Mới đây, TAND TP.HCM đã mở liên tiếp hai phiên xử đối với hai bị cáo mang quốc tịch Iran là Fiyoj Mehraban (SN 1978, tội cướp giật tài sản) và Choobani Sgirvani Mehdi (SN 1983, tội trộm cắp tài sản). Việc tòa lên lịch xử hai bị cáo này trong cùng một ngày là để thuận lợi cho việc mời người phiên dịch từ Hà Nội vào tham gia các phiên tòa nhằm bảo đảm quyền lợi của hai bị cáo và cũng phần nào nhằm tiết kiệm chi phí.
Cướp giật, trộm cắp đủ cả
Vụ thứ nhất, tòa phạt Fiyoj Mehraban một năm tù về tội cướp giật tài sản. Theo hồ sơ, chiều 30-9-2015, bà Nguyễn Thị Thạnh (chủ tiệm tạp hóa ở xã Phạm Văn Hai, Bình Chánh) đang bán hàng thì một ô tô dừng trước tiệm. Ba người nước ngoài bước xuống xe, hai người vào tiệm hỏi mua một lon nước ngọt, một gói thuốc lá rồi đưa 500.000 đồng. Bà Thạnh lấy bốn tờ 100.000 đồng thối lại thì hai người này không đồng ý mà ra dấu muốn loại tiền 200.000 đồng. Bà Thạnh gọi chồng mang tiền ra thối. Khi chồng bà vừa lấy ra xấp tiền (2,7 triệu đồng), bất ngờ hai người khách giật lấy rồi nhảy lên ô tô tẩu thoát.
Lần theo biển số ô tô, công an bắt được Fiyoj. Fiyoj khai tham gia vụ cướp giật nhưng chỉ làm nhiệm vụ cảnh giới. Hai người trực tiếp gây án tên là Ilim và Symk nhưng không rõ lai lịch. Sau khi cướp xong, Fiyoj được chia 2,2 triệu đồng. Fiyoj về lại khách sạn, còn đồng bọn bỏ đi đâu không rõ…
Vụ thứ hai, tòa phạt Choobani Sgirvani Mehdi một năm một tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Sáng 28-9-2015, Mehdi đến chi nhánh một ngân hàng ở quận 1 đổi 200 USD ra tiền VND. Nhân viên ngân hàng đổi tiền xong, Mehdi đưa ra một tờ 100 USD nữa và yêu cầu cho đổi tờ 100 USD có hình ngôi sao in trên số serie.
Nhân viên ngân hàng đưa cho Mehdi xấp tiền 48 tờ 100 USD để lựa tờ tiền theo yêu cầu. Mehdi lén rút trộm 16 tờ rồi vờ không đổi tiền nữa và trả xấp tiền lại. Kiểm tra thấy mất tiền, nhân viên cùng bảo vệ ngân hàng đuổi theo bắt được Mehdi giao cho cơ quan công an xử lý.
Bị cáo Fiyoj Mehraban. Ảnh: H.YẾN
Tìm người phiên dịch vất vả
Thời gian qua, chuyện người nước ngoài phạm tội, bị xử lý hình sự ở nước ta xảy ra khá nhiều. Điều làm các cơ quan tố tụng mệt mỏi là việc phiên dịch cho họ.
Cái khó trong việc xử lý các bị can, bị cáo người nước ngoài là phải tìm được người phiên dịch đạt yêu cầu cả về khả năng ngoại ngữ lẫn điều kiện về bằng cấp, chứng chỉ hành nghề. Đối với bị can, bị cáo nói tiếng Anh, tiếng Hoa thì còn dễ tìm người phiên dịch đạt yêu cầu. Tuy nhiên với các thứ tiếng như Iran hay các nước ở Trung Đông, châu Phi..., việc tìm người phiên dịch rất vất vả.
Trong thực tế, có những bị can, bị cáo nước ngoài không biết tiếng phổ thông của nước mình, chỉ biết tiếng địa phương và cơ quan tố tụng phải cố “đốt đuốc” đi tìm người biết tiếng địa phương đó. Tìm được rồi thì lại phải xem người đó có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề đúng với tiếng phổ thông mà người nước ngoài phạm tội mang quốc tịch hay không bởi lẽ cơ quan tố tụng chỉ được trưng cầu người phiên dịch có đủ các điều kiện này. Trong khi đó, có rất nhiều thứ tiếng ở nước ta không có người phiên dịch có bằng cấp và chứng chỉ hành nghề đúng quy định.
Một điều khá oái oăm cũng thường xảy ra là có người tuy có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề nhưng... không phiên dịch được, trong khi cơ quan tố tụng mời người không có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề thì bị can, bị cáo lại nghe, hiểu...
Chi phí tốn kém
Cái khó tiếp theo là chi phí mời người phiên dịch cho các ngoại ngữ không phổ biến khá tốn kém.
Chẳng hạn với bị cáo mang quốc tịch Iran nói trên, TAND TP.HCM đã phải mời người phiên dịch đạt yêu cầu từ Hà Nội vào. Người này phải bay vào TP.HCM sớm trước một ngày tòa mở phiên xử để chuẩn bị. Chỉ một buổi xét xử, tòa phải trả phí cho người phiên dịch là 13 triệu đồng. Ngoài ra, tòa còn phải trả chi phí đi lại, ăn ở để phục vụ công tác của người phiên dịch.
Đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa cũng cho biết chi phí mà CQĐT mời phiên dịch cho một bị cáo người Iran nói trên trong giai đoạn điều tra tốn hết khoảng 30 triệu đồng. Đó là chưa kể trong giai đoạn truy tố, VKS còn phải tốn chi phí dịch thuật cáo trạng tống đạt cho bị cáo.
Sắp tới, TAND TP.HCM sẽ mở phiên xử một bị cáo mang quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng thẻ tín dụng giả rút tiền và sẽ phải mời người phiên dịch từ Quảng Bình vào để tham gia. Chi phí phiên dịch là 400 USD cho phiên xử, chưa tính các chi phí máy bay, ăn ở...
“Tốn kém như vậy cũng phải thực hiện thôi vì nếu không mời thì không đảm bảo được quyền lợi hợp pháp, chính đáng của bị cáo, đồng thời vi phạm tố tụng. Bởi lẽ BLTTHS hiện hành quy định người tham gia tố tụng có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình, trong trường hợp này cần phải có phiên dịch” - một thẩm phán Tòa Hình sự TAND TP.HCM cho biết.
Các tòa “toát mồ hôi” Khi chuẩn bị mở phiên xử một bị cáo người Nga lừa một nạn nhân người Bỉ, TAND TP.HCM “đau đầu” vì phải tìm người phiên dịch đạt yêu cầu cho hai thứ tiếng Nga và Bỉ, nếu tìm không ra là phải hoãn phiên xử. May là giờ chót phía nạn nhân cho biết đã mời được phiên dịch, tòa kiểm tra đạt yêu cầu mới thở phào nhẹ nhõm. Vụ khác, khi TAND TP.HCM xử sơ thẩm một bị cáo người Malaysia có hành vi sử dụng thẻ tín dụng giả rút tiền, bị cáo yêu cầu phiên dịch tiếng Hoa. Đến phiên xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP.HCM mời tiếp người phiên dịch tiếng Hoa này cho bị cáo thì bị cáo bất ngờ đòi phải có phiên dịch... tiếng Anh. “Phiên tòa phúc thẩm phải hoãn để tìm người phiên dịch tiếng Anh cho bị cáo nhưng chi phí mời phiên dịch tiếng Hoa và tiếng Anh thì tòa đều phải trả cả” - vị thư ký phiên tòa thở dài khi nhắc lại. |