Ngày 7-10, bác sĩ Phan Hữu Chính- Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết các bác sĩ Trung tâm chấn thương, chỉnh hình (CTCH) và Bỏng của bệnh viện này vừa thực hiện hai ca phẫu thuật khó, chuyển vạt da thành công cho hai bệnh nhân bị loét da cùng cụt và loét da ụ ngồi.
Cả hai trường hợp đều bị loét do tỳ đè, liệt tứ chi. Đó là trường hợp bệnh nhân NTTP, 48 tuổi, ở thị xã Ninh Hòa, bị loét da ở vị trí cùng cụt độ IV. Nguyên nhân là do bệnh nhân bị tai nạn giao thông, liệt tứ chi, nằm lâu ngày gây loét da. Ca phẫu thuật thực hiện việc bóc tách vạt da nhánh xuyên động mạch mông trên, để che phủ điểm da loét... Ca phẫu thuật diễn ra trong suốt 3 giờ liền.
Kíp phẫu thuật chuyển vạt da cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC
Trường hợp thứ hai, đó là bệnh nhân NQB, 34 tuổi, ở xã Vĩnh Trung, TP Nha Trang. Bệnh nhân bị loét da ở vị trí ụ ngồi, do chấn thương cột sống gây liệt 2 chân đã 4 năm nay. Các bác sĩ đã bóc tách vạt da cơ nhị đầu đùi (đầu dài) có diện tích 7x10x5 cm, để phủ lên phần da cùng cụt đã bị loét. Ca phẫu thuật diễn ra trong khoảng thời gian hơn 3 giờ.
Để thực hiện các loại phẫu thuật này đòi hỏi kíp các bác sĩ tham gia phẫu thuật phải nắm rõ các kiến thức về tạo hình, giải phẫu về mạch máu, các cơ, gây mê hồi sức...
Bác sĩ Nguyễn Minh Giang, Trung tâm CTCH và Bỏng, trực tiếp tham gia kíp phẫu thuật cho biết, sau 5 ngày, đến thời điểm này cả 2 ca phẫu thuật kể trên đều đã thành công, phần da che phủ vị trí loét ấm, hồng... Tuy nhiên, để vạt da che phủ sống cần đảm bảo cho bệnh nhân nguồn dinh dưỡng tốt, thay băng đúng kĩ thuật và đặc biệt người nhà cần biết được cách chăm sóc, vệ sinh và ăn uống hợp lý…
(PLO)- Ca phẫu thuật trả lại hình hài cho Trúc Nhi và Diệu Nhi có sự tham gia của đội ngũ y bác sĩ Việt Nam nhiều nhất từ trước đến nay với hơn 100 người.