Sáng 8-6, TAND TP.HCM đã mở phiên xử sơ thẩm vụ 31 cán bộ, công chức hải quan ở An Giang, TP.HCM tiếp tay cho doanh nghiệp chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng.
Sử dụng tiếng Việt thành thạo, không cần?
Tại phiên tòa, trong phần thủ tục, luật sư của bị cáo Hứa Châu (giám đốc Công ty TNHH TM MTV Lâm Kim Ngọc, bị truy tố về hai tội buôn lậu, lừa đảo chiếm đoạt tài sản) đã đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa, trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Theo luật sư, bị cáo Châu là người Việt gốc Hoa nhưng trong giai đoạn điều tra không có người phiên dịch là vi phạm tố tụng.
Yêu cầu của luật sư không được HĐXX chấp nhận. Theo thẩm phán chủ tọa, bị cáo Châu sinh ra và lớn lên ở TP.HCM, làm chủ một doanh nghiệp và thực hiện mọi giao dịch bằng tiếng Việt. Do đó, việc bị cáo không có người phiên dịch trong giai đoạn điều tra không vi phạm tố tụng. Tuy nhiên, ở phiên tòa này, do xét thấy trình độ học vấn của bị cáo chỉ là 3/12 nên HĐXX đã mời người phiên dịch để đảm bảo cho bị cáo hiểu rõ hơn các từ ngữ trong vụ án.
Trong thực tiễn, chuyện cơ quan tố tụng có phải mời người phiên dịch cho bị can, bị cáo là người Việt gốc nước ngoài hay không vẫn đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi.
Tháng 9-2014, tại phiên xử sơ thẩm của TAND TP.HCM trong vụ ba bị cáo nguyên là kế toán, thu ngân “rút ruột” hàng triệu USD của hãng hàng không China Airlines, luật sư của hai bị cáo Lữ Cẩm Hy và Diệp Kinh Chi (người Việt gốc Hoa) cho rằng Hy và Chi có trình độ nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt dưới mức bình thường. Những vấn đề, tình tiết tương đối phức tạp thì Hy và Chi phải sử dụng tiếng nói, chữ viết bằng tiếng Hoa. Quá trình điều tra, điều tra viên (ĐTV) toàn sử dụng tiếng Việt, chữ Việt nên có nhiều lời nói, nhiều chữ của ĐTV Hy và Chi không hiểu rõ, gây bất lợi cho họ. Cạnh đó, cơ quan điều tra (CQĐT) không thông báo cho Hy và Chi biết có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình...
Đối đáp, đại diện VKS nói Hy và Chi học cấp 1, 2, 3 và học cao đẳng tại Việt Nam nên việc sử dụng tiếng Việt là thành thạo, không cần thiết phải có phiên dịch.
Không đồng tình, luật sư cho rằng đại diện VKS suy đoán bất lợi cho Hy và Chi. Bởi lẽ BLTTHS không hề quy định đối với người Việt gốc Hoa có trình độ cao đẳng như Hy và Chi thì ĐTV đương nhiên được quyền sử dụng tiếng Việt. BLTTHS cũng không đề cập đến tình huống ngoại trừ, ngoại lệ trong quy định người tham gia tố tụng có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình (Điều 24). Hơn nữa, Hy và Chi có thể sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp hằng ngày nhưng trong các lĩnh vực chuyên môn, nhất là hoạt động tố tụng thì có khả năng rất cao là họ không hiểu tường tận ý nghĩa, hậu quả pháp lý của từ ngữ sử dụng...
Bị cáo Hứa Châu (giám đốc Công ty TNHH TM MTV Lâm Kim Ngọc) trong phiên tòa ngày 8-6. Ảnh: H.YẾN
Trao đổi với PV sau phiên tòa, thẩm phán chủ tọa cho biết nếu chỉ lý luận đơn thuần rằng bị can, bị cáo là người Việt gốc Hoa nên CQĐT bắt buộc phải mời người phiên dịch là chưa đủ. BLTTHS quy định họ có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình nhưng quan trọng là khả năng sử dụng tiếng Việt, chữ Việt của họ như thế nào.
Ở vụ án này, nếu trong giai đoạn điều tra, Hy và Chi không hiểu câu hỏi bằng tiếng Việt cũng như chỉ sử dụng được tiếng Hoa trả lời thì ĐTV phải mời phiên dịch. Thực tế đã có đại diện nguyên đơn dân sự khi làm việc với ĐTV nói không rành tiếng Việt và CQĐT mời ngay người phiên dịch. Tuy nhiên, Hy và Chi thì lại khác: Họ hiểu câu hỏi tiếng Việt, trả lời rõ bằng tiếng Việt, viết lời khai rõ ràng bằng chữ Việt thì không nhất thiết phải mời phiên dịch.
Cũng theo chủ tọa, khi hồ sơ chuyển qua tòa, Hy, Chi cùng luật sư làm đơn đề nghị mời phiên dịch và tòa đã chấp thuận. Trong ba ngày xét xử, Hy và Chi chỉ cần hai lần phiên dịch sau khi nghe chủ tọa hỏi. Còn với các câu hỏi của đại diện VKS hay luật sư tại phiên tòa thì không bị cáo nào yêu cầu phiên dịch cả (kết thúc phiên xử, Hy bị phạt 12 năm tù, Chi bị phạt 14 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản).
Phải hỏi nghi can ngay từ đầu
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều thẩm phán ở TP.HCM cho biết họ có kinh nghiệm về vấn đề này vì trong ngành từng có vụ bản án sơ thẩm bị tòa phúc thẩm hủy do quá trình điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm đã không mời phiên dịch cho một bị cáo người Việt gốc Hoa.
Đó là vụ án của bị cáo Trần Tị. Theo hồ sơ, Tị nhận phơi đề từ “chân rết” theo yêu cầu để hưởng hoa hồng... Xử sơ thẩm, TAND quận 11 phạt Tị ba năm tù về tội tổ chức đánh bạc. Tị kháng cáo xin hưởng án treo.
Tại phiên xử phúc thẩm, Tị bất ngờ yêu cầu phải có người phiên dịch vì “không hiểu tiếng Việt” dù trước đó trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, Tị không hề nhắc đến việc này. Tị khai rằng mình bị oan, tất cả lời khai tại CQĐT là do ĐTV ghi, còn ở phiên sơ thẩm thì bị cáo có khai báo nhưng... không hiểu gì.
Cả đại diện VKS lẫn luật sư của Tị đều cho rằng việc cấp sơ thẩm không mời người phiên dịch cho bị cáo đã vi phạm Điều 24 BLTTHS, cần phải hủy án để điều tra, xét xử lại. Tòa phúc thẩm đồng tình rằng cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng, mặt khác Tị có dấu hiệu phạm tội đánh bạc chứ không phải tổ chức đánh bạc nên hủy án.
Kinh nghiệm mà các thẩm phán rút ra sau vụ án là cơ quan tố tụng phải xác định rõ bị can, bị cáo là người Việt gốc nước ngoài có cần người phiên dịch hay không. Nếu họ không cần hay từ chối người phiên dịch thì cơ quan tố tụng phải lập thành biên bản và lưu vào hồ sơ.
CQĐT phải làm chặt chẽ CQĐT bắt buộc phải mời người phiên dịch nếu bị can là người nước ngoài; người dân tộc ít người không biết tiếng Việt; người Việt bị khuyết tật câm, điếc bẩm sinh. Còn riêng đối với trường hợp bị can là người Việt có gốc nước ngoài thì ngay từ đầu, CQĐT phải xác định rõ là họ sử dụng tiếng Việt có thành thạo hay không, có yêu cầu người phiên dịch hay không. Nếu họ sử dụng tiếng Việt không thành thạo hay có yêu cầu phiên dịch, CQĐT phải mời người phiên dịch để đảm bảo quyền lợi cho họ. Trường hợp họ không có yêu cầu phiên dịch thì cần lập thành biên bản. Pháp luật hình sự có các chế tài rất nghiêm khắc với người phạm tội nên thủ tục tố tụng phải rất chặt chẽ. Nếu CQĐT làm kỹ ngay từ đầu thì sẽ không xảy ra trường hợp đến ngày xử phúc thẩm, bị cáo bỗng nhảy dựng lên đòi phiên dịch để rồi bản án sơ thẩm bị hủy. Một kiểm sát viên VKS Cấp cao tại TP.HCM |