Khánh thành 4 dự án giao thông quan trọng

(PLO)- Việc khánh thành các dự án này giúp cả nước đưa vào khai thác thêm 730 km đường cao tốc, nâng tổng số đường cao tốc của cả nước lên gần 1.900 km.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 24-12, Bộ GTVT đã tổ chức lễ khánh thành bốn dự án giao thông quan trọng. Các dự án gồm đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên; đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và dự án thành phần đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu.

Bốn công trình trọng điểm quốc gia

Tại sân bay Điện Biên, Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố khánh thành và đưa vào khai thác bốn dự án giao thông này. Thủ tướng cho rằng việc đưa bốn công trình với tổng số vốn 18.000 tỉ đồng vào khai thác giúp giảm chi phí logistics, tạo thuận lợi đi lại cho nhân dân…

Sự kiện này cũng giúp cả nước đưa vào khai thác thêm 730 km đường cao tốc, nâng tổng số đường cao tốc của cả nước lên gần 1.900 km. Hiện cả nước đang thi công 37 dự án, dự án thành phần đường cao tốc với tổng chiều dài 1.658 km, phấn đấu đến năm 2025 cả nước có khoảng 3.000 km đường cao tốc và 5.000 km cao tốc vào năm 2030.

Người đứng đầu Chính phủ nhận định cả bốn dự án được khánh thành đều có điểm chung là gặp khó khăn, vướng mắc về pháp lý, vốn, thi công trong điều kiện dịch bệnh, khan hiếm vật liệu. Đặc biệt, các tỉnh phía Nam gặp nhiều khó khăn về nền đất yếu; sân bay Điện Biên phải nghiền đá thay cho cát sỏi… Tuy nhiên, với trách nhiệm cao, Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, cùng vào cuộc với tinh thần “vượt nắng thắng mưa, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, ý chí kiên cường, chiến thắng đại dịch”, “làm việc ba ca bốn kíp xuyên lễ, xuyên Tết...” mới có được kết quả như hôm nay.

Nói về dự án cầu Mỹ Thuận 2, Thủ tướng đã nêu ra một số điểm hơn của dự án so với cầu Mỹ Thuận 1 như quy mô dài hơn, cao hơn, rộng hơn. Bên cạnh đó, cầu Mỹ Thuận 1 sử dụng vốn nước ngoài 66%, cầu Mỹ Thuận 2 sử dụng vốn nhiều hơn và là vốn trong nước. Đặc biệt, cầu Mỹ Thuận 1 do nước ngoài thiết kế, thi công còn cầu Mỹ Thuận 2 là công trình cầu dây văng khẩu độ lớn do đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện hoàn toàn trong tất cả các khâu. Chi phí đầu tư của cầu Mỹ Thuận 1 khoảng 5.000 USD/m2 còn cầu Mỹ Thuận 2 khoảng 2.400 USD/m2, tiết kiệm khoảng 50% và tạo việc làm, sinh kế cho nhiều người dân hơn.

Từ kết quả trên, Thủ tướng cho rằng “chúng ta rút ra được nhiều bài học rất sâu sắc”. Cụ thể ở đây là nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân. Tư duy tốt thì nó tạo ra nguồn lực, đổi mới thì tạo ra động lực cho chúng ta. Bài học tiếp theo là chúng ta đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Đi đôi với đó là bố trí nguồn lực, đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc. “Cả bốn công trình hôm nay đều làm đúng với tinh thần như trên nên cơ bản hoàn thành sớm hơn tiến độ” - Thủ tướng nói.

Cao tốc
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khánh thành Dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; dự án cầu Mỹ Thuận 2. Ảnh: VGP

Giảm áp lực ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 1, cầu Mỹ Thuận 1

Phát biểu tại điểm cầu khánh thành dự án cầu Mỹ Thuận 2, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết trong thời gian dài, ĐBSCL được đánh giá là địa bàn có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nhưng do chưa được đầu tư đồng bộ về hạ tầng giao thông nên chậm phát triển so với các vùng khác trong cả nước. Dự án cầu Mỹ Thuận 2 thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông là công trình trọng điểm quốc gia ngành GTVT, nằm trên trục đường cao tốc từ TP.HCM đi TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL, khởi công vào tháng 2-2020.

Hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long với nhiệm vụ được giao là chủ đầu tư giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án, Tiền Giang đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý dự án 7, các đơn vị quản lý hạ tầng khẩn trương tiến hành GPMB. Tiến tới ổn định nơi ở, sản xuất cho người dân, di dời các hạng mục hạ tầng kỹ thuật và sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT.

p9-bai-duonganh-caotoc-h2-thylan-5823.jpg
Cầu Mỹ Thuận 2 chính thức được khánh thành. Ảnh: HẢI DƯƠNG

“Việc khánh thành, đưa vào sử dụng cầu Mỹ Thuận 2 có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm giảm áp lực kẹt xe, ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 1, cầu Mỹ Thuận 1. Đồng thời kết nối đồng bộ với cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa, rút ngắn thời gian đi lại; tạo liên kết đồng bộ để phát huy hiệu quả các dự án đang được triển khai đầu tư xây dựng trong vùng, là cơ sở để ĐBSCL phát triển trong thời gian tới” - ông Vĩnh nhấn mạnh.

Hoàn thiện hạ tầng giao thông, logistics khu vực ĐBSCL

Phát biểu tại điểm cầu khánh thành dự án đường bộ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết hai dự án có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của ĐBSCL nói riêng. Hai dự án khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, hệ thống vận tải, logistics khu vực ĐBSCL.

Bên cạnh đó, góp phần nối liền tuyến đường cao tốc từ TP.HCM đi TP Cần Thơ và trở thành trục huyết mạch kết nối giao thương các tỉnh, TP vùng ĐBSCL với trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là TP.HCM. Qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất tốt hơn; thu hút đầu tư vào các vùng đã quy hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh, các khu, cụm công nghiệp... Từ đó, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh cho các địa phương trong vùng.

“Đối với tỉnh Vĩnh Long, hai dự án này khi đưa vào khai thác, bên cạnh việc giúp giảm áp lực của cầu Mỹ Thuận hiện hữu và giao thông Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh; giảm chi phí logistics và rút ngắn thời gian vận chuyển từ TP.HCM về Vĩnh Long. Hai dự án sẽ giúp tỉnh tạo ra dư địa, không gian phát triển mới, động lực tăng trưởng mới, đẩy mạnh thu hút mời gọi đầu tư… góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025” - ông Ngời cho biết thêm.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cũng cho rằng thời gian tới khi các dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng hoàn thành sẽ gắn kết với các dự án này. Từ đó, hình thành trục cao tốc dọc và ngang của vùng, tăng tính kết nối của tỉnh Vĩnh Long đến các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển. Do đó, để đảm bảo tính kết nối, phát huy hiệu quả đầu tư của tuyến đường cao tốc, Vĩnh Long sẽ tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển, hoàn thiện hạ tầng giao thông, thủy lợi...•

Thông tin chung về bốn dự án

Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên có tổng mức đầu tư hơn 1.470 tỉ đồng từ nguồn vốn của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam. Công tác GPMB với tổng mức đầu tư 1.555 tỉ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh Điện Biên. Dự án được xem là mắt xích quan trọng trên bản đồ thu hút đầu tư trong và ngoài nước cho tỉnh Điện Biên nói riêng và các tỉnh lân cận vùng Tây Bắc nói chung.

Dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai có chiều dài toàn tuyến 40,2 km (đi qua tỉnh Tuyên Quang dài 11,63 km, tỉnh Phú Thọ 28,57 km), tổng mức đầu tư 3.753 tỉ đồng với bốn làn xe, vận tốc 120 km/giờ. Dự án được khởi công vào đầu năm 2021.

Tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ được hoàn thành góp phần rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Tuyên Quang - mảnh đất lịch sử với chiến khu Tân Trào. Tuyến cao tốc này cùng với tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang sau khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi phát triển đột phá về kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch, đảm bảo an ninh quốc phòng cho mỗi địa phương, khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Dự án cầu Mỹ Thuận 2, bắc qua sông Tiền, cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu 350 m về phía thượng lưu. Cầu dài 6,61 km với sáu làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Đây là dự án cầu dây văng lớn, phức tạp với nhịp chính dài 650 m; hai trụ tháp cao 125,5 m; 128 bó cáp văng và 32 đốt đúc. Dự án có vốn đầu tư 5.000 tỉ đồng, khởi công từ tháng 2-2020.

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài khoảng 22 km, nằm trên tuyến cao tốc từ TP.HCM đến Cần Thơ và là dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía đông. Tổng mức đầu tư dự án hơn 4.800 tỉ đồng, được khởi công vào tháng 1-2021. Giai đoạn 1 của dự án có quy mô bốn làn xe, rộng 17 m, vận tốc 80 km/giờ; giai đoạn hoàn chỉnh, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ có sáu làn xe, vận tốc 100 km/giờ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm