Tuy nhiên, thực tế trong điều kiện trường lớp chật hẹp như hiện nay, việc dạy môn thể dục khiến các trường gặp rất nhiều khó khăn. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS.TS Huỳnh Trọng Khải (ảnh), hiệu trưởng trường ĐH Sư Phạm Thể dục thể thao TPHCM thẳng thắn: Nội dung hàn lâm, trường lớp chật hẹp khiến chất lượng dạy và học môn thể dục tại TPHCM kém hiệu quả, ảnh hưởng không ít đến nhu cầu vận động của HS.
Sân bãi chật, thiếu phương pháp
+ PV:Thực trạng dạy và học môn thể dục trong trường phổ thông trên địa bàn TPHCM hiện chưa thực sự lôi kéo HS tham gia, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
. PGS.TS Huỳnh Trọng Khải: Nếu khảo sát toàn xã hội, ai cũng thích thể thao, chiếm 70-80% và HS cũng vậy nhưng khi học thì tỉ lệ đó không cao. Vì sao, vì chúng ta thực hiện cứng nhắc, nặng lý thuyết, học quá nhiều kỹ thuật khó, thời lượng học lại ngắn, phương pháp giảng dạy không lôi cuốn. Mục tiêu thể dục như thế là tham.
Hơn nữa, cơ sở vật chất là nền tảng cơ bản để đưa thể dục vào trường học nhưng đây lại là khó khăn chung của nhiều trường học tại TPHCM. Trường lớp chật hẹp, khuôn viên không có, trong khi học thể dục là phải vận động nhiều và la hét khiến môn thể dục gây ồn ào, phiền toái cho các môn học khác. Những điều này làm chất lượng dạy môn thể dục kém hiệu quả, ảnh hưởng không ít đến nhu cầu thể thao của HS.
+ Nói như vậy, phải chăng môn thể dục chưa được quan tâm và nhận thức đúng mức về tầm quan trọng của nó trong trường học?
. Chúng ta có quan tâm nhưng thiếu hiệu quả. Riêng nhận thức về vai trò của môn thể dục chưa cao là thực tế rất đúng. Không chỉ ở phụ huynh HS, mà còn có một phần không nhỏ trong những người làm công tác giáo dục. Người ta nghĩ tổ chức học thể dục chỉ vì bị bắt buộc, đa số HS cũng thích thể thao nhưng khi học cũng rơi vào suy nghĩ “bị học”. Cao hơn nữa là bản thân các em chưa hiểu và ý thức được tầm quan trọng của việc tăng cường vận động để giữ gìn và nâng cao sức khỏe. Đó là cái sai rất nghiêm trọng và thành như “truyền thống” nên chúng ta cũng rất cần có những chương trình tuyên truyền mạnh để mọi người thay đổi.
Cần hệ thống bài tập phù hợp
+ Như ông đã thấy, khó khăn về cơ sở vật chất đã trở thành nan giải chung của các trường học ở TPHCM, khó thay đổi trong thời gian ngắn. Theo ông, chúng ta có giải pháp khắc phục nào khác không?
. Thực ra, với TP bây giờ chỉ là giải pháp “chữa cháy” thôi. Phương án lâu dài vẫn là phải tìm cách đầu tư bằng nhiều hình thức để HS được học trong điều kiện tốt nhất.
Cái mà chúng ta có thể làm được là nội dung chương trình và phương pháp. Cần xây dựng hệ thống các bài tập phù hợp với điều kiện hạn hẹp đó. Ví dụ thay vì HS phải chạy quanh sân, chạy đường thẳng để phát triển sức bền thì với lớp học 40-50m2 thì HS cũng phải tập được bằng cách biến cách chạy này bằng một bài tập khác như nhảy dây, bật tại chỗ theo nền nhạc với một thời lượng nhất định, nó cũng giúp mình toát mồ hôi, giúp cơ thể diễn ra trao đổi chất, tim mạch và hô hấp cũng khỏe hơn chứ không nhất thiết phải ra sân vận động, công viên… Như bản thân tôi là dân thể thao nhưng cũng không cần thiết phải ra công viên mới tập thể dục được, ngay trong căn phòng nhỏ chúng tôi ở, tôi cũng tập được bài tập giúp cơ thể khỏe mạnh.
Vì sân trường hạn hẹp, HS trường tiểu học Trần Hưng Đạo, Quận 1 phải tập thể dục giữa giờ trước hành lang. Ảnh: Phạm Anh
+ Được biết, ông cũng đã có những góp ý đổi mới dạy môn thể dục, ấp ủ thực hiện đề tài làm sao trong điều kiện chật hẹp mà HS vẫn được luyện tập thể dục, vận động?
. Đúng là tôi đang ấp ủ thực hiện đề tài này. Tôi cũng đã có tham luận góp ý xây dựng chương trình cho Bộ GD&ĐT sau năm 2015 là phải thay đổi mạnh môn Thể dục ở trường phổ thông thành một hoạt động thực sự chứ không phải học một cách hàn lâm nữa. Vì như hiện nay, HS học 70 tiết thể dục/năm, nghĩa là hai tiết/tuần. Theo quy luật, 2 tiết/tuần không thể đủ để các em củng cố các vận động đã học. Bộ phải giảm mạnh lý thuyết và kỹ thuật phức tạp, tăng tính tự học, sáng tạo và rèn luyện cho HS.
Bộ cần đưa vào đó những bài tập sinh động, HS dễ tập nhưng vẫn có tác dụng nâng cao thể lực. Ở các nước, họ tranh thủ yêu cầu HS mỗi tuần phải dành 1-2 giờ đi tập thể dục ở đâu đó và họ có cách để kiểm tra HS có làm theo hay không. Vì vậy, Tôi rất kỳ vọng Bộ sẽ nhìn nhận và có những thay đổi tích cực nội dung này.
Xin cảm ơn ông!
Chen chân tập thể dục ở hành lang 8 giờ 45, sân trường tiểu học Trần Hưng Đạo, quận 1 như ong vỡ tổ. Chỉ trong chốc lát, hàng ngàn HS ùa ra khiến mọi khoảng trống trên sân trường kín HS chạy nhảy. Khi có thông báo, tất cả HS dưới sân xếp hàng ngay ngắn chuẩn bị tập thể dục theo nền nhạc. HS học ở trên lầu nhanh chóng xếp hàng dọc hành lang hoặc đứng trong lớp học để tập. Đó là giải pháp duy nhất của trường này để HS được vận động giữa giờ. Không ít phụ huynh có con học tại một trường tiểu học trên đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình cũng ngao ngán vì con học cả ngày trong ngôi trường hình hộp, không sân chơi, chỉ có hai lầu dành cho lớp học. Tầng trệt vừa là bãi gửi xe vừa là chỗ ăn bán trú nhỏ hẹp. Nơi đây cũng là nơi học thể dục cho HS vừa chật, nền trơn vừa không thoáng khí. Buổi trưa là giờ duy nhất HS được xuống phía dưới nhưng cũng chỉ để ngồi ăn rồi vào lớp, muốn ra ngoài cổng trường chơi cũng không được vì đó là đường đi nên nhiều xe cộ qua lại. ----------------------------------- Trong một khảo sát nhỏ về vấn đề giảng dạy các môn thể thao tự chọn trong trường THPT ở quận Gò Vấp của giảng viên Lê Thị Hồng Hà, khoa Giáo dục thể chất của trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho thấy hầu hết các trường học thiếu cơ sở vật chất trầm trọng, nhiều trường hầu như không có sân bãi, dụng cụ luyện tập nên phải chọn học các môn như cờ Vua (hơn 80% trường thực hiện), đá cầu (85% trường) để giảng dạy. Ngoài ra, đội ngũ giáo viên non yếu về chuyên môn, chưa xác định được mục đích và phương pháp dạy cho HS, hướng dẫn thực hiện giảng dạy các môn thể thao tự chọn chưa cụ thể |