Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đưa ra tại Lễ kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống lao (24-3) do Chương trình Chống lao quốc gia tổ chức ngày 22-3.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, năm 2024 đánh dấu tròn 10 năm Chiến lược quốc gia phòng, chống lao được Chính phủ phê duyệt. Việc triển khai Chương trình Chống lao quốc gia cũng đạt được nhiều thành tựu.
Cụ thể, năm 2023 có 106.086 trường hợp mắc bệnh lao được phát hiện, tăng so với cùng kỳ năm 2021 và 2022 lần lượt là 34,4% và 2,2%.
Phát hiện lao kháng đa thuốc năm 2023 là 3.775 bệnh nhân, cao hơn các năm 2020, 2021, 2022 lần lượt là 7,8%, 45,8% và 9,5%.
Tỉ lệ điều trị thành công của lô bệnh nhân năm 2022 được duy trì ở mức trên 90%.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao trên thế giới.
Ước tính mỗi năm Việt Nam có thêm 172.000 ca mắc bệnh lao mới và khoảng 13.000 người tử vong do căn bệnh này. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động.
Đáng lưu ý, số bệnh nhân lao được phát hiện chỉ chiếm 60% tổng số bệnh nhân lao ước tính. Gia đình của người mắc bệnh phải chi trả chi phí điều trị cao, vượt 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình.
“Lao là vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam là giảm nguy cơ tử vong cho hơn 13.000 người mỗi năm và hàng trăm nghìn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao”, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.
Theo bác sĩ Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng ban điều hành chương trình chống lao quốc gia, so với miền Bắc và miền Trung thì dịch tễ lao tại miền Nam nặng nề hơn rất nhiều, đặc biệt tại các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ với khoảng 400-500 ca mắc/ 100.000 dân.
Bên cạnh đó, nguy cơ bùng phát bệnh lao trong cộng đồng vẫn còn rất cao, tốc độ giảm số ca mắc bệnh quá chậm. Trong khi đó, kinh phí đầu tư cho công tác chống lao rất thấp.
Việt Nam đặt mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035. Để đạt được mục tiêu này, lãnh đạo Chương trình Chống lao quốc gia đề xuất bao phủ y tế toàn dân, tăng cường vai trò của hệ thống y tế cơ sở, tăng chi từ quỹ BHYT.
Đồng thời, mở rộng áp dụng công cụ chẩn đoán mới, thuốc và vaccine mới, cũng như các cách tiếp cận, can thiệp mới nhằm phát hiện và điều trị lao sớm để cắt đứt nguồn lây nhiễm.
Cũng tại buổi lễ, TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá cao những cam kết và thành tựu mà Việt Nam đạt được trong công tác phòng chống bệnh lao.
“Chi phí điều trị bệnh lao đã được BHYT chi trả. Điều này rất quan trọng. Bởi, nếu bệnh nhân lao được chẩn đoán mắc bệnh sớm thì sẽ được điều trị sớm, nhưng chỉ có thể điều trị tận gốc căn bệnh này khi người bệnh cần được hỗ trợ về tài chính”, bà Angela Pratt chia sẻ.
Theo đại diện WHO, vẫn tồn tại một số vấn đề trong công cuộc phòng chống lao ở Việt Nam cần được giải quyết để có thể thực hiện mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035.
Cụ thể, từ trước đến nay Việt Nam luôn sự hỗ trợ của WHO và nhiều tổ chức khác trên thế giới trong phòng chống bệnh lao. Tuy nhiên, Việt Nam hiện là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, do vậy, những hỗ trợ này sẽ giảm trong tương lai.
“Vì vậy, công tác phòng chống lao rất cần sự hỗ trợ của các tổ chức trong nước. Ngành y tế cần phải đầu tư nguồn lực để có thể huy động được nhiều nguồn hỗ trợ nội địa”, bà Angela Pratt nói.
Ngày Thế giới phòng, chống lao diễn ra vào 24-3 hàng năm, là dịp nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với bệnh lao, đẩy mạnh nỗ lực chấm dứt dịch bệnh lao trên toàn cầu.
Theo WHO, Việt Nam là quốc gia thứ 11 trong số 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao, lao kháng thuốc cao trên thế giới.
Năm 2024, Chương trình Chống lao quốc gia chọn chủ đề “Đúng! Việt Nam có thể chấm dứt bệnh lao”, như một lời cam kết và khẳng định mạnh mẽ rằng việc “thanh toán” bệnh lao tại Việt Nam là hoàn toàn có thể.