Mộng lấy chồng ngoại để đổi đời không thành, hôn nhân đổ vỡ và kết quả là ôm đứa con trốn chạy về quê. Đó là tình cảnh mà chị Nguyễn Thị Thúy Loan (36 tuổi, ngụ phường Thuận An, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) đã phải nếm trải trong cuộc hôn nhân với người chồng Trung Quốc (TQ).
Bỏ trống quốc tịch
Chị Loan là người từng trải qua hai “lần đò” nhưng đều dang dở. Chồng đầu của chị là người Việt Nam (VN) nhưng chẳng kéo dài được lâu, chị ôm đứa con gái về nương tựa ở nhà mẹ đẻ. Nhưng vì gia đình nghèo khó nên chị quyết định đi bước nữa bằng việc lấy chồng nước ngoài, những mong có tiền gửi về nuôi con và phụ giúp cha mẹ.
Chị kể năm 2011 chị kết hôn với một người TQ và theo chồng về nước nhưng trớ trêu vì cuộc hôn nhân mới cũng chỉ toàn nước mắt và niềm đau. Năm 2012, chị Loan sinh được một con gái. Nhưng hôn nhân không hạnh phúc và vì gia đình chị ở VN quá nghèo nên người chồng khinh rẻ, không cho về thăm nhà. Năm 2015, chị quyết định ôm con gái bỏ trốn về nước.
“Lúc rời nhà chồng, hai mẹ con chỉ có vài bộ quần áo và chỉ đủ tiền mua vé xe về nhà. Leo lên tất cả loại xe đò ròng rã suốt bốn ngày bốn đêm hai mẹ con mới về được nhà ngoại khi trong túi không còn một đồng tiền. Về đến nhà tôi chỉ biết ôm mẹ khóc. Tôi đã quá sai lầm và hối hận trước quyết định lấy chồng ngoại của mình” - chị Loan kể. Lúc này bé Diễm được bốn tuổi và chỉ biết nói tiếng TQ nên cả gia đình đều gặp khó khăn trong sinh hoạt. May mắn là bé đã thích nghi tốt nên một thời gian sau đã nói được tiếng Việt.
Theo chị Loan, do phải chạy trốn nên không lấy được bất cứ giấy tờ nào của con, kể cả hộ chiếu. Vì vậy, mỗi năm chị phải đi đăng ký tạm trú cho bé, nhờ vậy mà mới được đi học mẫu giáo. Nhờ địa phương tạo điều kiện nên tháng 8-2018 chị Loan đã làm được khai sinh cho con. Chị lấy họ của mình và đặt tên con là Nguyễn Thị Thúy Diễm nhưng phần quốc tịch trong giấy khai sinh thì phải bỏ trống.
Sau đó, bé Diễm đã được vào học lớp 1 nhưng nhà trường nói chỉ được học hết cấp I, còn việc học cấp II thì chưa tính được. Chị Loan cũng muốn nhập hộ khẩu cho con nhưng cũng không được vì chưa đủ điều kiện theo quy định, nghĩa là bé Diễm vẫn chưa phải là công dân VN.
Chị Loan ôm bé Diễm và nhớ về quãng đời buồn tủi của mình. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Mượn giấy khai sinh để được đi học
Có trường hợp con lai vì không được cấp giấy khai sinh nên người lớn đã chọn cách mượn giấy khai sinh của bạn cùng tuổi để con được đến trường học chữ. Đó là trường hợp của bé T. sống ở TP Vĩnh Long (Vĩnh Long) đã sử dụng giấy khai sinh của người khác để ghi danh đi học.
Bé T. sinh năm 1998 tại Đài Loan sau khi mẹ bé kết hôn với một người Đài Loan. Do cuộc sống với người chồng ngoại không được trọn vẹn nên năm 2002 mẹ bé T. đã ôm con về quê. Không rõ vô tình hay cố ý mà người mẹ không mang bất cứ giấy tờ gì của con về, do đó bé T. không được cấp giấy khai sinh và không được đi học.
Cậy nhờ khắp nơi đều thất bại nên người nhà bé T. đã mượn giấy khai sinh của bé gái khác để được đi học. Nhưng đến năm lớp 12, bé T. không được dự thi tốt nghiệp THPT vì không có giấy khai sinh. Và lúc này nhà trường và cơ quan chức năng mới phát hiện bé T. đã mượn khai sinh để đi học trong suốt một thời gian dài.
Sau đó, Cục Hộ tịch (Bộ Tư pháp) đã yêu cầu bé T. chấm dứt việc sử dụng giấy tờ tùy thân của người khác, từ đó bé T. trở thành người vô danh. Nhưng may mắn là bé đã được Bộ GD&ĐT cho phép bảo lưu kết quả học tập trong vòng một năm để bé T. có thời gian làm thủ tục nhập quốc tịch VN và có thể dự thi với tư cách thí sinh tự do.
Cũng sau vụ việc này, Sở Tư pháp cùng với Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long đã làm việc và thống nhất xin ý kiến Bộ GD&ĐT tạo điều kiện cho các trẻ con lai (có quốc tịch nước ngoài hoặc chưa xác định quốc tịch) đang tạm trú ở địa phương được đi học.
Theo thống kê của Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Long đến năm 2016, toàn tỉnh có 377 con lai đang cư trú trên địa bàn. Trong đó, có 216 em được sinh ra ở VN có quốc tịch VN. Còn 161 trường hợp trẻ em sinh ra ở nước ngoài không rõ có khai sinh và quốc tịch nước ngoài hay không nên khi về VN thì không được cấp giấy khai sinh. Việc này đồng nghĩa với việc trẻ không có tên, không có quốc tịch, không được hưởng các chính sách giáo dục, y tế...
Ba kiến nghị của Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Long Đối với trẻ em được sinh ra ở nước ngoài, mặc dù đã được tạo điều kiện để đến trường nhưng vì không có giấy khai sinh, không có quốc tịch nên không được các quyền lợi như một công dân VN. Hiện tỉnh chưa có biện pháp, chính sách nào để đảm bảo các quyền cơ bản của trẻ em thuộc nhóm này. Năm 2016 Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Long đã có kiến nghị với Bộ Tư pháp cho phép đăng ký khai sinh trong đó ghi quốc tịch VN cho các trẻ theo mẹ bỏ trốn về VN nhưng không mang theo giấy tờ tùy thân. Sở cũng kiến nghị Bộ có hướng dẫn về việc giải quyết hộ tịch, quốc tịch cho những trẻ em khi về VN cư trú chỉ có hộ chiếu nước ngoài. Ngoài ra, Sở cũng xin ý kiến hướng dẫn để giải quyết vấn đề hộ tịch, quốc tịch cho các trường hợp con lai trên 16 tuổi nhưng chưa đủ tuổi xin thôi quốc tịch theo quy định của nước sở tại hiện đang cư trú tại tỉnh, được hưởng đầy đủ quyền lợi như công dân VN. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến của Bộ. Bà Phạm Thị Thanh Tân, Phó phòng Tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Long TP Cần Thơ cũng cần hướng dẫn Hầu hết các trường hợp trẻ em chưa được đăng ký khai sinh là con của công dân VN với công dân TQ. Theo hướng dẫn tại Công văn số 460 ngày 17-4-2018 của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp (về việc kiểm tra, rà soát và đăng ký hộ tịch cho trẻ em có yếu tố nước ngoài) thì về cơ bản đã giải quyết được đăng ký khai sinh cho nhóm trẻ này. Tuy nhiên, trường hợp trẻ em sinh tại TQ thì trong giấy khai sinh phải để trống quốc tịch. Do đó, Sở Tư pháp TP Cần Thơ kiến nghị Bộ Tư pháp nên có hướng dẫn riêng để nhóm trẻ em này được lập hồ sơ xin nhập quốc tịch VN, đảm bảo quyền lợi cho trẻ. Bà Phan Quỳnh Dao, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Cần Thơ |