Kháng nghị hủy án vụ tử tù Hàn Đức Long

Theo Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn, TAND Tối cao đã có văn bản kháng nghị giám đốc thẩm bản án tử hình của ông Hàn Đức Long (ngụ huyện Tân Yên, Bắc Giang, bị kết án về hai tội hiếp dâm trẻ em và giết người). Kháng nghị của TAND Tối cao đề nghị xem xét giám đốc thẩm theo hướng hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm để điều tra lại.

Theo hồ sơ, khoảng 19 giờ ngày 16-5-2005, vợ chồng anh Sơn - chị Liễu (xã Phúc Sơn, Tân Yên, Bắc Giang) đi làm về thì phát hiện con gái mình là cháu Nguyễn Thị Y. (SN 2000) bị mất tích.

Sáng hôm sau, xác cháu Y. đã được tìm thấy ở ngoài đồng với nhiều dấu hiệu bị hiếp dâm. Sau bốn tháng điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang vẫn không xác định được hung thủ nên đã ra quyết định đình chỉ vụ án, đồng thời phát động quần chúng tố giác tội phạm.

Tử tù Hàn Đức Long. Ảnh: NLĐ

Thời gian này, gia đình ông Long có tranh chấp đất với gia đình hàng xóm (bà K.) và có xô xát, đánh con trai bà K. bị thương. Sau đó, bà K. (75 tuổi) và con gái (45 tuổi) đã tố cáo ông Hàn Đức Long từng hiếp dâm hai mẹ con mình, đồng thời tố giác ông Long hiếp dâm cháu Y. Từ tố giác này, ông Long đã bị bắt.

Tại cơ quan điều tra, ông Long khai nhận hiếp dâm rồi giết cháu Y. nhưng tại các phiên tòa, ông liên tục kêu oan, cho biết đã bị ép cung, dùng nhục hình.

Tuy vậy, sau năm phiên tòa, cuối cùng, tháng 11-2011, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã phạt ông Long án tử hình về hai tội hiếp dâm trẻ em và giết người.

Sau đó, vợ ông Long đã đội đơn kêu oan cho chồng với niềm tin rằng “anh ấy trước đây là công an viên, đã có 25 năm tuổi Đảng, chung sống với nhau nhiều năm, tôi không tin anh ấy làm điều tồi tệ như vậy”. Có chứng cứ cho thấy vào thời điểm xảy ra vụ án, ông Long đang ngồi chờ đến lượt xay xát gạo. Ông Long ngồi uống nước chè, hút thuốc lào tại cửa ngách thông giữa hai gian xay xát và bán hàng tạp hóa nhỏ của gia đình chủ cơ sở xay xát. Chủ cơ sở xay xát đã xác nhận với cơ quan điều tra là chiều đó có bảy người đến xay gạo, trong đó có ông Long.

Vụ án này có nhiều tình tiết bất thường đến mức nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từng có thư tay đề nghị Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ đạo ngành tòa án xem xét lại để không xử oan người vô tội.

TỐ NHƯ

 

Bị kết án oan chỉ vì... trùng tên?

VKSND Tối cao cũng vừa có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại từ đầu vụ án của bà Đỗ Thị Hằng (60 tuổi, ngụ phường Mỹ Độ, TP Bắc Giang, nguyên giáo viên cấp 3). Trước đây, bà Hằng từng bị TAND tỉnh Bắc Giang phạt năm năm sáu tháng tù về tội mua bán phụ nữ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau khi chấp hành xong bản án, bà Hằng đã làm đơn kêu oan và nạn nhân của vụ án cũng xác nhận điều đó.

Theo bản án của TAND tỉnh Bắc Giang, tháng 9-1994, lợi dụng chị Dương Thị Liễu (ngụ xã Hoàng Vân, Hiệp Hòa, Bắc Giang) bỏ nhà đi do mâu thuẫn gia đình, Phạm Văn Ngọ và Hoàng Hồng đã lừa bán chị sang Trung Quốc. Theo bản án, bà Hằng là người đã đưa chị Liễu, Ngọ, Hồng sang Trung Quốc và được chia 400.000 đồng. Vụ việc bị phát hiện, Ngọ và Hồng bị xét xử, còn bà Hằng bỏ trốn nhưng bị bắt theo lệnh truy nã. Ngoài ra, bà Hằng còn bị kết tội đã lừa anh Phan Văn Phương (ngụ cạnh nhà) 20 kg gạo và 400.000 đồng; vay của chị Khổng Thị Mỹ 300.000 đồng rồi chi tiêu hết, cố tình lẩn tránh không trả.

Từ một người từng là giáo viên dạy cấp 3, hiện bà Hằng phải vạ vật lang thang tìm việc ở Hà Nội để kêu oan. Ảnh: THÁI SƠN

Trong đơn kêu oan, bà Hằng trình bày rằng tại thời điểm chị Liễu bị bán sang Trung Quốc, bà đang điều trị bệnh thần kinh. Chị Liễu - nạn nhân trong vụ án - sau này trở về Việt Nam cũng xác nhận bà Hằng không phải là người bán chị mà là một phụ nữ khác cũng tên Hằng nhưng lấy chồng Trung Quốc.

Theo VKSND Tối cao, một số nhân chứng khai Ngọ chỉ đem bán phụ nữ sang Trung Quốc một mình, giấy viết chia tiền của chị Liễu gửi về Việt Nam không thể hiện việc chia tiền cho bà Hằng và cũng chưa được giám định. Ngoài ra, chi tiết người phụ nữ tên Hằng lấy chồng Trung Quốc chưa được điều tra làm rõ. Như vậy, việc kết tội bà Hằng về tội mua bán phụ nữ là chưa đủ căn cứ vững chắc. Còn về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, VKSND Tối cao cho rằng chưa chứng minh được việc mượn tiền của bà Hằng có dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản hay không. Ngoài ra đây chỉ là việc vay miệng, không có giấy xác nhận.

Hoàn cảnh của bà Hằng hiện rất đáng thương. Trước ngày TAND tỉnh Bắc Giang xét xử vụ án, chồng bà đã để lại thư tuyệt mệnh rồi nhảy ao tự tử. Trong thời gian bà ngồi tù, con gái bà bị lừa bán sang Trung Quốc, đến nay vẫn không có tin tức. Hai con trai bà không người chăm sóc, dạy dỗ đã sa vào nghiện ngập rồi đi tù. Từ một người từng là giáo viên, bà Hằng đi ngồi tù rồi sau đó phải lang thang xuống Hà Nội tìm việc để kêu oan.

NGUYỄN DÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới