‘Khiếu nại kéo dài, dân rầy là đúng!’

“Chúng tôi cũng tiếp nhận rất nhiều đơn thư khiếu nại của người dân và cũng rất nhiều cơ quan, ban ngành và lãnh đạo TP vào cuộc để giải quyết các vụ khiếu nại nhưng đến nay vẫn chưa xong. Mười mấy, hai mươi năm là quá dài, dân rầy là đúng!” - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói như thế tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM về việc giải quyết bốn vụ khiếu nại kéo dài tại TP.HCM ngày 25-12.

Khiếu nại kéo dài vì hai chữ “toàn khu”

Bốn vụ khiếu nại kéo dài của người dân được đưa ra bàn luận liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư tại dự án 1bis-1 kép Nguyễn Đình Chiểu; dự án khu tứ giác Bến Thành (quận 1); các khiếu nại của một số hộ dân quận 3. Theo ông Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM, đây là những vụ việc kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ nhưng vẫn chưa giải quyết xong.

Đáng chú ý là vụ khiếu nại kéo dài nhiều năm nay tại dự án 1 bis - 1 kép Nguyễn Đình Chiểu liên quan đến giá bồi thường giải phóng mặt bằng. TP đã bốn lần thay đổi chính sách bồi thường và số tiền bồi thường cũng tăng lên theo từng giai đoạn. Cụ thể là từ 7 triệu đồng/m2 năm 1997 lên 9 triệu đồng/m2 năm 2001 rồi 12 triệu đồng năm 2004 và 24 triệu đồng năm 2005. Đến năm 2005, đã có 148 hộ nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng, tuy nhiên còn 71 hộ không đồng tình.

Để giải quyết dứt điểm việc di dời 71 hộ này, năm 2007 UBND quận 1 có công văn kiến nghị TP điều chỉnh chính sách bồi thường, trong đó mức bồi thường tăng lên 48 triệu đồng/m2 và được TP chấp thuận. Tuy nhiên, khi 71 hộ này đồng ý di dời thì các hộ trước đó quay lại yêu cầu được chi trả bổ sung theo đơn giá này.

“Điểm nghẽn” của vụ việc này xuất phát từ văn bản kiến nghị của quận 1 nêu trên. Thay vì quận 1 đề xuất 48 triệu đồng chỉ áp dụng cho 71 hộ thì nội dung văn bản lại ghi “cho toàn khu”, dẫn đến các hộ dân đã di dời trước đó quay lại yêu cầu “hồi tố”.

Quá trình giải quyết khiếu nại của người dân, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân (nay vừa nghỉ hưu) đã nghiêm khắc phê bình sai sót này của quận 1. Đồng thời yêu cầu quận 1 phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành tổ chức công khai xin lỗi dân vào 31-12-2015.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đang trao đổi với đại diện một số cơ quan liên quan để tháo gỡ các điểm kẹt trong các vụ khiếu nại, tố cáo kéo dài tại TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG 

Phải thuyết phục được dân chứ xin lỗi thôi khó ổn

Theo Thanh tra TP.HCM, UBND TP đã giao cơ quan này phối hợp với quận 1 và các sở ngành vận động, giải thích cho người dân hiểu. Hướng xử lý là tổ chức xin lỗi người dân ngay tại trụ sở UBND quận 1 và nói rõ mức giá bồi thường 48 triệu đồng/m2 chỉ áp dụng cho 71 hộ còn lại.

“Xin lỗi thôi có ổn không? Có gì để chắc chắn rằng các hộ dân sẽ đồng tình với lời xin lỗi? Tôi nhớ đầu nhiệm kỳ Chủ tịch nước cũng đã làm việc một lần về vấn đề này. Vướng cái gì mà kéo dài đến nay mà TP chưa giải quyết xong? Không những thế, hàng chục năm nay dự án bỏ hoang theo tôi là một sự lãng phí ghê gớm” - Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch nêu vấn đề.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đặt câu hỏi: “Nếu lấy mốc bồi thường 48 triệu/m2 cho những người cuối cùng để suy ngược lại thì những hộ dân đã nhận tiền trước đó có bị thiệt hại gì không? Đây là vấn đề mà thế nào khi gặp người dân cũng sẽ thắc mắc”. Chủ tịch nước yêu cầu UBND quận 1 phải tính ra được con số cụ thể qua bốn lần thay đổi chính sách. Mỗi lần giá bồi thường bao nhiêu, mua suất tái định cư bao nhiêu và phải chứng minh được mức tăng của thời điểm sau so với thời điểm trước là tương đương về mặt giá trị. Nếu tính ra con số cụ thể thiệt hại không đáng bao nhiêu thì người dân có thể đồng tình nhưng nếu con số chênh lệch lớn thì người dân sẽ còn đi khiếu nại. “Phải chứng minh bằng con số, thể hiện bằng văn bản, không thể giải thích với dân rằng thời điểm đó, giá đó, chính sách đó, ai rơi vào thời điểm đó thì ráng chịu. TP có tính được việc này không? Trả lời trôi câu hỏi này thì dân mới chịu”. Chủ tịch đặt ra hướng xử lý và cho rằng: “Việc này là cần phải rút kinh nghiệm, TP đã nhận ra sai sót, xin lỗi dân thì vẫn phải tiến hành nhưng đâu phải cứ xin lỗi là ổn đâu, TP cần phải tính lại để đảm bảo sự công bằng cho dân” - Chủ tịch nước đề nghị.

Ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP, tiếp thu chỉ đạo của Chủ tịch nước và cho rằng hướng giải quyết sẽ xuất phát từ quan điểm công bằng cho cả những người đi trước và các hộ còn lại. “Người dân di dời ở nhiều thời điểm và giá cả cũng khác nhau nhưng cuối cùng phải chứng minh được người dân di dời ở thời điểm nào thì giá trị bồi thường cũng như các giá trị khác họ nhận được phải tương đương nhau. UBND TP sẽ giao các cơ quan chức năng tính toán lại, chắc chắn rồi mới tổ chức đối thoại với dân” - ông Khoa nói.

Không thực hiện cưỡng chế trong dịp tết Nguyên đán

Trong hai giờ đồng hồ, ngoài vụ khiếu nại của các hộ dân tại dự án 1 bis - 1 kép Nguyễn Đình Chiểu, Chủ tịch nước đã cùng Đoàn ĐBQH đưa ra hướng giải quyết cho ba vụ khiếu nại kéo dài tại dự án khu tứ giác Bến Thành, quận 1; các hộ dân tại đường Tú Xương và đường Trần Quốc Toản, quận 3 khiếu nại về việc mua bán nhà thuộc sở hữu nhà nước. Chủ tịch nước yêu cầu UBND TP hoàn thành xử lý khiếu nại cho dân trong năm 2015, những vấn đề liên quan đến cưỡng chế thì không thực hiện trong dịp tết Nguyên đán để người dân yên tâm đón tết.

___________________________________

Phải giải quyết dứt điểm

Khiếu nại của người dân liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án 1 bis - 1 kép kéo dài đâu, từ lúc tôi còn công tác tại TP.HCM. Trước khi kết thúc nhiệm kỳ, những vấn đề người dân kêu, trong đó có vụ này phải được giải quyết dứt điểm. Đây cũng là bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý địa bàn, trong đó có trách nhiệm của chúng tôi. Đề nghị UBND TP chỉ đạo xử lý rốt ráo. Tháng 3-2016 tới đây, trước khi QH họp phiên toàn quốc tổng kết nhiệm kỳ, chúng tôi sẽ đảo lại một lần nữa để kiểm tra việc xử lý các vụ việc này.

Chủ tịch nước TRƯƠNG TẤN SANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm