Khánh Hòa đã thi hành xong 1 trong 3 bản án hành chính tồn đọng

(PLO)- Theo chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, TP Nha Trang đã thi hành xong một bản án hành chính, bản án còn lại dự kiến hoàn thành trong tháng 5-2024; riêng bản án liên quan đến công ty trồng rừng, tỉnh đang chỉ đạo kiểm tra, xem xét và thực hiện theo đúng nội dung bản án.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 9-4, một nguồn tin xác nhận chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản trả lời kiến nghị của VKSND Tối cao về vi phạm trong thi hành án hành chính.

Trước đó, VKSND Tối cao có văn bản kiến nghị chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo xử lý dứt điểm ba bản án hành chính chưa thi hành xong. Trong đó, hai bản án thuộc trách nhiệm của UBND TP Nha Trang, một bản án thuộc trách nhiệm của Sở TN&MT.

khánh hòa.jpg
Khu đất ở TP Nha Trang liên quan một bản án hành chính chưa thi hành xong. Ảnh: T.N

VKSND Tối cao cũng kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo, xem xét xử lý trách nhiệm của cá nhân có hành vi chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án.

Trong văn bản trả lời, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa thông tin UBND TP Nha Trang đã thực hiện xong một bản án. Bản án còn lại dự kiến hoàn thành trong tháng 5-2024.

Riêng đối với bản án hành chính phúc thẩm ngày 11-3-2022 của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng thuộc trách nhiệm của Sở TN&MT, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu Sở TN&MT nghiêm túc, khẩn trương thực hiện quyết định buộc thi hành án hành chính.

Quá trình thi hành bản án, Sở TN&MT có báo cáo, xin ý kiến về vướng mắc khi giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) cho Công ty TNHH Trồng rừng Thái Bình. UBND tỉnh cũng có nhiều văn bản chỉ đạo cơ quan này xử lý, đảm bảo việc thi hành án.

Tuy nhiên, hơn hai năm qua, các cơ quan liên quan đã có nhiều văn bản kiến nghị, tham mưu giải quyết nhưng đến nay bản án hành chính phúc thẩm này vẫn chưa được Sở TN&MT thi hành xong.

Đến ngày 21-3, Sở TN&MT có tờ trình đề nghị UBND tỉnh từ chối cấp GCN cho Công ty TNHH Trồng rừng Thái Bình. Sở TN&MT cho rằng việc UBND tỉnh cho Công ty TNHH Trồng rừng Thái Bình thuê đất trong khi khu đất đang có người dân sử dụng là không phù hợp quy định của Luật Đất đai.

Mặc dù trình UBND tỉnh nhưng đồng thời Sở TN&MT cũng gửi văn bản đến TAND Cấp cao tại Đà Nẵng báo cáo, ý kiến nội dung xử lý liên quan đến bản án hành chính phúc thẩm.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết hiện đang xem xét, giải quyết việc cấp GCN. Tuy nhiên, theo thông tin của Sở TN&MT thì thủ tục giao đất, cho thuê đất trước đó có sai sót.

Do đó, UBND tỉnh đang chỉ đạo kiểm tra, xem xét lại vụ việc và thực hiện việc trả kết quả giải quyết GCN cho Công ty TNHH trồng rừng Thái Bình theo đúng nội dung bản án.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết sẽ tiếp tục theo dõi, chỉ đạo UBND TP Nha Trang, Sở TN&MT thi hành dứt điểm các bản án còn tồn động trên và báo cáo cho VKSND Tối cao. Đồng thời, sẽ xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể chậm thi hành án trên cơ sở đề xuất của Cục Thi hành án dân sự tỉnh (nếu có).

Liên quan đến bản án hành chính phúc thẩm ngày 11-3-2022 của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa cũng có văn bản đề nghị TAND Cấp cao tại Đà Nẵng giải thích rõ “Sở TN&NT tỉnh Khánh Hòa phải thực hiện hành vi hành chính gì và thực hiện như thế nào”.

Theo đó, Cục Thi hành án dân sự cho rằng quá trình thi hành bản án, các bên đương sự, người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan có những cách hiểu khác nhau về nội dung bản án dẫn đến việc thi hành bản án kéo dài, chưa được thi hành dứt điểm.

Đồng thời, VKSND Tối cao có kiến nghị chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa xử lý trách nhiệm của cá nhân, tập thể chậm thi hành án, không chấp hành hoặc chấp hành không đúng, đầy đủ nội dung bản án.

Do đó, Cục Thi hành án dân sự Khánh Hòa đề nghị tòa án giải thích rõ để đảm bảo việc thực hiện trách nhiệm theo dõi thi hành án đầy đủ, đúng pháp luật và tham mưu cho chủ tịch UBND tỉnh xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành án, quyết định của tòa án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm