Ngày 22-11, theo Nghị trình, Quốc hội nghe và thảo luận về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023.
Kiến nghị xử lý 432 cán bộ, công chức khi giải quyết tố cáo
Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2023, tổng số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính các cấp là hơn 7.000 (tăng 15,5% so với năm 2022).
Đáng chú ý, qua giải quyết tố cáo các cơ quan hành chính nhà nước đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước 19,6 tỉ đồng, 0,8 ha đất; trả lại cho các tổ chức, cá nhân 5,2 tỉ đồng. Đồng thời kiến nghị xử lý 475 người, trong đó có 432 cán bộ, công chức; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 37 vụ, 32 đối tượng, trong đó có 16 cán bộ, công chức.
Đối với toà án, kết quả giải quyết tố cáo cho thấy có 19 đơn tố cáo đúng và đúng một phần, 81 đơn tố cáo sai. Trong khi đó, kết quả giải quyết tố cáo của VKS các cấp cho thấy các đơn tố cáo đều là tố cáo sai, chưa đủ cơ sở để kết luận người bị tố cáo có hành vi vi phạm.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tư pháp cho biết số liệu thể hiện tình hình sai phạm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức năm 2023 cao hơn năm trước.
Số vụ việc tố cáo tăng nhiều cho thấy hoạt động của bộ máy hành chính công vụ còn không ít bất cập, người dân còn thiếu tin tưởng vào sự khách quan, công tâm của một bộ phận công chức, người có thẩm quyền trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp.
Vì vậy, Uỷ ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ để có giải pháp khắc phục hiệu quả hơn.
Sửa luật cũng ảnh hưởng đến số lượng khiếu nại, tố cáo
Cũng theo báo cáo của Chính phủ, năm 2023, tình hình khiếu nại, tố cáo tăng so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nổi lên một số vụ việc đông người, phức tạp liên quan đến đất đai có nguồn gốc đất nông, lâm trường quốc doanh tại khu vực Tây Nguyên.
Ngoài ra, tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến chế độ, chính sách lao động, việc làm, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp, môi trường... phát sinh cao hơn trước.
Chính phủ cho biết thời gian tới tình hình khiếu nại, tố cáo tiếp tục tiềm ẩn khả năng diễn biến phức tạp, nhiều đoàn khiếu kiện đông người, phức tạp và cả công dân đơn lẻ lưu trú dài ngày tại TP Hà Nội và TP.HCM để khiếu kiện.
Đáng chú ý, khiếu nại, tố cáo hành chính liên quan đến đất đai tiếp tục là một điểm nóng, nhất là ở các địa phương đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công lớn, có tốc độ đô thị hóa cao và có nhiều dự án đầu tư liên quan đến thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng như: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đồng Nai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Lào Cai, Ninh Bình, An Giang, Bình Định..
Đặc biệt, tình hình khiếu kiện đông người liên quan đến việc giao khoán đất nông, lâm trường tại một số tỉnh, TP phía Nam và khu vực Tây Nguyên, nếu không được xử lý dứt điểm có thể diễn biến phức tạp, hình thành những đoàn khiếu kiện đông người vượt cấp lên trung ương trong thời gian tới.
Ủy ban Tư pháp đánh giá, năm 2024, cùng với các dự án đầu tư lớn đã và đang được triển khai như Dự án xây dựng sân bay Long Thành, Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, Dự án đường Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội... thì các dự án phát triển kinh tế - xã hội khác tại các địa phương có tốc độ đô thị hóa cao dự báo vẫn tiếp tục là điểm nóng phát sinh khiếu nại, tố cáo hành chính liên quan đến đất đai, môi trường, nhất là đối với các dự án phải thu hồi đất, bồi thường, tái định cư...
Bên cạnh đó, tại kỳ họp này Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)... . Việc này sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong lĩnh vực đất đai, khắc phục nguyên nhân dẫn đến phát sinh khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, do quyền lợi của người dân theo quy định mới của các văn bản luật này được bảo đảm tốt hơn nên cũng có thể phát sinh tâm lý “so bì” dẫn đến gia tăng khiếu nại, tố cáo.
“Do đó, khiếu nại, tố cáo hành chính liên quan đến đất đai dự báo sẽ vẫn tiếp tục là điểm nóng. Khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trên một số lĩnh vực như bảo hiểm, đầu tư bất động sản, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, môi trường dự báo cũng tiếp tục gia tăng...” - theo báo cáo của Uỷ ban Pháp luật.
Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần quan tâm, bám sát tình hình, quyết liệt chỉ đạo, đề ra các nhiệm vụ cụ thể tăng cường trách nhiệm của các cơ quan có liên quan để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, không để xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp.