VKSND TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) vừa có quyết định kháng nghị về vụ kiện vé số độc đắc (nguyên đơn bà Nguyễn Thị Tuyết và bị đơn là ông Ngô Xương Phúc) theo hướng hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 20 ngày 31-5-2017 của TAND TP Rạch Giá do vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng và nội dung.
Bà Tuyết (hàng đầu, bìa trái) nghe tòa tuyên án sơ thẩm lần hai ngày 31-5. Ảnh: CT
Cụ thể, quyết định này nhận định, ông Ngô Xương Phúc là thành viên hộ kinh doanh cá thể mang tên “Đại lý vé số Triều Phát” thuộc sở hữu của hộ gia đình ông Phúc. Ông Phúc giao dịch với bà Tuyết ngay tại địa chỉ kinh doanh của “Đại lý vé số Triều Phát” nên việc bà Tuyết đến đổi thưởng chính là giao dịch với “Đại lý vé số Triều Phát” (mà ông Phúc là thành viên làm đại diện của hộ) chứ không phải chỉ là giao dịch giữa bà Tuyết và cá nhân ông Phúc.
Do đó, dù bà Tuyết không yêu cầu “Đại lý vé số Triều Phát” bồi thường và ông Phúc xác nhận tự chịu trách nhiệm nhưng căn cứ theo quy định pháp luật, hộ kinh doanh “Đại lý vé số Triều Phát” mới là chủ thể phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do thành viên của hộ gia đình xác lập, thực hiện nhân danh hộ gia đình. Việc Công ty TNHH MTV xổ số An Giang và “Đại lý vé số Triều Phát” có ký hợp đồng trả thưởng hay không cũng không làm thay đổi bản chất vụ việc.
Về nội dung, mặc dù bản án tuyên là tương đối phù hợp với thực tế khách quan của vụ án nhưng tòa án dựa vào Điều 132 BLDS 2005 tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối để chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là chưa phù hợp với các quy định pháp luật.
Cụ thể, quyết định này cho rằng việc ông Phúc đã nhận tờ vé số của bà Tuyết và xác nhận bằng lời nói rằng tờ vé số do bà Tuyết đưa cho ông kiểm tra đã trúng thưởng giải đặc biệt và ông đồng ý đổi thưởng theo như đã thỏa thuận với bà Tuyết, chính là sự kiện pháp lý làm phát sinh giao dịch dân sự về việc sẽ đổi vé số trúng thưởng giải đặc biệt mà bà Tuyết và ông Phúc đã thỏa thuận hợp pháp.
Theo quy định pháp luật, đây là một giao dịch dân sự đã thỏa mãn đầy đủ các điều kiện của một giao dịch dân sự có hiệu lực pháp lý: người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự, mục đích nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện, nên phải được phá luật tôn trọng và bảo vệ. Theo đó, ông Phúc và hộ kinh doanh cá thể “Đại lý vé số Triều Phát” phải có nghĩa vụ chi trả toàn bộ số tiền trúng giải đặc biệt cho bà Tuyết.
“Trong vụ án này, nếu theo nhận định ở bản án là giao dịch giữa các bên là vô hiệu hoàn toàn do lỗi lừa dối của ông Phúc thì việc lừa dối (nếu có) chỉ được thực hiện sau khi xảy ra sự kiện pháp lý làm phát sinh giao dịch dân sự về việc sẽ đổi vé số trúng thưởng giải đặc biệt. Trong trường hợp này, sự lừa dối để không phải trả thưởng sẽ có dấu hiệu của tội phạm hình sự chứ không còn là tranh chấp dân sự nữa.
Mặt khác, nội dung bản án còn thể hiện HĐXX không xác định được tờ vé số của bà Tuyết đã đưa cho ông Phúc hiện ai quản lý chiếm hữu và bà Tuyết cũng không có yêu cầu đòi ông Phúc trả lại hiện vật nên HĐXX không xem xét. Thế nhưng, HĐXX lại áp dụng Khoản 2, Điều 137 BLDS 2005 để giải quyết về nội dung vụ án là không phù hợp” – quyết định phân tích.
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, ngày 30 và 31-5, TAND TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) đưa ra xét xử sơ thẩm lần hai vụ kiện tranh chấp hợp đồng dịch vụ giữa nguyên đơn bà Nguyễn Thị Tuyết (55 tuổi, ngụ xã Mong Thọ A, huyện Châu Thành, Kiên Giang) và bị đơn ông Ngô Xương Phúc (46 tuổi, ngụ TP Rạch Giá, Kiên Giang, người của đại lý vé số Triều Phát).
Theo đó, tòa tuyên chấp nhận một phần yêu cầu của bà Tuyết, buộc ông Phúc phải trả cho bà Tuyết 1,5 tỉ đồng tiền trúng số giải đặc biệt.
Trước đó, ngày 21-7-2011, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh An Giang phát hành có dãy số trúng đặc biệt là 938368. Chiều cùng ngày, khi phát hiện mình trúng số đặc biệt, bà Tuyết cùng người nhà mang đến đại lý vé số Triều Phát ở TP Rạnh Giá để đổi. Tại đây, ông Phúc xem xong nói bà trúng giải đặc biệt 1,5 tỉ đồng và đồng ý trả thưởng.
Ông Phúc tự tay ghi thông tin của người trúng thưởng vào mặt sau tờ vé số rồi đưa lại cho cậu ruột của bà Tuyết ký tên. Phía bà Tuyết đồng ý cho đại lý Triều Phát hưởng hoa hồng 6 triệu đồng, còn lại là 1,344 tỉ đồng (sau khi trừ thuế). Nhưng khi ông Phúc chuẩn bị trả thưởng thì cháu ông đi vào, ông nhờ cháu cầm tờ vé số lên coi.
Coi xong người cháu bảo tờ vé số bị cắt dán nên ông Phúc nói không trả thưởng. Bà Tuyết cho rằng ông Phúc đã tráo tờ vé số nên hai bên cãi cọ qua lại. Ông Phúc gọi cảnh sát 113 đến đưa bà Tuyết và người nhà đi...