Thời hạn chuyển đổi qua GPLX bằng nhựa
Thông tư 58/2015/TT-BGTVT do Bộ GTVT ban hành, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016 đã quy định về việc đổi GPLX cũ sang thẻ nhựa mà không cần phân biệt thời gian cấp.
Theo đó, GPLX bằng giấy bìa phải được chuyển đổi sang GPLX mới bằng vật liệu PET theo lộ trình sau:
- Đối với các loại GPLX ô tô có thời hạn (A4, B1, B2, C, D, E và các hạng F) thì thời hạn cuối cùng là ngày 31-12-2016.
- Đối với các loại GPLX xe máy không thời hạn A1, A2, A3 thì thời hạn cuối cùng là ngày 31-12-2020.
Sau sáu tháng theo lộ trình chuyển đổi trên, người có GPLX bằng giấy bìa phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại GPLX PET.
(Để tránh bị dồn ứ trong những ngày cuối hết hạn, bạn nên đi làm thủ tục chuyển đổi GPLX ngay khi có thời gian, tránh để dồn ứ đến nhưng ngày cuối gây ách tắc, mệt mỏi vì phải chờ đợi lâu).
Người có GPLX còn thời hạn hoặc quá thời hạn sử dụng dưới ba tháng kể từ ngày hết hạn, người có GPLX bị hỏng, nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng được xét đổi GPLX.
Người có GPLX hạng E đủ 55 tuổi đối với nam và 50 tuổi đối với nữ, có nhu cầu tiếp tục lái xe, nếu đủ sức khỏe theo quy định, được xét đổi GPLX từ hạng D trở xuống.
Trường hợp năm sinh, họ, tên, tên đệm ghi trên GPLX có sai lệch với CMND thì cơ quan quản lý GPLX làm thủ tục đổi GPLX mới phù hợp với thông tin ghi trong CMND.
Bằng lái xe theo mẫu mới.
Người lái xe lập một bộ hồ sơ gửi trực tiếp tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở GTVT. Hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị đổi, cấp lại GPLX theo mẫu.
- Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định, trừ các đối tượng sau: Người có GPLX hạng A1, A2, A3;
Người chuyển đổi GPLX hạng A4, GPLX ô tô còn thời hạn sử dụng trên ba tháng bằng giấy bìa sang GPLX bằng vật liệu PET;
Trường hợp tách GPLX có thời hạn và không thời hạn.
- Bản sao GPLX cũ.
- 2 ảnh thẻ 3x4 mẫu quốc tế màu nền xanh dương đậm.
- Bản sao CMND hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số CMND (đối với người Việt Nam) hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng (đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài).
Khi đến đổi GPLX, người lái xe được cơ quan cấp GPLX chụp ảnh.
Lệ phí đổi sang GPLX bằng vật liệu PET là: 135.000 đồng/lần.
GPLX gộp chung xe ô tô và xe máy, xử lý sao?
Nhiều bạn đọc thắc mắc trong trường hợp người có bằng lái gộp chung của xe máy và xe ô tô, khi vi phạm luật của xe bốn bánh bị tịch thu bằng lái thì việc đi xe hai bánh phải làm sao?
Theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính thì biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất hai bản và phải giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính một bản. Do đó, khi bị lập biên bản về lỗi vi phạm của một loại xe và bị tịch thu bằng lái, người vi phạm nên yêu cầu CSGT ghi rõ lỗi vi phạm khi điều khiển xe gì, bằng lái được tích hợp cả ô tô và xe máy…
Do đó, khi bị giữ bằng lái xe gộp chung này thì vẫn có thể cầm biên bản xử phạt để sử dụng điều khiển phương tiện còn lại bình thường.
Bằng lái xe PET gộp cả ô tô và xe máy.
Theo đó, Thông tư 58 đã quy định: Mỗi người được cấp một GPLX bằng vật liệu PET không thời hạn (hạng A1, A2, A3) và một GPLX bằng vật liệu PET có thời hạn (hạng A4, B1, B2, C, D, E và F).
Người đã có GPLX tích hợp của GPLX có thời hạn và không thời hạn, nếu có nhu cầu tách GPLX thì làm thủ tục tách GPLX theo quy định chung.
Địa điểm nhận hồ sơ đổi GPLX
Sở GTVT TP.HCM thông báo các địa điểm người dân có nhu cầu làm thủ tục cấp, đổi GPLX tại TP.HCM như sau:
- Cơ sở 1: 51/2 Thành Thái, phường 14, quận 10.
- Cơ sở 2: 08 Nguyễn Ảnh Thủ, phường Trung Mỹ Tây, quận 12.
- Cơ sở 3: 256 Dương Đình Hội, phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9.
- Cơ sở 4: 111 Tân Sơn Nhì, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú.
- Cơ sở 5: 252 Lý Chính Thắng, phường 9, quận 3 (chỉ tiếp nhận hồ sơ đổi GPLX nước ngoài và hồ sơ đổi GPLX quốc tế đăng ký qua Tổng đài 08. 1081).
- Cơ sở 6: 937 Tạ Quang Bửu, phường 5, quận 8 (chỉ tiếp nhận hồ sơ đổi GPLX đăng ký qua Tổng đài 08. 1081).
Lưu ý: Cơ sở 5 và 6 không nhận hồ sơ cấp đổi GPLX vật liệu PET bằng cách nộp hồ sơ trực tiếp.
Địa điểm làm thủ tục cấp, đổi GPLX tại Hà Nội:
- Tổng cục Đường bộ Việt Nam: D20 Tôn Thất Thuyết, khu đô thị Cầu Giấy, quận Cầu Giấy.
- Sở GTVT TP Hà Nội: 2 Phùng Hưng, quận Hà Đông.
- Phòng Quản lý phương tiện giao thông - Sở GTVT TP Hà Nội: 16 Cao Bá Quát, quận Ba Đình.
- Đội Thanh tra giao thông Long Biên: Đường Vạn Hạnh, quận Long Biên (trong khu đô thị mới Việt Hưng).
Khi đến một trong các địa chỉ cấp đổi trên cần lưu ý thực hiện lần lượt các bước sau: - Đến bàn hướng dẫn để xin đơn, điền đơn theo hướng dẫn. Kẹp toàn bộ hồ sơ gọn vào. - Đến bàn lấy số thứ tự và ngồi chờ. - Khi đến số thứ tự thì đến phòng xử lý hồ sơ, nộp toàn bộ hồ sơ tại đó. Sau đó sẽ được hướng dẫn để chụp ảnh làm bằng lái. - Sau khi chụp ảnh xong thì nhận giấy hẹn ngày trả bằng. - Đến hẹn, nộp giấy hẹn vào phòng trả kết quả, mang theo bằng lái cũ để cắt góc và nhận bằng lái mới vật liệu PET. |