Tình trạng “một giấy phép xây chục căn nhà” trên địa bàn huyện Hóc Môn , TP HCM đã giảm. Tuy nhiên, hiện phát sinh nhiều hệ lụy từ việc mua bán giấy tay những căn nhà này.
Trong đó, rắc rối lớn nhất khiến chính quyền địa phương lo ngại là chủ đầu tư sau khi bán nhà cho người dân lại tiếp tục mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở thế chấp ngân hàng .
Bỗng dưng bị phát mãi
Chị Trương Thị Kim Huệ, 1 trong 5 hộ dân mua dãy nhà của ông Tr.C.Đ và bà H.T.T.L (nhà số 40/60/9 ấp 3, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn), chua xót kể: “Tôi mua nhà của vợ chồng bà L. từ năm 2010, hai bên chỉ làm giấy tờ tay. Bà L. hứa khi bán hết 5 căn nhà sẽ giao sổ hồng cho mọi người nhưng chờ mãi vẫn không thấy. Sốt ruột, chúng tôi hỏi thì bà L. nói: “Cứ chờ, không lẽ 5 hộ lại giao cho 1 hộ?”.
Đầu năm 2013, một nhân viên ngân hàng đến thông báo khu nhà này đã bị bà L. gán nợ, chuẩn bị phát mãi. Theo nhân viên này, 5 căn nhà của chúng tôi được bà L. thế chấp 800 triệu đồng. Hiện chúng tôi đang vay nợ, dự kiến mỗi hộ gần 50 triệu đồng để cùng vợ chồng bà L. chuộc lại sổ hồng”.
Cùng tình cảnh, chị Phan Thị Chiêu Ly cho biết khi biết tin, mọi người viết đơn khiếu nại lên UBND xã nhưng hòa giải không thành. Người dân gửi đơn lên tòa án, nơi đây yêu cầu đóng án phí 12 triệu đồng/hộ. “Do án phí cao, nhiều hộ không có tiền. Hơn nữa, nếu kiện ra tòa mà bà L. không có khả năng trả nợ thì cũng không giải quyết được gì nên đành phải chạy nợ để phụ bà ta chuộc sổ hồng. Trong khi chúng tôi đều có thu nhập thấp, nhiều người mua nhà đến giờ vẫn mắc nợ ngân hàng” - chị Ly bức xúc.
Ngoài thế chấp 5 căn nhà này, bà L. còn thế chấp thêm 4 căn nhà khác. Tại khu nhà không số tổ 12, ấp 2, xã Đông Thạnh cũng có 4 hộ dân sống trong tình cảnh nơm nớp lo sợ vì không rõ số phận căn nhà mình đang ở sẽ thế nào. Họ mua nhà bằng giấy tờ tay, đến khi yêu cầu chủ đầu tư (ông V.V.H) giao giấy tờ nhà thì mới phát hiện ông này đã mang cầm cố ngân hàng.
Cùng đứng tên sở hữu
Theo UBND huyện Hóc Môn, tính đến cuối năm 2013, toàn huyện có 81 trường hợp “một giấy phép xây nhiều căn nhà”, với hàng trăm căn được bán giấy tay không thông qua chính quyền địa phương, gây khó khăn cho quản lý nhà nước về trật tự xã hội, dân sinh. Tình trạng này tập trung nhiều ở các xã Thới Tam Thôn, Đông Thạnh, Xuân Thới Thượng… Nguyên nhân là do thiếu cơ sở pháp lý để xử lý hành vi trên.
Cụ thể, công trình không tăng diện tích xây dựng, không tăng tầng cao, không vi phạm khoảng lùi và mật độ xây dựng nên chiếu theo khoản 1, điều 4 của Thông tư 24 Bộ xây dựng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản; khai thác; sản xuất; kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật… thì không sai giấy phép. Trong Thông tư 24 cũng không quy định phải xử phạt chủ đầu tư thay đổi kết cấu bên trong công trình mà không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực.
Để giải quyết hậu quả của hàng trăm căn nhà với hàng ngàn người dân đang sinh sống, ông Hà Ngọc Hùng, Trưởng Phòng Quản lý đô thị huyện Hóc Môn, cho biết: “UBND huyện đang rà soát các trường hợp chủ đầu tư không vi phạm diện tích xây dựng để hợp thức hóa nhà đất cho họ, khi đó các hộ dân có thể cùng đứng tên sở hữu trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và đất ở. Như vậy, nhà nước dễ quản lý đất đai, hạn chế tranh chấp giữa chủ đầu tư và người dân”.
Có nhà cũng như không Đó là tình cảnh chung của hàng trăm hộ dân đang sống trong những căn nhà chung giấy phép xây dựng. Người dân không thể đăng ký hộ khẩu do nhà không được cấp số (chủ đầu tư chưa hoàn công, chưa hợp thức hóa giấy tờ nhà). Họ cũng không được cấp sổ KT3 vì không có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở; không thể đăng ký tạm trú theo dạng thuê, mượn hoặc ở nhờ của cá nhân nào. “Việc học hành của con cái phải cậy chỗ này chỗ nọ, đến giấy tờ tùy thân của mình muốn làm gì cũng quay về quê mới được. Có nhà mà cũng như không!” - chị Nguyễn Thanh Thủy (ấp Tam Đông 1, xã Thới Tam Thôn) than thở. |
Theo THU HỒNG (NLĐ)