Sáng 5-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và ba tháng đầu năm 2022; việc triển khai các công trình giao thông quan trọng quốc gia…
Còn 29 đơn vị chưa giải ngân kế hoạch vốn
Báo cáo Thủ tướng, Bộ KH&ĐT cho biết năm 2022 Chính phủ thực hiện giao trên 518.105 tỉ đồng cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Đến hết ngày 30-3, các cơ quan này ra quyết định giao chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân trong năm 2022 trên 466.123 tỉ đồng, đạt 90% so với số vốn Thủ tướng giao. Điều này đồng nghĩa với việc số vốn chưa phân bổ còn khá lớn.
Về giải ngân vốn đầu tư công, Bộ KH&ĐT cho biết theo báo cáo Bộ Tài chính, có 46/51 bộ, cơ quan trung ương và 27/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới mức bình quân của cả nước (11,88%). Trong đó có 29 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm 2022.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: TTXVN
Bộ KH&ĐT cho rằng việc giải ngân chậm là do trách nhiệm của các chủ đầu tư, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa thật sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời ban hành các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công. Bởi vì cùng một cơ chế, chính sách, có những bộ, ngành, địa phương giải ngân tốt, có những bộ, địa phương giải ngân rất thấp, đến nay còn 29 đơn vị chưa giải ngân.
“Cạnh đó, một yếu tố khách quan đang tác động tiến độ giải ngân vốn, lặp lại tương tự những tháng đầu năm 2021 là giá vật tư, vật liệu xây dựng tăng cao làm cho tiến độ thi công dự án bị chậm. Nhiều dự án thi công theo kiểu “cầm chừng” để chờ giảm giá, vì nếu thi công nhà thầu sẽ bị lỗ so với giá trúng thầu, ảnh hưởng đến phương án tài chính…” - Bộ KH&ĐT phân tích.
Bộ KH&ĐT đề nghị Chính phủ phê bình nghiêm khắc 13 bộ, cơ quan trung ương và 21 địa phương đến ngày 30-3 chưa phân bổ hết kế hoạch năm 2022 được giao. 29 bộ, cơ quan trung ương đến nay chưa giải ngân kế hoạch vốn năm 2022.
Tại cuộc họp, Bộ GTVT cho biết hiện nay dự án sân bay Long Thành vẫn gặp khó khăn về mặt bằng. UBND tỉnh Đồng Nai mới bàn giao 1.613,6/1.810 ha giai đoạn 1 của dự án, đạt 89,1%. “Đặc biệt, một số dự án thành phần, tuyến giao thông kết nối không thể triển khai vì chưa có mặt bằng…” - Bộ GTVT cho hay.
Đánh mạnh vào đấu giá đất ảo, lũng đoạn chứng khoán
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ tình hình quý I đã khởi sắc tích cực, các địa phương cần cùng cả nước thực hiện nhiệm vụ khí thế hơn, mạnh mẽ hơn, đạt kết quả cao hơn, bền vững hơn trong quý II.
Thời gian qua, một vấn đề nổi lên là tình hình vi phạm pháp luật liên quan bất động sản, thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành một số biện pháp ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời và tiếp tục thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra những vấn đề có liên quan để làm lành mạnh thị trường.
Ngay từ tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng cũng đã có các công điện về tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi…
Theo Thủ tướng, một vấn đề có tính quy luật là với các vi phạm này, dòng tiền đều tìm đến nơi “trú ẩn” cuối cùng là bất động sản, các cơ quan liên quan cần lưu ý để có giải pháp mạnh, phù hợp trong quá trình xử lý.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương tập trung cho công tác lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch. Quy hoạch phải đi trước một bước, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, ổn định lâu dài, còn đầu tư có thể phân kỳ theo nguồn lực từng giai đoạn. Có quy hoạch tốt thì mới có đề án, dự án tốt; có đề án, dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt; có nhà đầu tư tốt thì mới có sản phẩm tốt…
Cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương chủ động phối hợp với các cơ quan, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vấn đề liên quan tới chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho các dự án.
Đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, chống tham nhũng, tiêu cực Về vấn đề giải ngân vốn, tại hội nghị, Thủ tướng đề nghị các địa phương chia sẻ với trung ương, “chung tay phát triển hạ tầng”, không trông chờ, không ỷ lại, suy nghĩ, tính toán, đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm tối đa chi thường xuyên. Thậm chí, “thắt lưng buộc bụng”, rà soát, bố trí lại nguồn vốn để dành cho đầu tư phát triển, cho các công trình trọng điểm, có tính lan tỏa cao. Thủ tướng khẳng định với tinh thần liêm chính, công khai, minh bạch, Chính phủ phân bổ và triển khai đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm cho những lĩnh vực ưu tiên, bảo đảm hiệu quả cao nhất, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Về các dự án giao thông trọng điểm, Thủ tướng yêu cầu các địa phương tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, giúp người dân yên tâm, tin tưởng cuộc sống ở nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Đồng thời, làm tốt công tác quy hoạch, khai thác và quản lý các mỏ nguyên vật liệu, xử lý kịp thời, phù hợp vấn đề giá nguyên vật liệu. |