Khó tìm chỗ đậu xe ở trung tâm TP.HCM

Sau quận 1, đến lượt các quận 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh… đồng loạt thực hiện chiến dịch “giành lại vỉa hè cho người đi bộ”. Kết quả bước đầu cho thấy ở nhiều tuyến đường vỉa hè, lòng đường đã thông thoáng hơn. Tuy vậy, những ngày qua nhiều người đi ô tô muốn vào các khu vực này đã phải “chùn chân” vì e ngại bị xử phạt.

E dè vào trung tâm

“Sau hàng loạt vụ quận 1 dọn dẹp vỉa hè, cẩu ô tô đậu ở vỉa hè, lòng đường, tôi đã phải cân nhắc nhiều hơn trước khi vào khu vực trung tâm TP” - ông Nguyễn Hoàng Tam Nguyên, giám đốc một doanh nghiệp ở quận 7, TP.HCM, chia sẻ.

Theo ông Nguyên, nơi ông thường gặp gỡ, trao đổi với các đối tác là quán cà phê quen thuộc ở quận 1. “Ở khu vực này, muốn tìm được nơi đậu xe đúng phép tắc không hề đơn giản. Trước đây, một số bảo vệ của quán tận dụng lòng đường hay vỉa hè hướng dẫn khách đậu xe và thu tiền” - ông Nguyên nói.

Trong khi đó, khu vực trung tâm TP, nhất là ở các nơi tập trung đông người như cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện… thường xuyên ùn ứ nên Sở GTVT đã lên kế hoạch rà soát lại để có biện pháp xử lý giảm thiểu ùn tắc giao thông. Một trong những biện pháp là gắn thêm các biển cấm dừng đậu phương tiện trên đường để hạn chế tối đa tình trạng dừng, đậu tùy tiện.

Như vậy, diện tích làm nơi đậu xe nhiều nơi vốn đã thiếu thì sắp tới đây sẽ càng thiếu trầm trọng. Trước thực trạng này, ông Nguyên nói: “Có lẽ tôi sẽ đi xe… ôm hoặc taxi”.

Người đàn ông này  đi khám ở BV Mắt, quận 3 nhưng phải gửi ô tô trước khách sạn New World, quận 1 rồi đi xe ôm qua bệnh viện.  Ảnh: MP

Dài cổ chờ bãi đậu xe ngầm

Sáng 1-3, PV Pháp Luật TP.HCM chứng kiến cảnh một người đàn ông đi ô tô loay hoay tìm chỗ gửi xe. Người này cho biết ông đi khám bệnh ở BV Mắt trên đường Điện Biên Phủ, quận 3 nhưng phải gửi xe ở bãi gần khách sạn New World, quận 1, cách bệnh viện hơn cây số, sau đó đi xe ôm qua. “Thật là bất tiện nhưng cũng phải chịu” - người này nói.

TP.HCM có hơn 2.270 tuyến đường có vỉa hè và gần 2.600 tuyến đường không có vỉa hè. Theo thống kê, ở khu vực trung tâm TP nhu cầu dừng, đậu xe của người dân là rất lớn. Song hiện nay khu vực này vẫn chưa có bãi đậu xe ngầm nên các hộ mặt tiền đường đã lấn chiếm vỉa hè để giữ xe. Ngoài ra, có tình trạng đậu xe kéo dài nhiều giờ liền trên vỉa hè, lòng đường, kể cả ở nơi có biển cấm.

Sở GTVT cho biết ở khu vực trung tâm TP hiện có một bãi đậu xe cao tầng tại 121-139 Cô Giang, quận 1, có sức chứa 500 ô tô và 1.500 xe máy. Nhưng nó chẳng thấm tháp gì so với nhu cầu thực tế. Chưa kể hiện khu vực trung tâm TP chỉ có mỗi bãi đậu xe công cộng cao tầng như trên nên thiếu sự kết nối, chưa tạo tiện lợi cho người dân.

Một lãnh đạo Sở GTVT TP cho biết: “Khi chấn chỉnh trật tự lòng, lề đường thì phải giải quyết nhu cầu đậu xe của người dân. Vì vậy, chúng tôi đang thúc đẩy tiến độ đầu tư các bãi đậu xe ngầm và rà soát thêm các tuyến đường đủ điều kiện để cho phép dừng, đậu xe, kể cả việc xây dựng đề án thu phí đậu xe theo giờ trên lòng đường, vỉa hè. Sở GTVT cũng đang phối hợp với Sở TM&MT rà soát các khu đất trống, đất công khu vực trung tâm TP, gần sân bay, những nơi có thể xây dựng các bãi đậu xe bằng công nghệ xếp xe tự động trên diện tích hẹp để tăng thêm chỗ đậu xe”.

Bốn dự án bãi đậu xe ngầm

Theo một lãnh đạo Sở GTVT TP, khu vực trung tâm TP đang triển khai đầu tư bốn dự án bãi đậu xe ngầm với sức chứa gần 6.300 ô tô và hơn 3.900 xe máy. “Sở GTVT đang phối hợp, hỗ trợ các nhà đầu tư để trong năm nay có thể khởi công xây dựng bãi đậu xe ngầm tại Công viên Lê Văn Tám, Sân khấu Trống Đồng, đều ở quận 1. Tuy nhiên, nhanh nhất thì phải đến năm 2019 mới có thể đưa vào khai thác” - vị này thông tin thêm.

________________________________

77 là số tuyến đường cấm đậu xe ở trung tâm. Ở đây còn có 70 tuyến đường khác cấm dừng, đậu xe theo giờ. TP.HCM cũng cho đậu ô tô dưới lòng đường có thu phí tại hơn 25 tuyến đường để giải quyết một phần nhu cầu của người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm