuế bảo vệ môi trường. Cạnh đó, ông Nghĩa cũng cho rằng cần phải tìm cách tăng nguồn cung xăng dầu để đảm bảo an ninh xăng dầu trong nước.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng cho hay việc giảm các sắc thuế như tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu… không phải ngày một, ngày hai vì phải trải qua rất nhiều các quy trình, thủ tục hành chính. Trong khi đó, thị trường dầu thế giới còn nhiều yếu tố bất định, khó dự báo.
Vì vậy, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nhấn mạnh Bộ chủ quản, cơ quan có thẩm quyền cần phải lên sẵn các kịch bản, kế hoạch kèm theo về tác động của giá xăng dầu, các giải pháp ứng phó để khi khi cần thiết có thể áp dụng được ngay.
“Giả sử giá dầu thế giới tăng lên mốc 150 USD/thùng thì tác động đến giá xăng dầu trong nước thế nào, tác động tới người dân và nền kinh tế ra sao; thu ngân sách thế nào, giải pháp ra sao… Khi lên kế hoạch cụ thể thì ở mức độ nào có thể giao được cho Chính phủ hay liên bộ Tài chính - Công Thương xử lý. Còn nếu cứ để ngày mai xăng dầu tăng giá mà hôm nay chúng ta mới đưa ra bàn giải pháp thì rất bị động, không kịp” – ông Bảo nói.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng cho hay nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao thì giải pháp giảm thuế, trong đó có thuế bảo vệ môi trường cần tiếp tục được tính tới.
Thực tế khi giá xăng dầu thô thế giới biến động mạnh hơn, Bộ Công Thương đã chủ động đưa ra kịch bản, ví dụ nếu giá dầu thô 130 USD/thùng hay 150 USD/thùng thì sẽ đề xuất tiếp tục giảm các thuế đối với xăng dầu như thuế môi trường, tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu…