Khởi công 3 tuyến cao tốc: Cú hích lớn cho nền kinh tế VN

Theo Bộ GTVT, cả ba dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam đồng loạt khởi công ngày 30-9 dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2022.

Theo đó, khi ba dự án này hoàn thành sẽ kết nối và liên thông liền mạch giữa các vùng kinh tế trọng điểm từ Bắc vào Nam, góp phần phát triển về mọi mặt cho đất nước.

Từng bước hình thành cao tốc Bắc - Nam

Ba dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam được khởi công vào ngày 30-9 gồm: Dự án Mai Sơn - quốc lộ 45 (Thanh Hóa), dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận) và dự án Phan Thiết (Bình Thuận) - Dầu Giây (Đồng Nai).

Phát biểu tại lễ khởi công dự án Mai Sơn - quốc lộ 45, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Ngày 30-9 là một ngày có ý nghĩa đối với đất nước, đặc biệt đối với ngành giao thông vì đồng loạt triển khai các dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam.

Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị liên quan không được bán thầu, nhiều thầu phụ ăn chênh lệch; không được sử dụng vật liệu kém chất lượng để thi công; không làm sai các định mức, tiêu chuẩn kỹ thuật.

Thủ tướng yêu cầu những đơn vị được đấu thầu, trúng thầu công khai phải làm đúng chất lượng, không được làm dối, làm ẩu, ảnh hưởng đến chất lượng công trình, để lại tai tiếng.

“Làm sai thì phải xử lý nghiêm, phải bảo đảm an toàn lao động, an ninh trật tự. Công trình cao tốc Bắc - Nam phải là công trình mẫu mực…” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại khu vực phía Nam, hai dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây khi hoàn thành sẽ kết nối trực tiếp với tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, tạo thành một đoạn cao tốc đồng bộ, xuyên suốt từ TP.HCM tới Bình Thuận.

Tại địa điểm khởi công dự án Phan Thiết - Dầu Giây, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho biết: Việc đầu tư và đưa vào sử dụng các tuyến đường cao tốc có tác động rất lớn trong việc phát triển kinh tế, đánh thức tiềm năng của nhiều vùng, miền. Đường cao tốc mở đến đâu, kinh tế phát triển đến đó và người dân được hưởng lợi lớn từ những tuyến đường này.

Riêng dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây khi hoàn thành sẽ khắc phục tình trạng ách tắc và tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên quốc lộ 1A.

Dự án này sẽ góp phần kết nối với các tỉnh Nam Trung bộ, Nam bộ và duyên hải miền Trung; góp phần phát triển du lịch, cảng biển, khu công nghiệp… Đây là cú hích cho sự phát triển về mọi mặt, nhất là kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và phát huy hết tiềm năng của khu vực.

Tại địa điểm khởi công dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay: Đây là công trình quan trọng, không chỉ tạo động lực cho tỉnh Bình Thuận phát triển mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực phía Nam.

Vì vậy, phó thủ tướng đề nghị các đơn vị tư vấn, nhà thầu tập trung huy động tối đa nhân lực, thiết bị, máy móc, vật tư, vật liệu… để đảm bảo dự án được thực hiện một cách an toàn trong quá trình thi công lẫn trong quá trình khai thác, sử dụng. Đồng thời phải đảm bảo an toàn tính mạng con người, môi trường, chất lượng công trình; đảm bảo hiệu quả, chống thất thoát trong đầu tư xây dựng và đảm bảo đúng tiến độ; sử dụng hiệu quả vốn đầu tư xây dựng để sớm đưa công trình hoàn thành đúng tiến độ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công. Ảnh: TTXVN

Tạo sự liền mạch giữa các nền kinh tế trọng điểm

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, đánh giá: Hiện nay khu vực phía Nam còn quá ít đường cao tốc. Do đó, việc phát triển các tuyến đường cao tốc kết nối giữa các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là hết sức cần thiết. Sự kết nối này sẽ tạo nên một hệ thống giao thông hoàn chỉnh, đồng bộ từ miền Trung vào TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL.

Theo ông Cương, Bộ GTVT đã đồng loạt khởi công ba đoạn cao tốc. Trong đó, hai dự án Phan Thiết - Dầu Giây và Phan Thiết - Vĩnh Hảo có sự kết nối, đồng bộ và chuyển tiếp, tạo sự liền mạch giữa các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cụ thể, hai đường cao tốc này sau khi hoàn thành sẽ kết nối với hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam từ Dầu Giây đến Cần Thơ, gồm các tuyến: TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận…

Hiện công tác thi công dự án có nhiều thuận lợi từ việc giải phóng mặt bằng, khu vực cung cấp vật tư và kỹ thuật luôn sẵn sàng. Hiện dự án không gặp khó khăn gì trong quá trình thi công nên nhà thầu luôn coi tiến độ là một pháp lệnh, tránh gây sự thất thoát và đặt tiến độ lên hàng đầu.

Nhận thức được vai trò của mình, Vinaconex luôn tiên phong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động thi công xây lắp… nỗ lực đưa dự án hoàn thành vượt tiến độ đề ra, đảm bảo về chất lượng kỹ - mỹ thuật và an toàn lao động.

Ông ĐÀO NGỌC THANHChủ tịch HĐQT Vinaconex (nhà thầu xây dựng dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây)

Hầu hết các dự án đều gặp khó khăn về mặt bằng, song dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã nhận được 99% mặt bằng sạch từ địa phương (đi đầu cả nước về giải phóng mặt bằng trong ba dự án khởi công ngày 30-9). Đây là động lực rất lớn cho chủ đầu tư và đơn vị thi công để đưa dự án hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

Tuy nhiên, để đưa dự án hoàn thành đúng tiến độ, Ban quản lý dự án 7 (Bộ GTVT) đã yêu cầu đơn vị thi công chuẩn bị mọi nguồn lực như trang thiết bị, nhân công, nguồn nguyên vật liệu để triển khai ngay công tác thi công.

Với sự nỗ lực của Ban quản lý dự án 7, nhà thầu thi công, chúng tôi quyết tâm nỗ lực đưa dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết hoàn thành đúng tiến độ theo kế hoạch đề ra là năm 2022.

Ông HOÀNG TUẤN KHOÁT, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án 7 (đơn vị thực hiện dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết)

Từ đó, các tuyến cao tốc này tạo thành tuyến đường cao tốc liền mạch dài gần 400 km đi qua các trung tâm kinh tế, các đầu mối giao thông quan trọng ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, liên kết khu vực miền Trung với miền Nam.

“Đồng thời, Nhà nước cần coi TP.HCM là trung tâm của các đầu mối giao thông khu vực phía Nam để có thể phát triển nhiều tuyến đường giao thông hơn nữa” - TS Kim Cương góp ý.

Đồng quan điểm, TS Ngô Châu Phương, giảng viên Trường ĐH GTVT Hà Nội, cho rằng việc khởi công đồng loạt ba dự án cao tốc là một tín hiệu mừng, cho thấy Đảng và Chính phủ đang tập trung mọi nguồn lực cho hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam này.

Theo đó, việc phát triển tuyến cao tốc này sẽ góp phần giảm sự quá tải, giảm tình trạng ùn tắc giao thông cho quốc lộ 1, quốc lộ 14. Đồng thời, việc đi lại giữa các địa phương sẽ rút ngắn thời gian, khoảng cách, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và du lịch. Đặc biệt, quá trình vận tải hành khách, hàng hóa sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí.

“Tuy nhiên, để dự án được hoàn thành đúng tiến độ thì nguồn vốn và giải phóng mặt bằng phải luôn sẵn sàng. Để làm được điều này, các địa phương và Chính phủ cần quyết liệt, sốt sắng để đưa dự án hoàn thành đúng tiến độ” - TS Châu Phương nhận định.

Nỗ lực hoàn thành đúng tiến độ

Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho biết thời gian qua Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương triển khai thực hiện các dự án.

Ba dự án được khởi công ngày 30-9 cùng với các dự án thành phần khác sẽ từng bước hình thành nên tuyến cao tốc trên tuyến Bắc - Nam, có năng lực lớn, an toàn, tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu vận tải khách và hàng hóa.

Việc triển khai khởi công ba dự án thành phần trên nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, nâng cao an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm cho người dân. Đồng thời, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

“Chỉ khoảng hai năm nữa, sau khi hoàn thành hơn 600 km đường cao tốc, chúng ta sẽ có tuyến đường cao tốc tốt nhất Việt Nam đi qua nhiều địa phương và chạy dọc theo chiều dài đất nước kết nối với nhiều cảng biển và khu công nghiệp” - ông Đông kỳ vọng.

Tương tự, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đánh giá: Ba dự án khởi công ngày 30-9 cùng với ba dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công đang được thi công gồm Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2 (dự kiến hoàn thành trong năm 2021) thì hình hài trục cao tốc Bắc - Nam xuyên Việt đang dần được hình thành.

Hành lang vận tải Bắc - Nam kết nối thủ đô Hà Nội và TP.HCM đi qua 32 tỉnh, thành và kết nối bốn vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, miền Trung, phía Nam và vùng ĐBSCL có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước.

“Với mức độ ảnh hưởng như vậy, có thể nói đây là hành lang vận tải quan trọng nhất, có tính lan tỏa nhất, tạo động lực phát triển kinh tế cả nước…” - ông Thọ cho hay. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới