Để làm sạch kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, thời gian qua TP.HCM đã đầu tư hàng chục triệu USD nạo vét hơn 1,1 triệu tấn bùn; xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt… Dù vậy, dòng kênh vẫn chưa thể trong xanh trở lại. Một trong những nguyên nhân chính là hằng ngày dòng kênh vẫn phải gánh hàng tấn rác do nhiều người thiếu ý thức xả xuống.
Mạnh ai nấy xả
Năm 2012, TP cho lắp đặt hàng trăm thùng rác dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Nhưng thay vì bỏ rác vào thùng, nhiều người vẫn tiện tay quăng rác thẳng xuống kênh. Do đó, ở bất cứ đoạn kênh nào, người đi đường cũng dễ dàng nhìn thấy từng túi rác lớn, vỏ trái cây, xác động vật,... nổi lềnh bềnh.
Mỗi tháng Công ty Môi trường Đô thị TP.HCM vớt cả trăm tấn rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Dù vậy, rác vẫn xuất hiện dày đặc khắp nơi. Ảnh: MH
Chiều tối 26-2, tại cầu Hoàng Hoa Thám (nối quận 1 với quận Bình Thạnh), chúng tôi thấy ba phụ nữ đẩy xe bán dừa dạo đến sát lan can cầu, đổ ào cả đống vỏ dừa xuống kênh rồi thản nhiên bỏ đi. Còn tại khu vực cầu số 1 (quận Tân Bình), cứ tối tối lại có một số người chạy xe máy dừng lại quăng vội túi rác rồi rồ ga chạy đi. “Từ ngày dòng kênh được nạo vét, mùi hôi bớt hẳn khiến chúng tôi rất mừng. Nhưng chẳng được bao lâu, rác lại trôi đầy mặt nước. Nhiều người cứ tưởng dòng kênh là thùng rác công cộng!” - chị Nguyễn Thị Tuyết, chủ quán ăn gần cầu số 1, cho biết.
Theo anh N., nhân viên thu gom rác tại khu Miếu Nổi (quận Bình Thạnh), bình quân mỗi hộ chỉ phải đóng 20.000 đồng/tháng tiền gom rác nhưng nhiều người không chịu nộp. Thay vào đó, họ đem rác ra để dọc bờ kênh hoặc ném thẳng xuống nước. Khu vực này còn có không ít người bán hàng rong cứ chiều tối lại đẩy xe tới đây đổ trộm vỏ dừa, vỏ mía, lá cây, cùi chuối… xuống kênh.
Rác thải ngày càng nhiều
Theo số liệu của Xí nghiệp 3 - Công ty Môi trường Đô thị TP.HCM, từ tháng 4-2012 đến nay xí nghiệp đã vớt hơn 1.500 tấn rác các loại trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Đáng báo động là số lượng rác vớt được lại đang tăng dần theo từng tháng. Cụ thể, tháng 6-2012 là 87 tấn, tháng 7-2012 là 110 tấn, tháng 8-2012 là 182 tấn và đến tháng 1-2013 lên đến 214 tấn.
“Trong số rác chúng tôi vớt được, ngoài lục bình trôi nổi tự nhiên thì chủ yếu là rác sinh hoạt. Người ta có thể vứt bất cứ thứ gì không còn sử dụng được xuống kênh. Có người còn vứt cả bộ ghế sofa cũ xuống kênh, khi vớt lên thuyền của chúng tôi nghiêng ngả, suýt chìm” - anh Nguyễn Văn A, nhân viên xí nghiệp 3, cho biết.
Địa phương: "Rác từ nơi khác trôi về!"
Để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm chính thuộc về chính quyền địa phương. Tuy nhiên, đa số lãnh đạo các phường có liên quan đều khẳng định đã tổ chức tốt công tác tuyên truyền người dân không xả rác. Còn rác xuất hiện trên đoạn kênh thuộc địa bàn của phường là do… trôi từ nơi khác tới!
Bà Võ Thị Minh Tâm, Chủ tịch UBND phường 14, quận 3, khẳng định khó có việc người dân trong phường vứt rác xuống kênh. Bởi phường đã tổ chức tuyên truyền, thành lập tổ tự quản rác và đặt chốt gác ngay bờ kênh. Ở đoạn đường Hoàng Sa cặp bờ kênh đi qua địa bàn, phường thường xuyên dọn dẹp hàng rong nên khó có khả năng những người này tiện tay vứt rác xuống kênh.
Còn ông Phan Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND phường 5, quận Tân Bình, cho biết: Phường đã tổ chức tuyên truyền vận động đến từng tổ dân phố để người dân không xả rác xuống kênh. Đa số hộ dân trong phường cũng đã đóng tiền thu gom rác nên họ sẽ không vứt rác xuống kênh. Rác tồn tại ở thượng nguồn kênh trên địa bàn phường chủ yếu do một số người thiếu ý thức vứt ở địa bàn khác, theo thủy triều trôi đến.
“Chúng tôi đã giao thanh tra xây dựng kết hợp với các lực lượng đoàn thể xử lý hành vi vứt rác bừa bãi. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, đối tượng vứt rác thường đi xe máy, hành động rất nhanh nên chưa xử lý triệt để được. Thời gian tới phường sẽ tăng cường tuần tra, không để rác bị vứt bừa bãi xuống kênh” - ông Tiến khẳng định.
Phải phạt nghiêm, đừng tuyên truyền suông Xử lý hành vi vứt rác xuống kênh rạch là trách nhiệm của các địa phương. Thanh tra sở chịu trách nhiệm chung về môi trường của toàn TP, không có đủ nhân lực để bao quát cả việc xử phạt. Để chấm dứt thói quen không tốt này, các địa phương phải tích cực tuần tra, xử phạt nghiêm chứ không chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền. Gần đây, việc vứt rác xuống kênh rạch, đặc biệt là kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè khá phổ biến. Thanh tra sở đã báo cáo TP và đề xuất lực lượng xử lý chính là thanh tra xây dựng, công an phường, xã. Bà NGUYỄN THỊ DỤ, Chánh Thanh tra Sở TN&MT TP.HCM |
MINH HIẾU