Khi viện thoái thác minh oan

Hành động này của viện đã để lại bài học về trách nhiệm bồi thường và công khai xin lỗi đối với các cơ quan tiến hành tố tụng khi làm oan người vô tội.

Tuy nhiên, không phải cơ quan tố tụng nào cũng dũng cảm, chân thành làm được như vậy. Bởi không ít trường hợp bị oan đã rõ nhưng vì cơ quan tố tụng sợ trách nhiệm nên đã tìm cách lách luật để trốn tránh việc bồi thường cho người bị oan. Hoặc nếu phải bồi thường cho người bị oan thì việc tổ chức xin lỗi lại làm qua quýt, chiếu lệ cho xong... 

trong tuần qua dư luận lại bức xúc với trường hợp của ông Nguyễn Trần (49 tuổi, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) bị truy tố oan rõ rành rành nhưng VKSND tỉnh Đồng Nai vẫn chưa xin lỗi, bồi thường. Ông Trần được đình chỉ điều tra với lý do “đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can phạm tội”. Theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trường hợp này phải được xin lỗi, bồi thường oan. Ấy thế nhưng suốt một thời gian dài, viện này vẫn không chịu giải quyết bồi thường oan cho ông, để ông phải gửi hàng trăm lá đơn tới các cơ quan chức năng kêu cứu.

Ông Nguyễn Trần đang mong mỏi được VKSND tỉnh Đồng Nai minh oan. Ảnh:  VŨ HỘI

Tuy không chính thức nhưng có cán bộ có trách nhiệm của VKSND tỉnh Đồng Nai cho rằng trường hợp của ông Trần không được bồi thường oan. Phải chăng vì ông Trần đã trót-nhận-tội-khi-bị-tạm-giam nên cho rằng trường hợp của ông không được bồi thường? Nếu quan niệm như vậy là rất sai lầm về áp dụng pháp luật. Bởi các vụ oan từ trước đến nay hầu hết bị can, bị cáo đều có lời khai nhận tội mà điển hình nhất là vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang (chỉ đến khi ra tòa ông mới kêu oan, cho rằng việc nhận tội là do bị nhục hình). Đến nay thì ông Chấn đã chính thức được TAND Tối cao xin lỗi và bồi thường oan hơn 7 tỉ đồng.

Vì sao khi bị tạm giam, người bị oan buộc phải nhận tội? Điều quan trọng là phải xem xét, đánh giá vì sao bị can, bị cáo không có tội lại phải nhận tội. Hơn ai hết, chính những người tiến hành tố tụng hiểu rất rõ điều này.

Phải chăng do pháp luật thiếu quy định chế tài cơ quan làm oan và người đứng đầu của cơ quan đó trì hoãn, thoái thác trách nhiệm bồi thường nên người dân mới phải ngóng cổ mòn mỏi đợi chờ đến vậy?

việc làm oan một người không chỉ đưa đến hậu quả kinh khủng đối với bản thân họ mà còn cho cả vợ con và người thân của họ nữa. Trường hợp của ông Trần lại còn rất thương tâm, bởi sau khi ông Trần bị bắt, vợ bị chết, đứa con trai duy nhất mới 10 tuổi do không người chăm sóc phải đi xin ăn; hiện nay ông Trần đang bệnh.

Thiết nghĩ VKSND Tối cao, TAND Tối cao và cả Bộ Công an đã yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng ở tỉnh Đồng Nai bồi thường oan cho ông Trần thì không có lý do gì VKSND tỉnh này lại kéo dài vụ việc, gây đau khổ thêm cho người bị oan.

ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới