“Bốn năm qua, chúng ta thấy việc khiếu nại, tố cáo diễn biến phức tạp. Giảm số vụ, giảm số lượt, số đơn nhưng khiếu kiện đông người tăng tới 32%. Đặc biệt, chúng ta nhận diện ra 7% khiếu nại hành chính là về đất đai. Và trong 7% đó là vấn đề thu hồi đất, tái định cư…”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải quyết khiếu nại, tố cáo diễn ra chiều 7-10. Đồng thời Thủ tướng đề nghị mở một đợt cao điểm rà soát, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nhất là khiếu nại, tố cáo đông người từ trung ương đến địa phương.
Ào ào bắt dân nhận bồi thường thấp
Theo Thủ tướng, khi có Luật Đất đai 2013 thì quyết định và trình tự thu hồi đất có giảm nhưng khiếu nại nhiều là vì giá bồi thường, người dân không đủ điều kiện sống tối thiểu.
“Chúng ta nói là chính sách, nhà ở tái định cư phải bằng hoặc cao hơn trước nhưng chúng ta có làm được việc này chưa? Chúng ta có nhận thức được vấn đề này không? Tôi nói là phải nhận diện vấn đề thu hồi đất, tái định cư cho người dân là khâu có khiếu nại cao nhất” - Thủ tướng nói.
Nguyên nhân khác, theo Thủ tướng là thu hồi đất không đúng quy hoạch, không đúng trình tự thủ tục, thẩm quyền, không công khai, minh bạch và không công bằng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví dụ ở một tỉnh bắc miền Trung làm dự án lớn không thông báo cho dân chủ động mà ào ào bắt dân nhận tiền bồi thường thấp. “Có đúng quy trình không? Vì động cơ gì mà anh làm sai pháp luật như vậy? Tôi khuyên các đồng chí lãnh đạo phải thấm vấn đề này đối với dân” - Thủ tướng yêu cầu.
Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh: “Không hy sinh môi trường, không hy sinh quyền lợi tối thiểu của người dân để làm kinh tế”.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong lắng nghe ý kiến bức xúc của người dân quận 2 tại một buổi đối thoại về khiếu nại đất đai. Ảnh: HOÀNG GIANG
“Có trường hợp tham ô, tham nhũng”
Thủ tướng cho rằng một số quy định pháp luật đã bộc lộ những bất cập, không phù hợp với tình hình thực tiễn cần phải sửa đổi, bổ sung, nhất là đối với Luật Đất đai. Một số người đứng đầu có trách nhiệm chưa quan tâm đúng mức, chỉ đạo không quyết liệt, giải quyết còn chậm và thậm chí có sai sót.
Theo Thủ tướng, vẫn còn một số trường hợp thiếu trách nhiệm, không công tâm. Rồi có trường hợp đề xuất bồi thường, giải phóng mặt bằng không khách quan, không chính xác, không hợp lý... dẫn đến khiếu kiện kéo dài.
“Có trường hợp cán bộ tham ô, tham nhũng trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng, lấy tiền của dân, kê khống. Cái này miền núi cũng có, đồng bằng cũng có. Thậm chí nhiều cán bộ phải ở tù vì vụ này” - Thủ tướng nêu.
Xử nghiêm kích động, xúi giục khiếu nại
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, khiếu kiện kéo dài còn vì một số người dân ý thức chấp hành pháp luật hạn chế, đưa ra những yêu cầu vượt quá các quy định của pháp luật. Một số phần tử xấu kích động, xúi giục, thậm chí hành hung cán bộ tiếp dân.
Những người khiếu kiện quá khích, manh động đánh cán bộ tiếp dân bị thương tích thì phải xử lý nghiêm.
Thủ tướng cũng cho hay việc tiếp dân tại một số địa phương chưa được quan tâm, chưa dành thời gian thỏa đáng, nhiều cán bộ còn ngại đối thoại với dân. Có nơi thì tiếp qua loa, chưa chỉ đạo giải quyết đến cùng. “Thấy dân mà lên xe bỏ chạy là không ổn rồi” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng phân tích vẫn có trường hợp chưa quan tâm tới quyền lợi thực sự chính đáng của người dân. Tình trạng giải quyết chậm, kéo dài buộc người dân phải đợi lâu gây bức xúc khiếu kiện vượt cấp ra trung ương. Sự phối hợp giữa địa phương và trung ương chưa chặt chẽ, nhất là đối với các vụ đông người, còn đùn đẩy lên Thủ tướng.
Không để “mất bò mới lo làm chuồng”
Về giải pháp để giảm khiếu kiện, Thủ tướng cho rằng các cơ quan giải quyết và cán bộ phải sát dân, lắng nghe dân, quan tâm tới lợi ích chính đáng của người dân thì mới yên dân được. “Anh phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến của dân, giải thích cho người dân, chứ anh lơ đi, ỷ thế có quyền lực là không được đâu” - Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, trong việc giải quyết khiếu kiện, quan trọng nhất vẫn là dân vận. “Cần đề cao trách nhiệm, làm kịp thời, công bằng để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân. Tôi đề nghị hệ thống tiếp dân cần phải đặt mình vào vị trí của người dân để nâng cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo... Cả bộ máy phải vào cuộc theo tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động quyết liệt để phục vụ nhân dân. Cán bộ phải chủ động hơn trong đề xuất, tham mưu, giải quyết vấn đề chứ không phải nước đến chân mới nhảy, mất bò mới lo làm chuồng” - Thủ tướng yêu cầu.
Sửa luật vì quyền lợi của dân Tôi đề nghị các cấp tập trung tăng cường rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật về tiếp dân, khiếu nại, tố cáo. Giao Thanh tra Chính phủ chủ trì tổng kết luật về Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Tiếp công dân để kiến nghị sửa đổi các luật bất cập, không phù hợp với thực tiễn. Đơn cử như các vấn đề về tổ chức đối thoại, xem xét lại các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo vệ người tố cáo, trong đó có cả việc giá cả xây dựng tái định cư. Giao Bộ TN&MT theo dõi sát việc thi hành Luật Đất đai 2013, tổng hợp các bất cập vướng mắc để kiến nghị sửa đổi, bổ sung gửi Chính phủ, nhất là về giá đất đai và mức bồi thường. Trong quá trình quy hoạch, giải tỏa bồi thường thì người dân phải có chỗ mới tốt hơn, cuộc sống tốt hơn. Đặc biệt, phải công khai, minh bạch, nghiêm túc thực hiện giải trình trách nhiệm và công khai xử lý người vi phạm. Tăng cường thanh tra trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước trong thực thi công vụ. Khi xảy ra khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp thì chủ tịch UBND phải trực tiếp gặp dân để đối thoại, giải quyết. Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC |