Ngày 19-10, TAND thị xã Trảng Bàng (Tây Ninh) thụ lý vụ án “Tranh chấp đòi tài sản là quyền sử dụng đất” liên quan đến việc thu hồi đất ở nông trường cao su Bời Lời (thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh).
Ủy ban kiện dân đòi đất
Theo đơn khởi kiện, nguyên đơn là UBND thị xã Trảng Bàng, đề nghị tòa giải quyết ba vấn đề:
Thứ nhất: yêu cầu bà Huỳnh Thi Lan Phương thu dọn, thanh lý tài sản trên phần đất 556.823,3 m2 (số liệu theo bản đồ địa chính năm 2005) tại ấp Bùng Binh, xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng để trả lại cho UBND thị xã Trảng Bàng quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.
Một hộ dân đang khai thác vườn cây cao su trên đất được giao. Ảnh: KC
Thứ hai: Tuyên bố Hợp đồng kinh tế số 15/HĐKT ngày 1-12-1992 giữa Nông trường cao su Bời Lời và ông Nguyên Hồng Minh là vô hiệu.
Thứ ba: Tuyên bố các hợp đồng kinh tế giữa Nông trường cao su Bời Lời và bà Huỳnh Thị Lan Phương với diện tích 55,4 ha là vô hiệu (theo bản đồ địa chính năm 2005 thì diện tích là 556.823,3 m2). Cụ thể là các hợp đồng: Hợp đồng kinh tế số 06/KHKT ngày 1-11-1994, Hợp đồng kinh tế số 12/KH ngày 15-1-1997 và Hợp đồng kinh tế số 19/KH ngày 12-5-1997.
Trao đổi với phóng viên Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo tỉnh Tây Ninh cho biết quan điểm của tỉnh thì đây là đất công nên phải thu hồi. Việc khởi kiện cũng là để chặt chẽ về mặt pháp lý. Tỉnh cũng đã tính đủ mọi cách để hài hòa, còn tòa sẽ xét xử theo quy định.
Theo lãnh đạo tỉnh, tính theo pháp lý và hợp đồng đã ký thì thời điểm đó đã giao đất không đúng đối tượng. Ở nông trường Bời Lời, mọi người (32/33 hộ, trừ bà Phương) đều đã bàn giao đất lại cho Nhà nước.
Người dân cho rằng vẫn còn thời hạn giao đất
Bị đơn, bà Huỳnh Thi Lan Phương đã có đơn phản tố, đề nghị tòa giải quyết 3 vấn đề. Thứ nhất: Hủy Thông báo số 24/TB-UBND ngày 14-1-2021 của UBND thị xã Trảng Bàng.
Thứ hai: Hủy Thông báo số 63/TB-UBND ngày 2-3-2021 của UBND thị xã Trảng Bàng.
Thứ ba: Hủy Thông báo 1839 TB-UBND ngày 10-6-2021 của chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh về việc không thụ lý giải quyết khiếu nại, yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh thụ lý giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật.
Theo bà Phương, Hợp đồng kinh tế về việc giao khoán đất giữa bà và Nông trường Cao su Bời Lời còn thời hạn đến năm 2042 và 2043, đồng thời chưa bị chấm dứt theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, bà Phương cho rằng phần đất của bà đang sử dụng hợp pháp, chưa có bất kỳ phán quyết nào của tòa tuyên bố hợp đồng giữa bà Phương và Nông trường Cao su Bời Lời là vô hiệu.
Bà Phương cũng cho rằng phần đất của bà đang sử dụng không phải là sử dụng bất hợp pháp do lấn chiếm mà được giao khoán để sản xuất theo đúng quy định pháp luật tại thời điểm ký kết…
Trước đó, bà Phương (hộ khẩu thường trú quận 1, TP.HCM) gửi đơn trình bày đến báo Pháp Luật TP.HCM nêu rằng: “Theo hai thông báo của UBND thị xã Trảng Bàng mà tôi nhận được thì trong thời hạn 30 ngày, tôi phải thu dọn nhà cửa, thanh lý tài sản để giao lại đất cho UBND thị xã”.
Theo tìm hiểu, ngày 1-11-1994, Nông trường Cao su Bời Lời ký hợp đồng kinh tế với bà Phương, giao cho bà 50 ha đất để trồng cao su. Ngày 15-1-1997, hai bên ký hợp đồng về việc giao thêm cho bà Phương 2 ha đất nữa. Ngày 12-5-1997, hai bên ký hợp đồng giao thêm cho bà Phương 2,4 ha, cũng để trồng cao su. Tổng diện tích đất nông trường giao cho bà Phương khoảng 55 ha.
Trong đó, hợp đồng ngày 1-11-1994 nêu: Thời gian giao đất là một chu kỳ cây cao su (50 năm), tính từ ngày 29-6-1993 đến 29-6-2043; hết thời hạn trên phải bàn giao đất lại cho nhà nước.
Bà Phương cũng cho rằng bản chất các hợp đồng trên là hợp đồng giao khoán đất chứ không phải là hợp đồng giao đất và việc ký kết các hợp đồng kinh tế trên là hoàn toàn đúng pháp luật, đúng thẩm quyền.
UBND tỉnh Tây Ninh: "Ngân sách thất thu 27 năm" Tháng 3-2021, liên quan đến việc thu hồi đất Nông trường Bời Lời, UBND tỉnh Tây Ninh đã có văn bản cho biết: Năm 1998, Nông trường cao su Bời Lời giải thể; toàn bộ diện tích đất được giao cho Công ty Cao su 30/4 (trực thuộc Ban Tài chính quản trị Tinh ủy Tây Ninh) quản lý. UBND tỉnh khẳng định pháp nhân ký kết hợp đồng nhận khoán trồng cây cao su (Nông trường cao su Bời Lời) không còn tồn lại từ năm 1998. Pháp nhân tiếp quản diện tích đất (Công ty Cao su 30-4) cũng không ký kết lại hợp đồng nhận khoán. Hợp đồng giao nhận khoán trồng cao su giữa Nông trường cao su Bời Lời với một số hộ dân, trong dó có bà Phương trên thực tế không tiếp tục thực hiện từ năm 1998 và từ đó đến nay không phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên như nội dung giao kết trong hợp đồng nhận khoán. Năm 2001, trên cơ sở rà soát đất, theo pháp luật đất đai thì UBND huyện Trảng Bàng phải quản lý lại đất ngay sau khi được UBND tỉnh giao theo đúng quy định. Tuy nhiên, vào thời điểm đó vườn cây cao su mà các hộ dân nhận khoán trước đây đang trong thời kỳ khai thác. Để tránh thiệt hại cho dân, UBND huyện Trảng Bàng chưa thu lại mà để họ tiếp tục khai thác mủ cao su đến hết chu kỳ theo quy chuẩn chu kỳ cây cao su của Tổng Công ty Cao su Việt Nam (nay là Tập đoàn Cao vu Việt Nam) tối đa 20-25 năm. “Đến nay đã có 32/33 hộ dân tự giác thanh lý vườn cây cao su, di dời tài sản và giao đất cho chính quyền địa phương quản lý. Điều này cho thấy chủ trương linh động trong giải quyết sự việc có lý có tình của UBND tỉnh đã được hầu hết các hộ dân liên quan ủng hộ và chấp hành” - văn bản UBND tỉnh nêu. Nguồn gốc diện tích 149,52 ha đất mà 33 hộ dân khai thác cây cao su từ Nông trường Cao su Bời Lời trước đây là đất công do nhà nước quản lý. Còn chu kỳ cây cao su xác định theo thời hạn giao đất “50 năm” như nội dung nêu trong hơp đồng giao khoán mà Nông trường Cao su Bời Lời nêu trước đây là không có cơ sở và không đúng pháp luật. Ngoài ra, UBND tỉnh Tây Ninh cũng cho rằng từ năm 1994 đến nay (hơn 27 năm), nhà nước không khai thác được bất cứ lợi ích nào, gây thất thu ngân sách đối với diện tích 149.52 ha đất công trên. “Việc UBND thị xã Trảng Bàng ra thông báo yêu cầu bà Phương tự giác thanh lý cây cao su đã hết chu kỳ khai thác 25 năm để bàn giao đất công là đúng quy định, hợp tình, hợp lý. Đây không phải trường hợp thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai” - văn bản UBND tỉnh nêu. |
(PLO)- Sở TN&MT TP.HCM vừa có văn bản trình HĐND TP về danh mục dự án cần thu hồi đất, chuyển mục đích đất trồng lúa, đất trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.