Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp TP.HCM vừa tổ chức tọa đàm về thực trạng việc thực hiện dịch vụ hành chính công trong lĩnh vực tư pháp và khả năng chuyển giao-đổi mới phương pháp, cách thức giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của ngành tư pháp trên địa bàn TP.
Tại tọa đàm, ông Lê Văn Long (Phó Chánh văn phòng Sở Tư pháp TP) đề xuất giữ lại những TTHC mà Sở Tư pháp đang trực tiếp giải quyết. Hiện Sở Tư pháp TP có 107 TTHC, tập trung vào các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp (LLTP) và bổ trợ tư pháp. Trong năm 2018, kết quả giải quyết hồ sơ tại Sở đạt 95,86%.
Ông Long dự báo nhu cầu sử dụng phiếu LLTP ngày càng tăng vì nó là công cụ pháp lý quan trọng trong việc chứng minh nhân thân tư pháp khi tham gia các quan hệ pháp lý, dân sự. Nhiều TTHC cần có phiếu LLTP như nuôi con nuôi, quốc tịch, luật sư, quản lý cư trú; khám chữa bệnh, hàng không, chứng khoán, bảo hiểm… việc cấp phiếu này không thể chuyển giao cho doanh nghiệp (DN) hay các tổ chức xã hội. Vì một trong những nguyên tắc quản lý LLTP là phải bảo đảm tôn trọng bí mật đời tư cá nhân. Cơ sở dữ liệu LLTP là tài sản quốc gia phải được bảo vệ chặt chẽ, an toàn, lưu trữ lâu dài. Chỉ người có thẩm quyền mới được tiếp cận, khai thác cơ sở dữ liệu này. Hiện nay cơ sở dữ liệu thông tin LLTP là căn cứ để cấp phiếu LLTP đang hoàn thiện và do nhiều cơ quan quản lý (tòa án, VKS, công an, thi hành án dân sự…).
Trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch cũng không thể chuyển giao do liên quan mật thiết đến các giấy tờ về nhân thân của người dân (khai sinh, kết hôn, khai tử…). Lĩnh vực này đòi hỏi sự tỉ mỉ, tính chính xác cao và trách nhiệm lưu trữ hồ sơ thuộc lĩnh vực này rất đặc thù nên không thể chuyển giao cho DN hay các tổ chức xã hội.
Đối với bổ trợ tư pháp thì đây là lĩnh vực có phạm vi ảnh hưởng lớn trong xã hội, cần được quản lý chặt chẽ. Một số thông tin cần phải xác minh hoặc đối chiếu với dữ liệu quản lý của Bộ Tư pháp và của các cơ quan khác nên không thể chuyển giao.
Sở Tư pháp TP cũng đề xuất không chuyển giao việc đăng ký vi bằng cho DN hay các tổ chức xã hội, vì vi bằng được xem là hợp lệ khi được đăng ký tại Sở Tư pháp. Sở sẽ kiểm tra thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng, nếu không đúng quy định sẽ từ chối đăng ký.
Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản Nhà nước TP.HCM (gọi tắt là trung tâm) đồng ý cổ phần hóa hoặc chuyển đổi các trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản để thành lập DN bán đấu giá nhưng phải có lộ trình.
Đại diện trung tâm này cho biết hoạt động đấu giá tài sản đã từng bước được củng cố và người dân, tổ chức đã có sự quan tâm nhiều hơn. Toàn TP có 124 tổ chức hành nghề đấu giá (trong đó có một trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp; 106 DN chuyển đổi, đăng ký mới và tồn tại theo quy định của Nghị định 17/2010/NĐ-CP). Các tổ chức này đang từng bước đi vào nền nếp, hướng tới chuyên nghiệp hóa, phục vụ đắc lực cho nhu cầu đấu giá tài sản của Nhà nước, tài sản của tổ chức, cá nhân.
Hiện nay, trung tâm là đơn vị sự nghiệp có thu, trong quá trình đấu giá tài sản có nhiều tài sản “thu không đủ bù chi”; trong khi đó, các DN bán đấu giá tài sản hoạt động theo Luật DN, có cơ chế chi hoa hồng, trích thưởng... dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh.
Vì vậy, trước mắt nên giao tài sản thuộc sở hữu nhà nước cho các tổ chức bán đấu giá của Nhà nước làm để tránh thất thoát tài sản của Nhà nước. Đến thời điểm thích hợp (giai đoạn 2018-2020) thì cổ phần hóa hoặc chuyển đổi các trung tâm hiện nay để thành lập DN bán đấu giá theo Luật DN.
Bộ Tư pháp ghi nhận các đề xuất Tại tọa đàm, TS Nguyễn Văn Cương (Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp) thay mặt đoàn khảo sát ghi nhận những ý kiến đóng góp của đại diện các đơn vị. |