Khát vọng đóng góp cho cộng đồng nhiều hơn

Đi vào kinh doanh bền vững, giới doanh nhân không chỉ tìm kiếm lợi nhuận mà còn có nhiều hoạt động thiết thực hướng về cộng đồng. Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10, Pháp Luật TP.HCMđã có cuộc trao đổi với các doanh nhân trong nhiều lĩnh vực khác nhau xung quanh chủ đề doanh nhân hướng về cộng đồng.

Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM:

Doanh nghiệp hướng đến xây nhà cho người thu nhập thấp

Sự phát triển bền vững, tích cực của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, ngoài công lao to lớn từ sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn về đường lối, chính sách của Đảng, nhà nước thì đứng phía sau thành công này là vai trò xung kích của doanh nghiệp, doanh nhân. Tôi nhận thấy có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện có khát vọng muốn đóng góp nhiều hơn nữa vào công cuộc xây dựng đất nước, mà cụ thể là quyết tâm xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp có tầm vóc quốc tế.

Ở lĩnh vực bất động sản, tuy là một lĩnh vực đặc thù nhưng doanh nghiệp luôn có những đóng góp hữu ích cho xã hội, cho cộng đồng dân cư, nhất là chăm lo nhu cầu về nhà ở cho người dân. Dù vẫn còn đó những doanh nghiệp, cá nhân làm ăn chụp giựt, tìm kiếm siêu lợi nhuận từ phát triển kinh doanh bất động sản nhưng trên hết, hiện có rất nhiều doanh nghiệp đã năng động, chung tay cùng chính quyền chăm lo về nhà ở khi hướng việc kinh doanh của mình phục vụ cộng đồng, lợi ích người dân. Rõ nhất là hiện nay nhiều doanh nghiệp bất động sản đang hướng đến việc xây nhà cho đối tượng có thu nhập thấp trong xã hội. Việc triển khai nhà ở giá thấp bên cạnh các hoạt động xã hội-từ thiện mạnh mẽ là hành động thể hiện rõ nhất trách nhiệm với xã hội của doanh nghiệp, doanh nhân.

Ông PHẠM XUÂN HỒNG, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM:

Làm thực chất chớ đừng khoa trương

Nếu để ý sẽ thấy trong các chương trình từ thiện, đấu giá… rầm rộ trên truyền hình không có mấy doanh nhân dệt may tham gia. Tôi chưa thấy anh chị nào ngành này bỏ giá hàng tỉ đồng để tham gia đấu giá từ thiện. Quả thật, doanh nghiệp dệt may cũng chưa có chương trình dài hơi nào cho cộng đồng cả.

Khát vọng đóng góp cho cộng đồng nhiều hơn ảnh 1

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần May Sài Gòn 3, trong bữa cơm cùng công nhân ở Xí nghiệp May Hiệp Bình Phước (Thủ Đức) trực thuộc hệ thống công ty. Ảnh: Q.NHƯ

Tuy nhiên, phải thấy rằng doanh nghiệp dệt may sử dụng rất nhiều lao động, nhất là lao động nữ. Mỗi doanh nghiệp chăm lo, đảm bảo được đời sống cho công nhân trong doanh nghiệp mình đã là thực hiện khá tốt vai trò xã hội rồi. Và tôi biết bên ngoài doanh nghiệp, mấy anh thì có vẻ hơi lười chứ mấy chị nữ doanh nhân ngành dệt may rất xông xáo trong các hoạt động giúp đỡ cộng đồng ở vùng sâu, vùng xa. Thường là các chị cùng một nhóm công nhân của mình lặng lẽ đi làm thôi, không có thông báo, khoa trương lên đâu.

Ông TRỊNH VĂN THÀNH, Phó Chủ nhiệm thường trực CLB Doanh nhân 2030:

Chế độ đãi ngộ tốt với nhân viên cũng là trách nhiệm với cộng đồng

Doanh nhân với mục tiêu phải tạo ra nhiều công ăn việc làm để nuôi sống bộ máy làm việc và phát triển thương hiệu. Do vậy, để chăm lo được công ăn việc làm và chế độ đãi ngộ tốt cho cán bộ, nhân viên công ty cũng chính là trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Ngoài ra, doanh nhân còn có trách nhiệm với cộng đồng ở chỗ khi kinh doanh có hiệu quả thì hướng đến mục tiêu từ thiện, chia sẻ những nỗi đau, mất mát của người nghèo và khuyết tật…

Ông VÕ ĐỖ THẮNG,Trưởng Ban Công nghệ thông tin CLB Doanh nhân Sài Gòn:

Cải thiện đời sống công nhân để phát triển bền vững

Hiện nay, ngoài các hoạt động tự sản xuất, phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng về công nghệ mang lại thu nhập cao cho doanh nghiệp, phong trào doanh nghiệp tham gia các hoạt động vì cộng đồng cũng đang phát triển mạnh. Ngoại trừ một số ít doanh nghiệp nhỏ chưa ý thức được các vấn đề về bảo vệ môi trường, ít có chính sách bảo vệ người lao động, phần lớn doanh nghiệp đã bắt đầu thấy được ý thức, vai trò của mình đối với cộng đồng xã hội.

Với doanh nghiệp mảng công nghệ cao, việc tăng lương cải thiện đời sống đội ngũ sáng tạo chính là tiêu chí quan trọng. Nếu đời sống người lao động tốt, những kỹ sư giỏi gắn bó thì công ty mới có thể phát triển dài lâu và bền vững.

Ông NGUYỄN THẾ HÙNG, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng tỉnh Long An:

Hướng đến phát triển bền vững ở nơi doanh nghiệp trú đóng

Một, hai năm trở lại đây, tôi thấy có rất nhiều doanh nghiệp bên cạnh việc kinh doanh tốt, chấp hành đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước còn dành nhiều thời gian, công sức, tiền của chung tay xây dựng cộng đồng. Từ việc nhỏ là tham gia hỗ trợ tích cực kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, làm từ thiện, doanh nhân còn hướng đến việc kinh doanh những sản phẩm, xây dựng những dự án thân thiện với môi trường, hướng về thiên nhiên để giữ những giá trị bền vững cho xã hội.

Việc hướng về cộng đồng của doanh nhân không phải xuất phát từ lợi ích của doanh nghiệp mà đó là trách nhiệm với xã hội. Làm giàu cho mình, đảm bảo đời sống thu nhập ổn định cho công nhân nhưng tích cực hướng đến sự phát triển bền vững của vùng đất nơi doanh nghiệp trú đóng.

NHÓM PV KINH TẾ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm