Khi Thủ tướng thừa nhận có “nhóm lợi ích”

Theo Thủ tướng, thể chế kinh tế thị trường sẽ hình thành cấu trúc đa sở hữu và từ đó dẫn đến sự hình thành các “nhóm lợi ích”. Người đứng đầu khối hành pháp xác nhận trong bài viết của mình: “Về khách quan, các “nhóm lợi ích” này có thể tác động đến quá trình ra quyết định”.

Có lẽ sau khi Hội nghị Trung ương 3 kết thúc, đây là lần thứ hai cụm từ “nhóm lợi ích” được nhắc tới bởi cấp cao nhất, dù thực tế người dân, các chuyên gia hay các tổ chức xã hội đã cảm nhận thấy “nó” một cách rõ ràng, không chỉ trong từng đề án (sử dụng tài nguyên hay ưu đãi chính sách) cụ thể, mà ở cả những quyết định quan trọng. Đặc biệt, khi nguồn lực và các tài nguyên (như nhân công giá rẻ, đất đai, khoáng sản, thương quyền kinh doanh…) ngày càng trở nên hạn hẹp, các “nhóm lợi ích” gần như công khai tác động vào các khâu (ảnh hưởng và ra quyết định) nhằm thu lợi cho mình. Ngay tại Quốc hội, nhiều đại biểu của dân đã thẳng thắn nêu tên các đề án cụ thể và cũng không phải ngẫu nhiên mà Quốc hội đã thẳng thừng bác một số đề án rất lớn được đệ trình từ các bộ, ngành…

Nhưng không phải đề án nào cũng đưa ra Quốc hội và được mổ xẻ công khai. Trong thực tế người ta có nhiều cách để “né” Quốc hội, “né” sự công khai bằng cách chia nhỏ dự án hoặc đội lốt “mục tiêu chính trị-xã hội”.

Vì thế, một khi Thủ tướng đã viết nên những dòng này: “…Thực hiện công khai minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình, tạo điều kiện cho người dân giám sát các quyết định của các cơ quan quản lý là biện pháp cơ bản để ngăn ngừa tham nhũng và sự tác động của các “nhóm lợi ích” vào quá trình ra quyết định, bảo đảm cho các quyết định theo chuẩn “giá trị chung”, vì lợi ích của đất nước”, thì đủ hiểu ông đã nắm rõ nguyên nhân và giải pháp để xử lý.

Đáng nói là trong các giải pháp được nhắc tới, không phải cơ quan nào, cấp nào cũng đồng thuận với Thủ tướng khi mà việc cố tình không công khai, không minh bạch vẫn xảy ra. Do đó, dư luận sẽ rất đồng thuận khi Thủ tướng nhấn mạnh “phải bảo đảm quyền của người dân trong tiếp cận thông tin và phản biện xã hội”, mà ông với tư cách đứng đầu Chính phủ cam kết “sẽ nghiên cứu hoàn thiện các quy định về công khai thông tin và quyền tiếp cận thông tin, đồng thời tăng cường đối thoại chính sách, các đề án phát triển giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với các chuyên gia độc lập và người dân, không chỉ ở công đoạn “hậu kiểm” như đang làm hiện nay mà quan trọng hơn là ở công đoạn “tiền kiểm”, trước khi các quyết định được ban hành”.

Nếu điều đó sớm được thực thi, dân sẽ chẳng ngại gì “nhóm lợi ích”.

VẠN BẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm