Kháng nghị vì e ngại bản án sẽ 'tạo dư luận xấu'

(PLO)- Kháng nghị cho rằng bản án gây bức xúc vì dẫn đến việc “chỉ cần thời gian chiếm đất lâu dài và có công quản lý, tôn tạo đất sẽ mặc nhiên được quyền sử dụng đất”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VKSND huyện U Minh (Cà Mau) vừa ban hành quyết định kháng nghị phúc thẩm theo hướng sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn. Theo VKS, nhận định như của bản án sẽ “gây bức xúc và tạo dư luận xấu trong xã hội”.

Đi kiện đòi 4.652 m2 đất trị giá hơn 7 tỉ đồng

Bản án bị kháng nghị là Bản án số 63/2023/DS-ST ngày 24-4-2023 của TAND huyện U Minh, giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là ông NVG và bị đơn là ông NVĐ.

Ông G kiện đòi ông Đ trả lại phần đất 4.652 m2 tại ấp 4, xã Khánh Hội, huyện U Minh. Ông G cho rằng phần đất tranh chấp do cha mẹ mình khai phá từ năm 1968, do chiến tranh có bỏ đất một thời gian nhưng đến năm 1973 thì quay trở về canh tác.

Phần đất tranh chấp có giá trị hơn 7 tỉ đồng. Ảnh: CTV
Phần đất tranh chấp có giá trị hơn 7 tỉ đồng. Ảnh: CTV

Theo ông G, năm 1993, cha ông mất, để lại đất cho ông canh tác. Năm 1995, Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông. Thế nhưng năm 1997, ông Đ lấy lý do đất của ông bà mình khai phá nên vào chiếm lại và quản lý, sử dụng đến nay.

Tòa đã làm rõ nguồn gốc đất là của ông nội vợ ông Đ khai phá từ thời Pháp thuộc, đúng như phía ông Đ trình bày. Tuy nhiên, năm 1964, Nhà nước đào kênh khoanh vùng thì phần đất thuộc đất lâm nghiệp do Nhà nước quản lý. Cha mẹ ông G đã tự ý vào trồng lúa và canh tác vào năm 1969. Năm 1971, chiến tranh loạn lạc nên cha mẹ ông G bỏ đi nhưng trở lại canh tác vào năm 1973, đến năm 1997 thì ông Đ chiếm lại.

Tòa cho rằng hai bên có công ngang nhau

Sau khi nghiên cứu hồ sơ, mở phiên tòa, nghe các bên trình bày, HĐXX đã nhận định rằng: Khoản 1 Điều 2, Điều 20 Luật Đất đai năm 1993 quy định người sử dụng đất ổn định, lâu dài được UBND xã xác nhận thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Căn cứ quy định trên, việc gia đình ông G sử dụng đất ổn định, lâu dài, được UBND xã xét đề nghị công nhận quyền sử dụng đất là có cơ sở. Ông Đ chiếm đất của ông G, qua các lần giải quyết của UBND huyện và tỉnh buộc ông Đ trả lại đất cho ông G nhưng ông Đ vẫn không thực hiện. Do đó, ông G khởi kiện yêu cầu ông Đ trả lại đất là có cơ sở chấp nhận.

Tuy nhiên, xét về quá trình quản lý sử dụng, công sức trong việc bảo quản, gìn giữ, đầu tư, tôn tạo làm tăng giá trị đất thì ông G và ông Đ có quá trình quản lý, sử dụng, công sức ngang nhau”…

Từ đó, HĐXX ra phán quyết chia mỗi bên một nửa giá trị quyền sử dụng đất đang tranh chấp là hợp lý. Ông Đ đã xây dựng nhà và cho nhiều người khác ở phía mặt tiền đường nên HĐXX tuyên ông Đ tiếp tục quản lý, sử dụng đất. Ông Đ phải trả một nửa giá trị tài sản cho ông G bằng tiền, với số tiền là hơn 3,8 tỉ đồng.

VKS lo ngại bản án gây bức xúc và tạo dư luận xấu

Nhận định của tòa không phù hợp vì ông Đ là người ngang nhiên chiếm đất của ông G. Vì vậy, từ năm 1997 đến nay ông G không thể quản lý, sử dụng, tôn tạo, phần đất tranh chấp vốn thuộc quyền quản lý, sử dụng của mình.

Với nhận định trên, bản án sơ thẩm sẽ gây bức xúc và tạo dư luận xấu trong xã hội, vì chỉ cần thời gian chiếm đất lâu dài và có công quản lý, tôn tạo đất sẽ mặc nhiên được quyền sử dụng đất.

Vì gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông G.

(Trích kháng nghị số 01 ngày 8-5-2023 của VKSND huyện U Minh)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm