Khi lái xe, ngồi thế nào cho đúng, cho oai?

Lên xe chứ không chui vào xe

Trước tiên nên luyện cách vào xe thế nào cho đẹp, tránh trường hợp chân nọ tranh chân kia, lên xe mà như chui vào xe làm mất cái oai, cái sang của người lái.

Mở cửa xe bằng tay trái, lên xe từ tốn, không để vấp chân vào bậc cửa, làm sao để thể hiện được nét “sang” trong thao tác đó. Xuống xe cũng thế, có người xuống xe mà bị hụt chân làm người xiêu vẹo trông thật thảm thương.
Lên xe là đóng cửa và ấn chốt an toàn ngay. 

Chỉnh ghế

Việc đầu tiên là chỉnh độ xa của ghế. Đối với xe số sàn thì phải chỉnh tầm ghế để làm sao cho khi đạp côn hết tầm thì chân vẫn còn chùng một tí, nếu chùng nhiều thì sẽ bị ngồi quá gần vô lăng, nếu để ghế ngồi quá xa có thể đạp côn không hết hành trình làm.

Tiếp tới chỉnh độ nghiêng tựa lưng của ghế, cố gắng chỉnh sao cho khi ta sát lưng vào ghế và duỗi thẳng tay trái, đặt thẳng bàn tay lên đỉnh vô lăng thì cườm tay vừa chạm đỉnh vô lăng. Với cách chỉnh ghế và tư thế ngồi như vậy sẽ giúp người lái vừa cắt côn đúng kỹ thuật, vừa ngồi thoải mái, tay quay vô lăng cũng nhẹ nhàng đủ lực, đủ vòng.

Các bạn mới lái xe thường do chưa quen, căng thẳng nên hay ngồi sát vô lăng. Ngồi như thế trông thật gò bó, mới nhìn là biết ngay là mới học lái xe. Có người ngồi thẳng đơ lưng, lại có người ngồi như ngả ra trên lưng ghế. Cả hai cách ngồi đó đều không đẹp và không thuận lợi khi lái khẩn cấp. Chỉ nên chỉnh ghế để tựa lưng nghiêng vừa phải. Cách ngồi đẹp và đúng giúp lái xe thao tác tốt, lái được đường dài mà không mệt, người khác trông cũng thấy đẹp, khách ngồi trên xe cảm thấy yên tâm mà tấm tắc khen trong lòng.

Những xe có thể chỉnh được ghế theo nhiều hướng, hoặc vô lăng cũng có thể gật gù, thò thụt thì càng giúp lái xe dễ tìm cho mình vị trí lái đẹp nhất và thao tác thoải mái nhất rồi lưu lại vị trí ngồi vào bộ nhớ ưu tiên.

Đối với xe AT thì người lái không còn phải bận tâm đến chân côn, chỉ việc để chân trái lên bàn nghỉ. Cách chỉnh ghế cũng như vô lăng như nói ở trên.


Thế tay trên vô lăng

Tay trái cầm ở vị trí số 10, ngón tay cái duỗi thẳng trên mặt dọc theo vành vô lăng, các ngón khác khom lại theo vành của vô lăng. Tay phải đặt ở vị trí số 3, ngón tay cái cũng duỗi thẳng trên mặt của vành vô lăng, các ngón tay khác khom lại theo vành vô lăng. Do cách cầm vô lăng như vậy nên khi cần xoa tay trên vô lăng thì ngón tay cái không bị vướng vào nan hoa của vành vô lăng.

Tư thế cầm vô lăng 10+3 là tư thế lái cơ bản. Khi lái một tay trái thì tay trái vẫn cầm ở vị trí số 10. Khi lái một tay bằng tay phải thì tay phải đặt ở vị trí số 2, cách phân bổ ngón tay vẫn giống khi cầm tay trái ở vị trí số 3.

Một số người có thói quen khi lái xe là cầm vô lăng ở số 6, 7, 5… Ở những vị trí này người lái không thể nào quay vô lăng nhẹ nhàng và linh hoạt được. Bình thường thì không sao, nhưng khi gặp phải tình huống khẩn cấp thì sẽ biết nhau ngay.

Lại có người lái một tay mà lại đặt bàn tay duy nhất trên vô lăng ở vị trí số 6 – thật là điếc không sợ súng, chẳng có kỹ thuật nào, chẳng có bài vở nào, chẳng có thầy dạy lái nào khuyến cáo lái xe như thế cả.

Về cơ bản là phải lái bằng hai tay, đặc biệt khi lái xe trên đường miền núi. Lái một tay chỉ nên khi đường thoáng, tầm nhìn xa, ít có thể xuất hiện tình huống khẩn cấp - lúc đó ta có thể thư giãn chút bằng việc lái một tay. Tuy là lái một tay nhưng tay vẫn nên đặt ở vị trí cơ bản là số 10 hoặc số 2 (khi lái một tay bằng tay phải).

Khi cần lái sang trái thì tay phải vuốt sang bên trái, tay trái kéo xuống. Khi cần lái xe sang bên phải thì tay trái vuốt sang bên phải, tay phải kéo xuống. Khi cần lái có góc lớn thì bắt chéo tay để lái. Nhịp nhàng chuyển tay phía dưới đưa lên đỉnh vô lăng. Lúc trả vô lăng để lấy lại hướng lái thì làm ngược lại.

Kỹ thuật bắt chéo tay lái không nên lạm dụng nhiều, chỉ dùng khi chuyển hướng lái gấp, vòng quay hẹp. Không thực sự cần thiết thì không bắt chéo tay để lái, vì trong nhiều trường hợp khi bắt chéo tay để lái thì tay nọ có thể khóa tay kia, cả hai tay bị sử dụng mà thiếu đi một tay dự phòng khi cần thắng tay bổ trợ. Góc cua gấp, bán kính nhỏ thì mới phải dùng kỹ thuật bắt chéo tay.

Một số bạn có thói quen thả tay lái để vô lăng tự quay trả lại. Đây là việc làm không đúng kỹ thuật. Không phải lúc nào vô lăng cũng tự quay trả như ý ta muốn, đặc biệt nếu xe vận hành trên đường chất lượng kém, đường có đá dăm, đường cấp phối, đặc biệt là đường miền núi, cua gấp.

Quay vô lăng như thế nào là đủ là đúng lúc để có thể chuyển hướng xe theo ý muốn - đây chính là cảm giác lái. Muốn có được cảm giác lái thì người lái xe phải luyện, chỉ có luyện mới có được sự tinh tế này. Ở đây cũng thể hiện sự khéo léo của người lái xe. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm