Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Tuyên bố này được đưa ra sau khi đại dịch COVID-19 đã lan rộng đến hầu hết quốc gia trên thế giới và khiến hơn 6,9 triệu người tử vong.
Tuy nhiên, người đứng đầu WHO cũng cảnh báo tuyên bố trên không đồng nghĩa COVID-19 không còn là mối đe dọa với sức khỏe toàn cầu.
Những ngày gần đây, dịch bệnh có sự gia tăng ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Mỗi ngày Việt Nam ghi nhận khoảng 2.000 ca bệnh COVID-19, trong đó có ca nhập viện, có bệnh nhân tử vong. Vì vậy, Việt Nam cần ứng phó với tình hình dịch bệnh COVID-19 ra sao?
PGS-TS Đỗ Văn Dũng. Ảnh: Thảo Phương |
PLOđã có cuộc trao đổi ngắn với PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM.
. PV: Với tình hình mới hiện nay, người mắc COVID-19 có cần phải cách ly không, thưa PGS?
. PGS - TS Đỗ Văn Dũng: Theo các nguyên tắc về dịch tễ và vệ sinh thì khi mắc bệnh truyền nhiễm, người bệnh nên cách ly với những người khác. Đặc biệt là COVID-19, điều này trong quy định của Việt Nam đã có yêu cầu.
Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay và nhiều quốc gia khác COVID-19 không còn là bệnh quá nguy hiểm vì nhiều người đã được tiêm chủng, việc lây lan sẽ giảm đi. Do đó ca chuyển nặng và tử vong cũng giảm đi rất nhiều.
Vì thế, theo tôi, về mặt y tế, COVID-19 cũng giống như cảm cúm, cúm mùa. Khi mình mắc bệnh, tốt nhất là cách ly với người khác.
Nhưng chúng ta cũng hiểu, thông cảm vì hoàn cảnh mà nhiều người không cách ly được. Những người đó khi tiếp xúc ở ngoài thì nên đeo khẩu trang để tránh lây lan cho người khác và hãy có trách nhiệm với cộng đồng, cũng như giảm nguy cơ bội nhiễm bởi những vi khuẩn khác.
. Chúng ta nên hiểu việc cách ly này như thế nào, thưa giáo sư? Vì thực tế hiện nay rất nhiều người mắc COVID-19 đang tự cách ly mình rất gắt gao, thậm chí có người đưa người bệnh vào bệnh viện và hoàn toàn để bệnh viện tự chăm sóc bệnh nhân vì họ sợ mắc COVID-19?
Cách ly có nghĩa là mình đừng có lây lan cho người khác, cũng giống như mắc các bệnh truyền nhiễm khác. Thí dụ mình bị bệnh tay chân miệng, thủy đậu thì cũng đừng để lây lan cho người khác mặc dù bệnh đó cũng không quá nguy hiểm.
COVID-19 bây giờ cũng tương tự như các bệnh thủy đậu, cảm, cúm mùa, chúng ta không nên quá sợ hãi quá.
Xét về mặt nào đó thì hiện nay, COVID-19 theo mặt y tế đơn thuần sẽ không nguy hiểm hơn bệnh cúm, vì vậy cũng nên đối xử với chúng như bệnh cúm.
. Như vậy, khi nào người mắc CVID-19 mới cần nhập viện điều trị, thưa PGS?
+ Từ trước đến nay, với bệnh nhân mắc COVID-19 đã có hướng dẫn thì bệnh nhân mắc bệnh nhẹ hoặc trung bình không nên vào cơ sở y tế. Chỉ phải vào cơ sở y tế khi mắc bệnh nặng, tức là, khi có nhu cầu hỗ trợ Oxy, ví dụ như SPO2 dưới 94%, hoặc khó thở, thở Oxy qua mặt nạ.
Ngoài ra, những người chưa được tiêm chủng, người lớn tuổi mắc bệnh nền nên vào bệnh viện theo dõi chặt chẽ hơn. Hiện đa số người dân đã tiêm chung đầy đủ, những người lớn tuổi có tiêm chủng thì không nhất thiết phải vào bệnh viện.
. Mới đây, tổ chức y tế thế giới đã tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng y tế toàn cầu, đã đến lúc Việt Nam công bố hết dịch chưa, thưa PGS?
+ Theo đánh giá y tế như tôi vừa nói, COVID-19 không còn là vấn đề y tế lớn của Việt Nam vì đa số người dân đã được tiêm chủng. Đa số người dân cũng có ý thức, có biện pháp phòng ngừa nên mức độ lây lan của COVID-19 không cao, vì vậy ta có thể hoàn toàn xem đó như bệnh thông thường.
Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang ở thời điểm tương đối nhạy cảm, tức là đang có làn sóng nhỏ COVID-19 gia tăng. Nếu công bố bây giờ sẽ không phù hợp lắm.
Theo ý kiến chuyên môn của tôi, trong 2-3 tuần tới, khi mà số người nhiễm COVID-19 từng ngày có chiều hướng giảm xuống, chúng ta có thể công bố bệnh COVID-19 như bệnh thông thường.
Lồng ghép tiêm vaccine COVID-19 vào tiêm chủng mở rộng: Phù hợp!
Đưa vaccine COVID-19 trở thành việc tiêm chủng thường xuyên là phù hợp, bởi ta không xem COVID-19 như bệnh truyền nhiễm nhóm A nữa thì cũng cần có biện pháp bảo vệ người dân.
Tuy không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A thì nó vẫn là bệnh truyền nhiễm tương tự như các bệnh truyền nhiễm khác, cần có biện pháp phòng ngừa. Ví dụ bây giờ người dân vẫn được tạo điều kiện để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm như bệnh lao, thủy đậu, sởi, cúm… thì cũng tạo điều kiện cho người dân tiếp cận phòng ngừa thông qua chương trình tiêm chủng mở rộng.