Mới đây, Chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM đã ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm bản án dân sự phúc thẩm ngày 19-3-2024 của TAND tỉnh Ninh Thuận về tranh chấp hợp đồng tặng cho tài sản và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Vụ kiện này kéo dài đã 5 năm, giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Phức (82 tuổi), bị đơn là bà H - con gái bà Phức.
Kiện con gái đòi lại nhà
Đây là lần thứ hai Chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM có kháng nghị giám đốc thẩm đối với vụ án này. Trước đó, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM đã hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm lần thứ 1, giao cho TAND TP Phan Rang - Tháp Chàm xét xử lại.
Theo hồ sơ, căn nhà ở số 18 đường Tự Đức, TP Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận do vợ chồng bà Phức tạo lập. Năm 2000, sau khi chồng chết, bà Phức được bốn người con đồng ý tặng toàn bộ phần thừa kế cho mẹ.
Từ năm 2007 đến 2013, bà Phức nhiều lần dùng căn nhà trên để thế chấp ngân hàng cho các khoản vay của vợ chồng con gái là bà H. Mỗi lần vay ngân hàng, vợ chồng bà H chở mẹ đến Văn phòng công chứng An Khang để ký hợp đồng thế chấp tài sản.
Đến năm 2018, bà Phức yêu cầu vợ chồng con gái trả nợ ngân hàng để lấy giấy tờ nhà đất về thì mới biết đã ký hợp đồng tặng cho tài sản trên cho bà H. Nhà và đất cũng được sang tên cho bà H.
Bà Phức cho rằng mình tuổi cao sức yếu, không biết chữ, bị điếc lâu nay đã bị con gái lừa ký hợp đồng tặng cho. Công chứng viên không đọc lại nội dung nên bà Phức không biết nội dung hợp đồng là tặng cho bà H nhà và đất.
Bà Phức ủy quyền cho con trai khởi kiện ra tòa, yêu cầu hủy hợp đồng tặng cho và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho bà H.
Bản án dân sự sơ thẩm lần 2 của TAND TP Phan Rang – Tháp Chàm tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; tuyên bố hợp đồng tặng cho công chứng tại Văn phòng công chứng An Khang vô hiệu.
Tòa buộc bà H phải trả lại căn nhà số 18 đường Tự Đức cùng giấy tờ căn nhà cho bà Phức. Bà Phức có quyền yêu cầu cơ quan thẩm quyền điều chỉnh biến động đối với căn nhà trên.
Sau đó, bà H và Văn phòng công chứng An Khang kháng cáo.
Bản án phúc thẩm lần 2 của TAND tỉnh Ninh Thuận nhận định Văn phòng công chứng An Khang có văn bản thừa nhận vì bà Phức viết chậm nên nhờ người thân ghi hộ. Trong khi đó, tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện của Văn phòng công chứng An Khang khai bà Phức tự ký, ghi họ tên trước mặt công chứng viên.
Tuy nhiên, kết luận giám định của Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an tại TP.HCM kết luận chữ ký “Phức” trên các tài liệu do cùng một người ký. Riêng chữ “Nguyễn Thị Phức” là không phải do cùng một người viết ra nên lời khai tại tòa của Văn phòng công chứng An Khánh không có căn cứ.
Thế nhưng, phần lời chứng trong hợp đồng tặng cho thể hiện các bên đã tự đọc và hiểu nội dung. Từ đó, HĐXX nhận định vào thời điểm công chứng, bà Phức phải tự đọc toàn bộ nội dung hợp đồng. Công chứng viên không đọc lại và giải thích cho bà nghe thế nào là quyền, nghĩa vụ người tặng cho tài sản. Việc này trái với Luật Công chứng.
Ngoài ra, các lời khai của em, cháu, một người từng sống chung nhà đều thể hiện bà Phức không biết chữ do thời trẻ không được cha mẹ cho đi học. Bà Phức có thể ký nhưng không thể tự ghi tên của mình.
Do đó, tòa phúc thẩm bác toàn bộ kháng cáo của bà H và Văn phòng công chứng An Khang, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Bị đơn tiếp tục có đơn đề nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm. Bà H cho rằng mẹ mình ký hợp đồng tặng cho là hoàn toàn tự nguyện nên không đồng ý yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Kháng nghị theo hướng bác yêu cầu khởi kiện
Theo quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM, qua xem xét tài liệu, chứng cứ hồ sơ vụ án nhận thấy: Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, đơn xin xác nhận tình trạng đất, tài sản gắn liền trên đất để chuyển nhượng hoặc tặng ngày 13-8-2013 có chữ ký của bà Phức.
Bà Phức cũng thừa nhận có mặt tại Văn phòng công chứng An Khang để ký tên, lăn tay vào hợp đồng tặng cho. Bà Phức còn thông báo cho các con biết việc tặng cho nhà, đất cho bà H.
Mặt khác, lời khai hàng xóm, trưởng khu phố, người thuê nhà, một người con của bà Phức thể hiện bà biết đọc, biết viết, tinh thần minh mẫn, nghe, trả lời rõ câu hỏi của công chứng viên.
Chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng hợp đồng cho tặng giữa bà Phức và con gái là đúng quy định pháp luật.
Quá trình giải quyết vụ án lần hai, người đại diện của bà Phức không chứng minh được bà H lừa dối trong việc ký hợp đồng.
Tuy nhiên, tòa hai cấp sơ thẩm, phúc thẩm lại dựa vào lời khai của người làm chứng được thu thập thêm và kết luận giám định của Phân viện khoa học hình sự để phủ nhận toàn bộ chứng cứ trên. Đồng thời, quyết định tuyên bố hợp đồng tặng cho vô hiệu, buộc bà H trả lại nhà, đất là không có căn cứ, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của bị đơn.
Chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM cũng cho rằng chứng cứ trong vụ án đã thu thập đầy đủ, không cần bổ sung gì thêm. Vì vậy, chỉ cần kháng nghị giám đốc thẩm, sửa bản án phúc thẩm.
Từ đó, quyết định kháng nghị đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm theo hướng sửa bản án phúc thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Tạm đình chỉ thi hành bản án phúc thẩm đến khi có quyết định giám đốc thẩm.
Tòa phúc thẩm từng kiến nghị giám đốc thẩm
Năm 2019, TAND TP Phan Rang - Tháp Chàm đã mở phiên tòa dân sự sơ thẩm và tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cụ Phức, tuyên bố hợp đồng tặng cho vô hiệu và yêu cầu bà H trả lại căn nhà.
Xét xử phúc thẩm năm 2020, TAND tỉnh Ninh Thuận không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên án sơ thẩm.
Tuy nhiên, sau đó Chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM đã quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với hai bản án trên. Chánh án cho rằng tòa án hai cấp chưa làm rõ hợp đồng cho tặng có yếu tố lừa dối hay không. Do đó, cần hủy án để giải quyết lại.
Đến tháng 11-2021, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM ban hành quyết định giám đốc thẩm chấp nhận kháng nghị của Chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM, hủy hai bản án sơ thẩm, phúc thẩm; đồng thời giao hồ sơ vụ án cho TAND TP Phan Rang – Tháp Chàm xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.
Sau đó, TAND tỉnh Ninh Thuận có văn bản kiến nghị TAND Tối cao xem xét thủ tục giám đốc thẩm đối với quyết định giám đốc thẩm trên.
Tuy nhiên, TAND Tối cao cho rằng quá trình giải quyết vụ án, tòa hai cấp không thu thập được tài liệu, chứng cứ thể hiện bà Phức không biết đọc, biết viết mà quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không đánh giá đúng bản chất vụ việc.
Do đó, TAND Tối cao cho rằng không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với quyết định giám đốc thẩm.