Khát lao động, tìm đỏ mắt vẫn không đủ

(PLO)- Hiện nay, nhận thức, tiêu chí, yêu cầu… về công việc của người lao động đã thay đổi nhiều so với trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.

Trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi và phát triển nhanh sau đại dịch COVID-19, Việt Nam đang đứng trước cơ hội hiếm có để tạo ra nhiều việc làm tốt hơn, nâng cao năng suất và nâng tầm kỹ năng lao động trong chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, tình trạng thiếu người lao động (NLĐ) ở nhiều lĩnh vực khiến các doanh nghiệp (DN) chật vật để phục hồi sản xuất, mở rộng thị trường.

Muốn tuyển lao động nhưng không được

Tại Khu chế xuất Linh Trung I, TP Thủ Đức, TP.HCM, nhiều công ty ở lĩnh vực điện tử, cơ khí chính xác, gỗ, giày da… đều trưng biển tuyển dụng 500-1.000 công nhân. Mức thu nhập mà các công ty trả dao động 7,7-10 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, nhu cầu tìm việc của NLĐ khá ít, thi thoảng mới có vài lao động tấp vào tìm hiểu chế độ tiền lương, phúc lợi rồi rời đi. Chăm chú đọc bản thông tin tuyển dụng án ngữ bờ tường rào Công ty TNHH Saigon Precision chuyên về cơ khí chính xác vốn đầu tư Nhật Bản, anh Nguyễn Văn Quang (quê Bình Định) chia sẻ: “Tôi đã lân la tìm hiểu ba công ty về cơ khí, nhưng mức lương, các chế độ cho công nhân không hấp dẫn nên chưa chọn được công ty nào. Tôi dự tính sẽ nộp hồ sơ ứng tuyển vào Công ty Saigon Precision do các chế độ công ty đưa ra khá hấp dẫn và có chỗ ở cho NLĐ”.

Nhu cầu tuyển dụng tại các khu công nghiệp rất cao, tuy nhiên người tìm việc khá
hạn chế.
Ảnh: PHONG ĐIỀN

Đề cập đến thị trường và nhu cầu tuyển dụng lao động, ông Trần Văn An, Giám đốc Công ty CP Mekong Herbals, đánh giá thị trường châu Âu, Hàn Quốc, Trung Đông đang có nhu cầu nhập các mặt hàng trái cây và thảo dược, song công ty rất khó tuyển người cho các chuyền sản xuất. Do đó, công ty liên tục thông tin đăng tuyển ở nhiều kênh tuyển dụng truyền thống và trực tuyến nhưng vẫn chưa đủ.

Nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng trực tuyến cấp trung và cấp cao Navigos Search cho biết tốp những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất trong quý II vừa qua gồm tài chính, đầu tư, bán hàng, công nghệ thông tin, phần mềm, ngân hàng, điện tử... Tính chung sáu tháng đầu năm nay, có hơn 65.000 việc làm đăng tuyển trên trang dịch vụ của tập đoàn này kết nối người ứng tuyển. Đáng chú ý, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu hàng điện tử lớn thế giới, song ngành này thiếu hụt lao động và khó thu hút NLĐ trở lại làm việc.

Nhu cầu tìm việc đã thay đổi

Theo Tổng cục Thống kê, đợt dịch COVID-19 thứ tư có khoảng 2,2 triệu NLĐ về quê tránh dịch. Dòng lao động dịch chuyển ồ ạt làm đứt gãy nguồn nhân lực để phục hồi sản xuất.

Bên cạnh đó, hiện tại các tỉnh, thành đều có khu công nghiệp thu hút lao động tại chỗ nên thu hẹp luồng dịch chuyển lao động đến các đô thị lớn, khu công nghiệp tìm việc như trước đây. Đồng thời sau đại dịch NLĐ có định hướng chuyển đổi việc làm, về quê sinh sống để hạn chế chi phí thuê nhà, điện, nước, giá cả sinh hoạt đắt đỏ tại các đô thị.

Trong bối cảnh trên, để giải quyết tình trạng thiếu NLĐ, lãnh đạo các công ty cho biết họ đang nỗ lực xoay xở bằng nhiều cách. Tổng giám đốc một công ty sản xuất hàng nông sản tại TP.HCM cho biết công ty thuê 30-100 công nhân từ các công ty cho thuê lại lao động với thời gian làm việc 1-3 tháng. Chi phí tiền lương trả cho mỗi lao động thuê lại khá cao, khoảng 12 triệu đồng/tháng.

“Đây cũng là giải pháp đang được nhiều công ty vận dụng trong bối cảnh khan nguồn tuyển. Dù công ty định hướng tuyển lao động làm việc lâu dài nhưng để giải quyết nhu cầu cấp bách trước mắt chúng tôi áp dụng giải pháp này” - vị lãnh đạo công ty chia sẻ.

TS Loan Lê, chuyên gia tài chính, lao động, đánh giá với giá cả leo thang, cộng thêm tiền thuê nhà, điện, nước, xăng, chi phí ăn uống như hiện tại… thì mức lương và phụ cấp mà nhiều công ty đưa ra là 7,7-10 triệu đồng/tháng khó mà thu hút NLĐ. Bởi mức lương giúp việc nhà hiện đã là 8 triệu đồng, bao ăn ở, trong khi họ không phải bỏ ra chi phí thuê nhà, tiền ăn.

“Như vậy, mấu chốt nằm ở chế độ lương, phụ cấp và công việc ổn định lâu dài. Hiện có nhiều người vẫn thất nghiệp, nguồn cung không thiếu, chỉ là chế độ không đủ hấp dẫn. Ngoài việc đưa ra chế độ hấp dẫn hơn, DN nên tăng đầu tư vào trang thiết bị tự động, công nghệ, hiện đại hóa để giảm bớt sự phụ thuộc vào NLĐ” - TS Lê gợi ý.

Đồng quan điểm, một số công ty thừa nhận hiện nay nhận thức, tiêu chí, yêu cầu về công việc của NLĐ đã thay đổi khá nhiều so với trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Ví dụ họ không chỉ đơn thuần nhìn vào đồng lương mà còn cân nhắc các yếu tố khác như chi phí sinh hoạt, khả năng tiết kiệm để dự phòng khi bất trắc. Họ cũng quan tâm nhiều hơn đến chất lượng việc làm, BHXH, bảo hiểm y tế, các quyền cơ bản của NLĐ được tôn trọng.

Thêm vào đó, các ngành nghề sử dụng nhiều lao động thủ công, dựa trên nguồn nhân công giá rẻ như dệt may, da giày, chế biến thực phẩm sẽ dần mất đi lợi thế của mình. Nói cách khác, nhiều người bỏ những công việc có giá trị gia tăng thấp chuyển sang các ngành khác có năng suất cao hơn, mức thu nhập tốt hơn, chất lượng việc làm tốt hơn và đây là xu hướng tất yếu. Nếu các chủ DN không thay đổi tư duy, dựa mãi vào lợi thế lao động giá rẻ sẽ khó phát triển bền vững.

Thiếu lao động có kỹ năng nghiêm trọng

Bộ LĐ-TB&XH đánh giá nguồn cung lao động vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của nhà sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Một số ngành nghề vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, thiếu hụt nguồn cung cục bộ. Chẳng hạn, trong quý I vừa qua xảy ra thiếu hụt lao động cục bộ khoảng 120.000 NLĐ.

Thị trường thiếu NLĐ do quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh diễn ra khá tích cực. Nhiều công ty đăng ký thành lập mới, quay trở lại hoạt động; một số ngành như dịch vụ, du lịch, giao thông… phục hồi mạnh mẽ.

Kết quả khảo sát do VCCI với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng cho thấy khoảng 60% DN khảo sát phản ánh tình trạng thiếu NLĐ có kỹ năng và đây là một thách thức từ mức độ trung bình đến nghiêm trọng trong lĩnh vực điện tử. Khoảng 50% DN cũng coi kỹ năng chuyên môn của đội ngũ giám sát và quản lý là một thách thức lớn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới