Khó phạt nặng hành vi bỏ cọc đất trúng đấu giá

(PLO)- Cần làm rõ cơ sở pháp lý để quy định mức chế tài phạt nặng lên tới 50% số tiền trúng đấu giá đất đối với hành vi bỏ cọc…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 20-4, Bộ TN&MT và Văn phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.

Mất cọc và bị phạt 50% giá đất đấu giá trúng

Một trong những nội dung tại dự thảo nghị định nhận được nhiều ý kiến khác nhau là: Bổ sung chế tài nặng đối với tổ chức, cá nhân trúng đấu giá đất bỏ cọc hoặc từ chối tham gia đấu giá đất.

Cụ thể, dự thảo nêu rõ trường hợp người tham gia đấu giá tự ý bỏ tiền đặt cọc (tiền đặt trước) và từ chối tham gia đấu giá thì sẽ phải bồi thường cho Nhà nước thêm một khoản tiền bằng giá trị tiền cọc.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: PHÚ TRỌNG

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: PHÚ TRỌNG

Trường hợp người tham gia đấu giá tự ý hủy kết quả trúng đấu giá không có lý do chính đáng, ngoài tiền đặt trước, người tham gia đấu giá phải nộp khoản tiền tương đương 50% giá trị quyền sử dụng đất trúng đấu giá.

Đồng thời, người tham gia đấu giá tự ý bỏ khoản tiền đặt cọc và từ chối tham gia đấu giá thì trong thời gian năm năm không được tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.

Về các nội dung trên, ông Nguyễn Tuấn Minh, đến từ Ngân hàng Techcombank, cho rằng mất tiền cọc đã là chế tài phạt vi phạm nghĩa vụ theo chế định bảo đảm của Bộ luật Dân sự. Do đó, nếu tăng chế tài phạt như nêu trên là mất thêm một lần tiền nữa thì sẽ không thống nhất với nguyên tắc phạt nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật Dân sự.

“Chưa kể nếu kết quả giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm thì việc thực thi chế tài này có khả thi?” - ông Minh nói.

Cần khung pháp lý chặt để đấu giá đất công khai, minh bạch

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về nội dung này, bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT), cho hay thời gian qua công tác đấu giá đất đã xuất hiện những bất cập, vướng mắc cần được quản lý chặt chẽ hơn. Đặc biệt, vụ việc bỏ cọc đấu giá đất tại Thủ Thiêm (TP.HCM) đã gây ra nhiều hệ lụy đến toàn xã hội, khiến cơ quan quản lý nhà nước phải bổ sung những quy định mới để quản lý chặt chẽ hơn.

Bà Mỹ cho hay hiện pháp luật về đất đai chỉ quy định ba nội dung về việc đấu giá đất là: Đối tượng tham gia, điều kiện tham gia và giá khởi điểm đưa lô đất ra đấu giá. Còn các trình tự thủ tục để tiến hành đấu giá đất thì được thực hiện theo Luật Đấu giá tài sản. Tuy nhiên, đất đai là loại tài sản đặc biệt, cần có những quy định riêng đối với bán đấu giá loại tài sản này.

“Mong muốn của ban soạn thảo dự thảo là xây dựng một khung pháp lý để các cuộc đấu giá đất ngày càng diễn ra công khai, minh bạch. Người thực sự cần đất thì tham gia đấu giá. Đồng thời hạn chế hiện tượng cò giá, dìm giá, đẩy giá… và các bất cập trong công tác đấu giá đất như dư luận đã phản ánh” - bà Mỹ nói.

Bà Mỹ cũng cho hay trong quá trình xây dựng dự thảo, cơ quan soạn thảo đã tiến hành rà soát, đánh giá các văn bản pháp luật liên quan và thấy rằng cần có những chế tài xử lý.

“Tất nhiên, tất cả những gì đưa ra dự thảo không phải là đúng cả nhưng rõ ràng đây là dự thảo mà ban soạn thảo, tổ biên tập cũng kỳ vọng nội dung quy định về công tác đấu giá đất minh bạch, người cần đất thực sự được tiếp cận với đất đai” - bà Mỹ nói.

Cũng theo bà Mỹ, vấn đề tài chính liên quan đến đấu giá đất thực sự phức tạp và khó khăn. Cần được huy động trí tuệ tập thể để xây dựng các quy định hoàn thiện, khả thi nhất. “Dự thảo đang trong quá trình lấy ý kiến, chúng tôi cũng mạnh dạn đưa các nội dung vào đề xuất. Tuy nhiên, qua những ý kiến phản hồi của các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, doanh nghiệp… chúng tôi sẽ tiếp thu để hoàn thiện hơn” - bà Mỹ nói và khẳng định dự thảo còn phải qua nhiều cấp, ngành thẩm định nữa trước khi được phê duyệt.

Phạt hai lần, có đủ sức răn đe

Ông Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự (Bộ Tư pháp), đặt câu hỏi: “Cơ sở nào để tổ chức, cá nhân mất tiền cọc rồi còn phải bị phạt thêm số tiền nữa, nhất là khoản tiền 50% số tiền trúng đấu giá đất?”. Theo ông Huệ, như vậy ngoài tiền đặt cọc, tổ chức, cá nhân bỏ cọc, từ chối tham gia đấu giá có thể bị phạt (50%) đồng nghĩa phải mất đến hai lần tiền. Đây là mức phạt rất nặng mà người tham gia đấu giá đất rất khó có thể chịu đựng được. “Tất cả biện pháp mà Nhà nước đưa ra để quản lý bất kể thế nào cũng phải được lập luận một cách có cơ sở, chứ không thể tùy tiện được” - ông Huệ nêu quan điểm.

Đồng tình với quan điểm trên, các ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng dự thảo cần làm rõ thế nào là “tự ý bỏ khoản tiền đặt trước”, thế nào là “từ chối tham gia đấu giá” và trường hợp nào mất một lần tiền cọc, trường hợp nào mất hai lần. Nếu không quy định rõ sẽ khiến các tổ chức, cá nhân ngần ngại khi tham gia đấu giá, khiến việc đấu giá giảm tính cạnh tranh. Cạnh đó, để né phạt, các nhà đầu tư, người dự thầu vẫn có thể thông đồng, móc ngoặc khiến Nhà nước thất thu ngân sách…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm