“Có một chuyện rất đáng báo động, đó là sự can thiệp, chỉ đạo của quan chức. Có những vụ việc rất đơn giản, anh em giải quyết đúng thì lại có điện thoại can thiệp, chỉ đạo làm méo mó sự việc”.
Điều đáng báo động là những cú điện thoại can thiệp vào việc thực thi pháp luật không phải là cá biệt trong đời sống hằng ngày. Những cuộc điện thoại can thiệp như ông Việt nói là một thực tế ít người nói ra, dù nó vẫn hiển hiện trong đời sống, nhất là đối với những người nhờ những cuộc điện thoại can thiệp ấy mà thoát khỏi phiền phức do vi phạm pháp luật. Quan chức, lẽ ra chỉ có một nhiệm vụ là thực hiện quyền lực được người dân trao phó để phục vụ xã hội, thì lại biến quyền lực ấy thành quyền uy để mưu lợi cho mình và những người liên quan.
Trong chuyến khảo sát phương pháp đánh giá sự hài lòng của người dân mới đây cùng Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, phóng viên cũng nghe một vài công chức ở bộ phận một cửa của địa phương kể lại chuyện cán bộ đi kiểm tra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng và theo đúng quy định thì phải xử phạt. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng thực hiện được. Có lúc đang kiểm tra vi phạm tại công trình, công chức nhận được những cuộc điện thoại và phải dừng việc kiểm tra.
Rõ ràng khi một hành vi vi phạm pháp luật lẽ ra phải được xử lý nghiêm minh nhưng vì những cuộc điện thoại ấy mà được bỏ qua, thì cũng chính là lúc pháp luật không có vị trí như lẽ ra phải có trong đời sống. Thượng tôn pháp luật, lẽ ra phải được quan chức, cán bộ nằm lòng và thực thi, thì những cuộc điện thoại can thiệp ấy đã xô đổ cả một nguyên tắc chính của nhà nước pháp quyền.
Nếu như không có những cuộc điện thoại can thiệp, chắc chắn những người thừa hành pháp luật sẽ yên tâm thực hiện công vụ, làm tròn trách nhiệm hành pháp được trao. Nhưng những cuộc điện thoại can thiệp thô bạo vào việc thực thi pháp luật, thậm chí còn đặt những người thừa hành pháp luật vào tình huống trớ trêu như ông Việt nêu: “Có khi một sự việc có tới ba trường phái chỉ đạo thì nghe trường phái nào? Đều to như nhau, tiềm lực, thế mạnh như nhau, nghe ông này mất lòng ông kia”.
Thủ tướng, ngay từ đầu nhiệm kỳ, đã khẳng định sẽ thành lập một chính phủ kiến tạo, phục vụ và liêm chính. Định hướng ấy chắc chắn không có chỗ cho những cuộc điện thoại can thiệp thô bạo vào nền hành chính phục vụ tồn tại. Bởi lẽ một nền công vụ trong sạch, một nhà nước pháp quyền không thể bị vấy bẩn bởi những cuộc điện thoại “ngồi xổm” trên pháp luật như thế!