Ngay hôm sau, bà nội và mẹ cháu bé đến trường làm ầm lên, quát mắng cô giáo và có một hành động không thể chấp nhận được là tát thẳng vào mặt cô. Đây là câu chuyện khiến dư luận vô cùng bức xúc vì cách phụ huynh đối xử với cô giáo đang trực tiếp dạy con em mình. Nhiều ý kiến cho rằng lỗi cô giáo một phần thì lỗi phụ huynh đến 10 phần.
Hành động trên không nên tồn tại và càng không thể xuất hiện trong môi trường giáo dục. Nó khiến cho sự tôn nghiêm của người thầy bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong mắt học sinh, gây suy giảm uy tín thầy cô, nhà trường và chắc chắn ảnh hưởng cả việc học của các em.
Phụ huynh có hành động xúc phạm, thậm chí hành hung giáo viên vì bức xúc khi con mình bị phạt là điều cần phải lên án. Giáo viên phạt học sinh là một biện pháp giáo dục chứ không phải hành động bạo lực, thiếu suy nghĩ. Một cái vụt vào tay là để răn đe khi các biện pháp nhắc nhở miệng không có tác dụng. Có thể việc dùng thước đánh học sinh là chưa phù hợp nhưng không quá đáng, chấp nhận được. Trong khi việc đánh vào mặt giáo viên cho thấy sự cưng chiều quá mức của phụ huynh đối với con em mình mà bất chấp quy định, nề nếp, tôn ti. Điều ấy sẽ làm lệch lạc nhận thức, khiến trẻ khó phân định đúng sai, chuẩn mực đạo đức và cách ứng xử phù hợp với mọi người xung quanh. Đây là hành vi phản tác dụng trong cách nuôi dạy con trẻ.
Nếu giáo viên bị gia đình gây áp lực mà không dám nghiêm khắc khi răn dạy học sinh thì môi trường ấy đã bị chi phối sai hướng. Học sinh thiếu tôn trọng người thầy, dựa dẫm vào cha mẹ mà tự do bất tuân kỷ luật.
Theo tôi, ngoại trừ hành vi bạo lực đối với học sinh, còn trong các trường hợp khác phụ huynh hãy thông cảm, chia sẻ hơn với giáo viên về phương pháp của họ. Đừng bảo vệ con cái một cách thái quá và mù quáng để dẫn đến hành động thiếu suy nghĩ.
Nếu không đồng tình với hành xử của giáo viên thì phụ huynh hãy góp ý chân tình, mang tính xây dựng. Có nhiều cách như trao đổi trực tiếp với giáo viên hoặc thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp, thậm chí là ban giám hiệu nhà trường để có biện pháp xử lý phù hợp. Khi đó giáo viên sẽ cảm thấy được tôn trọng, thoải mái hơn để tự điều chỉnh hành vi của mình và sẽ yên tâm công tác. Mối dây tương tác giữa nhà trường và phụ huynh, giữa giáo viên và cha mẹ học sinh nên là quan hệ đồng minh. Phụ huynh-giáo viên nếu ở hai đầu chiến tuyến thì người thiệt thòi chính là học sinh mà thôi.