Khánh Hòa nêu lý do chưa thi hành án hành chính

(PLO)- UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết đã yêu cầu UBND TP Nha Trang thi hành bản án hành chính phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 18-5, trao đổi với PLO, ông Nguyễn Văn Thiện, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa, cho hay UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu UBND TP Nha Trang thi hành bản án hành chính phúc thẩm ngày 25-12-2020 của TAND Tối cao tại Đà Nẵng.

Đây là bản án hành chính phúc thẩm về vụ kiện về quyết định thu hồi đất, giải quyết khiếu nại giữa người khởi kiện là ông Phạm Văn Tuân (59 tuổi, ngụ phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang) và người bị kiện là chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, UBND TP Nha Trang, chủ tịch UBND TP Nha Trang.

Ông Phạm Văn Tuân nhiều lần gửi đơn yêu cầu thi hành bản án hành chính phúc thẩm. Ảnh: TL

Ông Phạm Văn Tuân nhiều lần gửi đơn yêu cầu thi hành bản án hành chính phúc thẩm. Ảnh: TL

Tại bản án hành chính trên, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng tuyên hủy bốn quyết định của UBND TP Nha Trang, một quyết định của chủ tịch UBND TP Nha Trang, một quyết định của chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. Sáu quyết định này đều liên quan đến việc thu hồi đất, giao đất, bồi thường, giải quyết khiếu nại của gia đình ông Phạm Văn Tuân.

Theo yêu cầu của ông Tuân, ngày 16-5, TAND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định buộc thi hành án (THA) hành chính đối với UBND TP Nha Trang, chủ tịch UBND TP Nha Trang, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. Tòa yêu cầu UBND TP Nha Trang, chủ tịch UBND TP Nha Trang, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa có trách nhiệm THA ngay sau khi nhận được quyết định của tòa án, thông báo kết quả cho TAND tỉnh biết.

Trả lời câu hỏi của PV vì sao không UBND tỉnh Khánh Hòa không tự nguyện thi hành bản án hành chính phúc thẩm, ông Nguyễn Văn Thiện nói: “Tỉnh thực hiện chứ không phải không thực hiện. Tuy nhiên, việc thực hiện bản án liên quan đến nhiều thủ tục”. Chánh Văn phòng UBND tỉnh không nói cụ thể khi nào THA, THA như thế nào…

Trong khi đó, một lãnh đạo UBND TP Nha Trang nói UBND TP sẽ thi hành bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng nhưng không nói rõ bao giờ THA. Vị lãnh đạo UBND TP Nha Trang giải thích chưa THA thời gian qua là do chủ tịch UBND tỉnh có văn bản đề nghị chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng.

Ông Phạm Văn Tuân trước khu đất bị thu hồi sai quy định. Ảnh: ĐH

Ông Phạm Văn Tuân trước khu đất bị thu hồi sai quy định. Ảnh: ĐH

Như PLO đã phản ánh, ông Phạm Văn Tuân nhiều lần gửi đơn đến TAND tỉnh, đề nghị ra quyết định buộc THA đối với bản án hành chính phúc thẩm. Tháng 12-2021, VKSND Tối cao có công văn hướng dẫn ông Tuân đề nghị TAND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định buộc THA. Tổng cục THA dân sự - Bộ Tư pháp cũng có công văn đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo UBND TP Nha Trang thực hiện nghiêm nội dung bản án phúc thẩm.

Trong khi đó, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản đề nghị chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng.

Đến ngày 24-12-2021, VKSND Tối cao ban hành thông báo khẳng định không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm.

LS NGUYỄN HỒNG HÀ, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa:

Người không thi hành án hành chính có thể bị kỷ luật

Thực tiễn ở một số địa phương còn nhiều bản án, quyết định hành chính đã hết thời gian tự nguyện thi hành, tòa án đã có quyết định buộc thi hành án (THA) nhưng với nhiều lý do khác nhau người phải THA vẫn không thi hành đến khiếu nại, tố cáo kéo dài.

Theo Nghị định 71/2016/ NĐ-CP ngày 1-7-2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục THA hành chính, khi nhận quyết định buộc THA hành chính, người phải THA có trách nhiệm thi hành ngay bản án, quyết định của tòa án.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phải THA có trách nhiệm tổ chức thi hành bản án, quyết định của tòa án, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp về việc không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của tòa án.

Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày bản án, quyết định được thi hành xong, cơ quan phải THA thông báo kết quả cho tòa án đã xét xử sơ thẩm, viện kiểm sát, cơ quan THA dân sự cùng cấp với tòa án đã xét xử sơ thẩm, đồng thời báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp.

Nghị định 71/2016/ NĐ-CP cũng quy định việc xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc chậm trễ THA. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người không THA hành chính có thể bị xử lý kỷ luật từ khiển trách đến buộc thôi việc đối với cán bộ, công chức.

Đối với người có hành vi không THA, không chấp hành án, cố ý cản trở việc THA có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm