Trước đó, báo Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin hơn 10 giờ ngày 9-5, người dân ngụ phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM phát hiện một bé sơ sinh chưa được cắt dây rốn, bị bỏ rơi trong thùng rác.
Ngay khi nhận tin, cán bộ UBND phường Bình Hưng Hòa đã đến lập biên bản, phối hợp cùng lực lượng công an, khu phố xác minh. Bé được đưa vào Bệnh viện (BV) quận Bình Tân để khám tổng quát.
Trắng đêm chăm con người lạ
Cả ngày hôm ấy, chị Phạm Thị Ngọc Lan, cán bộ phụ trách lao động - thương binh và xã hội, ở trong BV để chăm bé.
Chị cùng với người phát hiện ra em bé đi mua sữa, bình, tã và một số vật dụng cần thiết cho bé.
“Cứ cách 2 tiếng thì cho bé bú sữa, rồi thay tã, lau chùi vì bé rất thường đi vệ sinh. Trời thương, có lẽ bé biết hoàn cảnh của mình nên ngoan lắm, không khóc nhiều. Chỉ có ngày đầu khi tôi bế bé đi chích ngừa, bé có nhăn nhó chút xíu rồi thôi” - chị Lan nói.
Vì đã có hai mặt con nên chị Lan dễ dàng chăm bé, yêu thương như con mình đẻ ra. Người ngoài không biết thấy chị nằm cạnh cứ tưởng hai mẹ con ruột thịt.
Một cán bộ Hội Nông dân phường Bình Hưng Hòa là chị Nguyễn Thị Mai cũng có mặt ở BV mỗi ngày để chăm ẵm bé. Chị Mai không có may mắn được sinh con nhưng chị hạnh phúc khi nhận nuôi hai đứa con nay đã khôn lớn. Kỹ năng làm mẹ, chăm con chị Mai cũng có thừa.
“Cho bé bú xong phải đưa bé lên vai vỗ cho bé ợ ra kẻo sữa trào lên mũi nè. Chịu khó để ý khuôn mặt bé xem có biểu hiện gì khó chịu không để biết bé đói hay đi vệ sinh…” - chị Mai nói.
Bởi sự tỉ mỉ, tận tâm giống một người mẹ, chị Mai cũng từng nhiều lần được phường giao chăm sóc các bé đi lạc, bị bỏ rơi khác.
“Có lần tôi chăm một trường hợp cũng bị bỏ rơi ở chùa, bé gần một tuổi rồi. Năm ngoái là chăm lo cho một bé năm tuổi đi lạc. Nhưng chăm bé sơ sinh như trường hợp này là phải cẩn trọng nhất, cực nhất. Vì phải theo dõi từng hơi thở, thức trắng đêm vì lo không biết sức khỏe bé như thế nào. Ơn trời, nó hay cười, nụ cười dễ thương lắm đó nha!” - chị Mai xúc động kể.
Chị Ngọc Lan, cán bộ phụ trách lao động - thương binh và xã hội của phường ở lại BV chăm bé ngay khi nhận được tin. Chị Mai, cán bộ Hội Nông dân phường Bình Hưng Hòa, ngày nào cũng có mặt chăm sóc em bé tại BV. Ảnh: H.KIM-LÊ THOA
Tìm ba mẹ nuôi tốt nhất
Bên cạnh việc cử người thay nhau chăm sóc bé trong gần một tuần, phường cũng niêm yết thông tin để ưu tiên tìm mẹ cho bé.
Khi báo đăng thông tin, nhiều người gửi hồ sơ đến xin nhận con nuôi, phường bắt đầu xem xét để tìm gia đình thay thế cho bé trong trường hợp không tìm được mẹ.
Bà Nguyễn Ngọc Thắm, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa, cho biết đây không phải lần đầu tiên phường gặp tình trạng em bé bị bỏ rơi. Trước đó, nhiều năm qua, phường đã phát hiện, cử cán bộ chăm sóc cho một vài bé với các lứa tuổi khác nhau. Tuy nhiên, có lẽ đây là trường hợp bé sơ sinh duy nhất, chăm dài ngày nhất.
“Ngày cuối tuần hôm đó, sau khi thông tin về bé sơ sinh bị bỏ rơi được đăng trên báo Pháp Luật TP.HCM, phải đến 30 trường hợp liên lạc qua điện thoại, tin nhắn để nhận nuôi bé” - bà Thắm cho biết điện thoại của bà nóng máy liên tục vì các cuộc gọi đáng trân trọng này.
Sau khi nắm thông tin tất cả gia đình muốn nhận nuôi, phường chọn một số trường hợp thích hợp nhất để cử cán bộ đến tận nhà xác minh.
“Tất cả trường hợp được phường cho nhận nuôi trong thời gian qua đều được chúng tôi theo dõi, hỏi thăm mỗi năm. Khi trao một sinh mệnh bé nhỏ cho ai đó nuôi, chúng tôi phải có trách nhiệm với sự phát triển của cháu bé” - bà Thắm cho biết.
Những gia đình tìm đến phường để nhận nuôi bé là những hoàn cảnh khác nhau, thậm chí có người đến từ các tỉnh xa như Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Đồng Nai… và các quận xa như quận 9, quận 7…
Đắn đo, chọn lựa, cuối cùng bà Thắm đã quyết định trao cơ hội cho một cặp vợ chồng có điều kiện kinh tế, công việc ổn định, nhà cửa đàng hoàng. Họ cưới nhau khá lâu và gần như đã làm hết cách để có một đứa con xinh xắn. Phường đang tạo điều kiện để gia đình hoàn thành hồ sơ nhận nuôi.
Điều kiện để nhận nuôi trẻ bỏ rơi Về điều kiện ưu tiên để nhận nuôi bé, bà Nguyễn Ngọc Thắm cho biết ngoài kinh tế ổn định thì phải có hộ khẩu tại TP.HCM, ưu tiên có nhà riêng, sống trên địa bàn phường hoặc trên địa bàn quận để cán bộ phường có thể thăm nom thường xuyên. Điều 14 Luật Nuôi con nuôi quy định điều kiện đối với người nhận con nuôi như sau: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; có tư cách đạo đức tốt. Cũng tại điều luật này quy định các trường hợp không được nhận con nuôi: - Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên; - Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; - Đang chấp hành hình phạt tù; - Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em. |