Ngày 27-11, trao đổi với PLO, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
“UBND tỉnh sẽ xử lý nghiêm theo quy định đối với chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Giám đốc sở, ban, ngành, chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023”- ông Tuân thông tin.
Theo Sở Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Khánh Hòa, đến nay tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh này chỉ mới gần 54% so với vốn Thủ tướng giao, gần 63 % so với vốn của UBND tỉnh. Năm 2023, tỉnh Khánh Hòa được phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công hơn 7.000 tỉ đồng.
Hiện có tới 11 đơn vị có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn mức bình quân của cả tỉnh (62%), như Sở Công Thương, Công an tỉnh, Sở Thông tin Truyền thông, Sở Y tế, Sở Xây dựng, Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT…. Chỉ một đơn vị giải ngân cao hơn bình quân của tỉnh là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông.
Trong báo cáo gửi UBND tỉnh mới đây, ông Châu Ngô Anh Nhân, Giám đốc Sở KH&ĐT, cho rằng ngoài nguyên nhân khách quan, có các nguyên nhân chủ quan như công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án; thủ tục đầu tư các dự án còn chậm, kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn; thủ tục đầu tư của các dự án triển khai không đạt tiến độ dẫn đến việc phân bổ kế hoạch vốn năm 2023 bị chậm.
Ngoài ra, các dự án sử dụng nguồn vốn ODA cấp phát và vốn vay lại của Chính phủ gặp nhiều vướng mắc trong thực hiện rà soát, điều chỉnh và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án theo đúng khung chính sách của Ngân hàng Thế giới (WB). Điển hình như dự án môi trường biển vững các thành phố duyên hải - tiểu dự án TP Nha Trang chậm tiến độ nhiều năm và bị WB nhắc nhở.