NHÂN KỶ NIỆM NGÀY THỂ THAO VIỆT NAM 27-3

Khi giáo dục thể chất ‘thiếu đất’

Ở cái tuổi ngoài “thất thập cổ lại hy” nhưng nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Bửu trông còn rất khỏe, với hai bàn tay rắn chắc và trí óc minh mẫn. Trên 80 nhưng chiều nào cũng đến sân quần vợt, không đánh vài set thì ra bờ kênh ở Thị Nghè chạy bộ.

Từng là người đấu tranh, xin đất cho các công trình thể thao làm nơi tập luyện như Nhà thi đấu Phan Đình Phùng hay cụm sân Phú Thọ… và chú trọng đến sức khỏe cộng đồng, vì thế ông Lê Bửu thời làm giám đốc Sở TDTT TP.HCM hay làm tổng cục trưởng Tổng cục TDTT rất quyết liệt với những khuôn viên và đất cho thể thao. Ông đấu tới cùng những khu thể thao cho thuê mặt bằng làm quán nhậu hay phục vụ những mục đích chống lại thể thao như bia bọt… Thế nhưng sau khi ông về hưu, mọi thứ lại chạy theo chiều hướng mặt bằng thể thao bị thu hẹp một cách đáng kể bởi những “dự án” kinh tế hay nhà thi đấu bị xem là “đất vàng” rồi bị “mua”, bị đổi chác…

Nói về ngày Thể thao Việt Nam, ông Lê Bửu kể: “Tôi vẫn hay đi dạo xem các ngôi trường tiểu học, trung học ngày nay. Có khi đứng trước một ngôi trường, tôi nhìn vào hồi lâu mà trong lòng suy nghĩ trường học thế này làm sao các em vận động. Tôi đã từng chứng kiến nhiều ngôi trường như cái nhà ống, khi ra chơi các em học sinh lại phải buộc ngồi một chỗ, thay vì được chạy nhảy, vui chơi vận động… Nhìn nhiều trường chật và không có sân chơi thật là đau lòng. Tôi cũng từng đi biết bao nước trên thế giới nhưng chưa thấy ở đâu các em học sinh phải chào cờ đầu tuần mà phải đứng trên lầu như một số trường ở ta cả… Thế thì đừng mong các em có sân chơi để vận động…”.

Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Bửu ưu tư vì giáo dục thể chất ngày càng bị thu hẹp. Ảnh: XUÂN HUY

Những sân chơi cho trẻ em học đường và cho giáo dục thể chất như thế này giờ là “hàng hiếm”. Ảnh: XUÂN HUY

Ông Lê Bửu tiếp tục chia sẻ: “Ngày nay nhiều bậc phụ huynh lo làm, lo kiếm tiền và nhiều trường cũng chạy theo doanh thu mà thu hẹp mặt bằng khiến việc giáo dục con em mình về thể dục, trí dục và đức dục bị xem nhẹ. Có những em suốt ngày ở trong nhà xem tivi, tiếp xúc cả ngày với các thiết bị điện thoại thông minh, iPad, máy tính… còn ra đường thì cắm đầu học chính khóa lẫn học thêm. Trẻ không được vận động thì béo phì, yếu thể lực, bệnh tật ngày càng tăng. Bệnh viện thì xây nhiều nhưng sân chơi cho người tập luyện thể thao, cho giáo dục thể chất thì ngày càng bị bóp hẹp lại. Tại sao không ai nghĩ có thêm một sân chơi sẽ giảm đi rất nhiều số người vào bệnh viện? Tôi cũng thấy lo khi đến các TP lớn bây giờ thấy thanh, thiếu niên lao vào bia rượu hay hút thuốc chứ không thấy cảnh tấp nập đi luyện tập trau dồi thể lực, sức khỏe như trước đây. Đó là một hiện tượng đáng lo ngại mà ngành thể thao phải có trách nhiệm trong việc tư vấn hay đưa ra những đề án để Chính phủ quan tâm và thực hiện. Dân có cường thì nước mới thịnh…”.

Nói về nguy hiểm của TP đông dân nhất mà ông từng làm giám đốc Sở TDTT, ông Lê Bửu cảnh báo: “Nguy hiểm thay, chúng ta hiện nay đang tìm mọi cách kiếm tiền bằng mọi giá, trong đó có việc lấy đất của thể thao để bán, để xây nhà cao tầng mà không hề quan tâm đến sức khỏe cộng đồng. Rồi một khi sức khỏe của người dân giảm xuống, thể lực của người dân, của thế hệ thanh, thiếu niên ngày một yếu đi thì đó là sự nguy hiểm của một TP lớn nói riêng và quốc gia nói chung. Tập luyện luôn giúp con người đẩy xa được những tệ nạn. Vấn đề này ai cũng thấy nhưng dường như họ không trăn trở vì sức khỏe cộng đồng, vì sự tồn vong của một dân tộc…”.

Hằng năm cứ vào ngày Thể thao Việt Nam, ngồi trò chuyện với nguyên Tổng Cục trưởng Lê Bửu, ông lại quay lại với điệp khúc mà ông mong sẽ được cải thiện. Nhưng dường như điều đơn giản thời ông làm tổng cục trưởng Tổng cục TDTT giờ lại là giấc mơ xa xỉ.

Ngày Thể thao Việt Nam ngoài việc tôn vinh và nhận những danh hiệu hoặc vui với thành tích đỉnh cao, có ai đó nghĩ về sức khỏe cộng đồng đang bị xuống cấp vì “mất đất” hay không?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm