Giảm thuế để kìm giá xăng: Đừng chần chừ nữa

(PLO)- Dự kiến trong kỳ điều hành hôm nay (1-6), giá xăng tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên mốc mới, gây thêm khó khăn cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục lập đỉnh mới, nhiều ý kiến thống nhất cho rằng nếu cơ quan chức năng không có ngay biện pháp cấp bách để kiểm soát sẽ tạo hiệu ứng domino tăng giá hàng loạt mặt hàng thiết yếu khác, tác động đến từng bữa ăn của người dân.

Đặc biệt, Việt Nam phải xem xăng dầu là mặt hàng thiết yếu để đưa ra giải pháp phù hợp như cần giảm ngay các loại thuế, phí chứ không nên chần chừ.

Nhiều ý kiến đề nghị cần giảm ngay các loại thuế, phí với xăng dầu. Trong ảnh: Người dân TP.HCM đang đổ xăng. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nhiều ý kiến đề nghị cần giảm ngay các loại thuế, phí với xăng dầu. Trong ảnh: Người dân TP.HCM đang đổ xăng. Ảnh: HOÀNG GIANG

Ông LÊ DUY HIỆP, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam:

Chủ động dự trữ xăng dầu phòng khủng hoảng thiếu

Chi phí xăng dầu chiếm tới 25% chi phí của doanh nghiệp (DN) vận tải đường bộ, còn đối với vận tải đường biển chi phí này chiếm nhiều hơn. Thực tế hiện các DN rất khó khăn vì bản thân chi phí logistics của Việt Nam đã cao rồi mà giá xăng dầu và các loại phí khác lại liên tục tăng lên. Đơn cử từ tháng 2 đến nay, giá xăng dầu đã tăng nhiều lần, lên mức cao nhất từ trước đến nay.

Vì thế, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng điều hành giá xăng dầu linh hoạt, kịp thời để hỗ trợ người dân và DN chống chọi trước khó khăn. Trong đó cần xem xét giảm các loại thuế, phí và có các kịch bản cụ thể về giá xăng dầu để có biện pháp ứng phó phù hợp.

Đặc biệt, không chỉ là vấn đề giá xăng dầu leo thang mà cơ quan chức năng cần quan tâm đến nguy cơ khủng hoảng thiếu nguồn cung, vì nếu thiếu còn nguy hiểm hơn cả tăng giá. Bởi hiện nay Việt Nam vẫn phải nhập khẩu chủ yếu xăng dầu từ các nước, nguồn từ các nhà máy lọc dầu trong nước hạn chế. Cụ thể, Chính phủ cần có kế hoạch mua thêm, xây kho dự trữ và chuẩn bị lượng xăng dầu dự trữ lớn, qua đó giúp ổn định giá xăng dầu trong nước.

Ông BÙI NGỌC BẢO, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam:

Giảm thuế, phí là cần thiết

Nếu lấy mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và giảm thiểu tác động đến đời sống người dân lẫn nhà kinh doanh thì việc xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng (dầu không có sắc thuế này) là rất cần thiết. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có thể cân đối giảm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường.

Việc giảm thuế không phải ngày một, ngày hai mà phụ thuộc nhiều vào đánh giá diễn biến giá dầu trong thời gian tới. Thị trường dầu thế giới không còn là vấn đề giữa cung - cầu, mà còn chịu ảnh hưởng của các yếu tố địa chính trị. Vì vậy, tôi cho rằng nên đặt ra các kịch bản, kế hoạch kèm theo các giải pháp để chuẩn bị sẵn các thủ tục về mặt hành chính.

Giả sử giá dầu thế giới tăng lên mốc 150 USD/thùng thì tác động đến giá xăng dầu trong nước thế nào, tác động tới người dân và nền kinh tế ra sao; thu ngân sách thế nào, giải pháp ra sao… Khi lên kế hoạch cụ thể thì ở mức độ nào có thể giao được cho Chính phủ hay liên bộ Tài chính - Công Thương xử lý. Còn nếu cứ để ngày mai xăng dầu tăng giá mà hôm nay chúng ta mới đưa ra bàn giải pháp thì rất bị động, không kịp.

Xăng dầu tăng đẩy giá nhiều mặt hàng leo thang

Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 đã tăng 0,38% so với tháng trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước và chỉ một nhóm hàng giảm giá.

Tính chung từ cuối năm 2021 đến nay, CPI trong nước đã tăng tổng cộng 2,48%, cao nhất trong vòng năm năm trở lại đây. Nếu so với tháng 5-2021, chỉ số CPI hiện tại cao hơn tới 2,86%.

Chỉ số giá nhiều nhóm hàng hóa tăng cao chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu theo giá nhiên liệu thế giới thời gian qua. Tính chung so với đầu năm, giá xăng dầu trong nước bình quân tăng 27,26% và tăng gần 50% so với cùng kỳ. Ngoài giá xăng dầu tăng cao, từ đầu năm đến nay giá gas cũng tăng gần 27%.

Đại biểu Quốc hội TRẦN HOÀNG NGÂN (Đoàn TP.HCM):

Xăng là mặt hàng thiết yếu, cần bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt

Tôi cho rằng với tình hình giá xăng dầu tăng cao như hiện nay, các cơ quan cần có giải pháp để nhanh chóng kiểm soát mặt hàng này, không để tăng lên quá cao. Chúng ta chấp nhận theo cơ chế thị trường nhưng cần có những công cụ kiểm soát. Công cụ đó là thuế bảo vệ môi trường, đã giảm 50%, sắp tới có thể đề xuất giảm tiếp.

Ngoài ra, có thể xem xét giảm thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt… đối với xăng. Bởi xăng dầu không còn là mặt hàng đặc biệt nữa mà là mặt hàng rất cần thiết, thiết yếu. Không có lý do gì chúng ta lại đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng.

Tình hình giá xăng dầu đang là “biến số” gây tác hại đến lạm phát trên toàn cầu. Hầu hết quốc gia đều thực hiện các chính sách để kiểm soát giá mặt hàng này. Ở Việt Nam, lạm phát đang được kiểm soát, tuy nhiên, nếu chúng ta không có giải pháp quyết liệt thì giá xăng dầu sẽ tác động domino đến mặt bằng giá cả hàng hóa khác.

Chúng ta phải chấp nhận một khoản thiếu hụt nguồn thu ngân sách từ việc giảm thuế với xăng dầu để hỗ trợ chi phí đầu vào cho DN, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn. Phải tận dụng cơ hội này để giữ mặt bằng giá xăng dầu. Có như vậy mới kiểm soát được lạm phát mà hiện nay các nước khác đang phải trả giá.

Bên cạnh việc giảm các loại thuế và phí, Chính phủ cần nâng mức dự trữ xăng dầu để ổn định nguồn cung cũng như chủ động điều tiết giá.

Ông TRẦN DUY ĐÔNG, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương):

Đề nghị xem xét giảm thuế

Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao thì giải pháp giảm thuế cần tiếp tục được tính tới. Thực tế khi giá xăng dầu thô thế giới biến động mạnh hơn, Bộ Công Thương đã chủ động đưa ra kịch bản, ví dụ nếu giá dầu thô 130 USD/thùng hay 150 USD/thùng thì sẽ đề xuất tiếp tục giảm các thuế đối với xăng dầu như thuế môi trường, tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu…

Hiện liên bộ Tài chính - Công Thương cũng đang lấy ý kiến về việc giảm thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế MFN) với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì từ mức 20% hiện nay xuống còn 12%. Tuy nhiên, mức giảm cụ thể ra sao cũng phải tính toán để hài hòa trong quá trình đàm phán với các nước, đồng thời giữ tỉ lệ nguồn thu, khuyến khích đa dạng hóa nguồn cung.•

Giá xăng Việt Nam chịu sức ép tăng giá mạnh

Phiên giao dịch sáng 31-5, giá dầu thô toàn cầu tăng vọt lên mốc trên 120 USD/thùng sau khi các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đồng ý cắt giảm 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay. Lệnh cấm trên của EU đối với dầu của Nga sẽ thắt chặt thị trường dầu thô toàn cầu vốn đã phải đối mặt với những hạn chế về nguồn cung trong bối cảnh nhu cầu phục hồi sau đại dịch.

Theo giới phân tích, với việc giá dầu thô toàn cầu tăng vọt và có khả năng tiếp tục tăng trong thời gian tới gây sức ép mạnh lên giá xăng dầu tại Việt Nam.

Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy tính đến ngày 27-5, giá xăng A95 thành phẩm nhập khẩu từ Singapore đã tăng vọt lên mức 154,26 USD/thùng. Vì vậy, một số công ty xăng dầu dự báo, tại kỳ điều hành hôm nay (1-6), giá xăng tại nước ta có thể vọt lên mức khoảng 31.000 đồng/lít.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước đã có 10 lần tăng. Hiện giá bán lẻ xăng A95 đã vọt lên mức 30.650 đồng/lít, xăng E5 lên 29.630 đồng/lít. Đây là mức cao nhất trong lịch sử.

Giá xăng dầu liên tục tăng khiến các DN ngao ngán. Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang, cho biết giá xăng dầu từ đầu năm đến nay tăng liên tục nên ngư dân không bám ngư trường như bình thường. Cộng hưởng mùa vụ không thuận lợi nên nguồn nguyên liệu cho sản xuất nước mắm bị ảnh hưởng nghiêm trọng và giá tăng cao.

“Đặc biệt giá xăng dầu leo thang khiến chi phí vận tải đường bộ tăng mạnh ảnh hưởng đến giá đầu vào của tất cả DN” - ông Diệp nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm