Khởi công hàng loạt tuyến đường mở ra kết nối, phát triển

Khởi công hàng loạt tuyến đường mở ra kết nối, phát triển

(PLO)- Khởi công đường vành đai 3 và 2 tuyến cao tốc 115.000 tỉ đồng

Sáng 18-6, UBND TP.HCM và UBND hai tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đắk Lắk phối hợp cùng Bộ GTVT tổ chức lễ khởi công dự án đường vành đai 3 (VĐ3) TP.HCM và giai đoạn 1 của hai cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu.

Lễ khởi công được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính TP.HCM với các điểm cầu tại hai tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Đắk Lắk với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, lãnh đạo các cấp trung ương và địa phương.

Đường VĐ3: Con đường kết nối, phát triển

Tại điểm cầu TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã gửi lời cảm ơn đến Chính phủ, Quốc hội, các đơn vị và các hộ dân đã quan tâm, ủng hộ TP đầu tư dự án đường VĐ3 TP.HCM.

Ông Mãi nói sau một năm tích cực triển khai giải phóng mặt bằng, đến hôm nay, dự án đường VĐ3 TP.HCM đã đủ điều kiện để khởi công cùng hai dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Đây là cột mốc quan trọng trong tiến trình triển khai dự án.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo TP.HCM nghe trình bày về dự án đường vành đai 3 TP.HCM tại lễ khởi công. Ảnh: NHẬT DIỄM

Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo TP.HCM nghe trình bày về dự án đường vành đai 3 TP.HCM tại lễ khởi công. Ảnh: NHẬT DIỄM

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại lễ khởi công. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại lễ khởi công. Ảnh: TTXVN

“Đường VĐ3 TP.HCM là công trình ý Đảng, lòng dân, là con đường kết nối, con đường phát triển. Những việc thời gian qua đã làm là rất lớn, rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, thời gian tới TP.HCM cùng với các địa phương sẽ tiếp tục tập trung giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành dự án đúng kế hoạch” - Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nói.

Ông Mãi cam kết với Chính phủ, các lãnh đạo và nhân dân sẽ phối hợp với các bộ, ngành trung ương theo dõi sát sao để công trình đường VĐ3 TP.HCM thông xe kỹ thuật vào năm 2025, hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026.

TP.HCM cũng đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan cùng nhau phối hợp đẩy nhanh hoàn thành dự án. TP.HCM đề nghị Chính phủ, Thủ tướng và trung ương tiếp tục quan tâm, đầu tư các công trình giao thông trọng điểm ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

“TP.HCM mong bà con nhân dân, các tổ chức, các hộ gia đình tiếp tục đồng hành, ủng hộ. Hãy cùng là đồng tác giả của công trình trọng điểm này, đường VĐ3 TP.HCM” - ông Mãi nói.

Ba dự án có tổng vốn khoảng 115.000 tỉ đồng

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết đến nay ngành GTVT đã đưa vào khai thác, sử dụng khoảng 1.729 km đường cao tốc. Tuy nhiên, vùng động lực kinh tế Đông Nam Bộ mới chỉ có 147 km đường cao tốc, vùng tiềm năng Tây Nguyên cũng mới chỉ có 19 km đường cao tốc.

Thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.000 km đường cao tốc, các dự án hôm nay đồng loạt triển khai có vai trò rất quan trọng với tổng vốn khoảng 115.000 tỉ đồng.

Trong đó, dự án đầu tư xây dựng đường VĐ3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,3 km, đi qua bốn địa phương: TP.HCM (47,35 km), Đồng Nai (11,26 km), Bình Dương (10,76 km), Long An (6,81 km); sơ bộ tổng mức đầu tư 75.378 tỉ đồng, cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.

Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có chiều dài khoảng 53,7 km (tỉnh Đồng Nai khoảng 34,2 km, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khoảng 19,5 km). Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 90 để triển khai dự án với tiến độ yêu cầu cơ bản hoàn thành vào năm 2025, hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án vào năm 2026.

Công trình sau khi hoàn thành sẽ kết nối với cao tốc Bắc - Nam phía đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển; phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép - Thị Vải.

Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 117,5 km, mục tiêu cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn vào năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án vào năm 2027.

Khi hoàn thành, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 sẽ góp phần hình thành trục ngang kết nối vùng Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối hệ thống trục dọc (cao tốc Bắc - Nam phía đông, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1, đường bộ ven biển), tạo dư địa, động lực phát triển không gian vùng.

Thủ tướng biểu dương TP.HCM

Đánh giá tầm quan trọng của tuyến đường này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Dự án đường VĐ3 TP.HCM có chiều dài hơn 76 km, tổng mức đầu tư hơn 75.000 tỉ đồng. Như vậy, mỗi kilomet là 1.000 tỉ đồng để đầu tư cho dự án này.

Quốc hội, Chính phủ đã đưa ra nhiều cơ chế đặc thù cho các dự án, đã giao cho các địa phương. Thứ nhất là cơ chế đặc thù, phân cấp, phân quyền cho địa phương. Theo Thủ tướng, hiện nay rất nhiều dự án đường cao tốc cần triển khai, nếu chờ Bộ GTVT thì sẽ rất khó khăn.

Thứ hai là việc áp dụng cơ chế huy động vốn, áp dụng ngân sách trung ương và địa phương. Đơn cử như dự án đường VĐ3 TP.HCM đã được áp dụng cơ chế mới trong huy động tổng lực các nguồn vốn.

Thứ ba là việc áp dụng chỉ định thầu một số gói thầu đã giúp triển khai nhanh, phát huy tối đa hoàn thành mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông, không cầu toàn, không nóng vội. Thủ tướng cho rằng ba cơ chế này đã rút ngắn được rất nhiều thời gian.

Liên quan đến việc giải phóng mặt bằng, theo Thủ tướng, khâu bồi thường giải phóng mặt bằng mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, đến nay TP.HCM đã có hơn 87% mặt bằng để làm dự án. Đây đều là sản phẩm được cân đo đong đếm và có thể nhìn thấy được.

“Huy động vốn đã khó, giải phóng mặt bằng nhanh còn khó hơn và TP.HCM đã làm rất tốt. Tôi xin biểu dương. Đây cũng là cột mốc rất đáng trân trọng, bài học kinh nghiệm tiếp theo cho các dự án tới. Lần đầu tiên giao cho TP.HCM quản lý dự án lớn, liên vùng và dự án đã đạt được thành công bước đầu rất đáng trân trọng” - Thủ tướng nói.

Qua sự kiện khởi công đồng loạt ba dự án, Thủ tướng đánh giá cao và ghi nhận các địa phương, đặc biệt là TP.HCM trong quá trình thực hiện các dự án.•

Năm 2025 sẽ có trên 3.000 km cao tốc đưa vào khai thác

Dự lễ khởi công tại đầu cầu TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói hôm 18 - 6 rất vui mừng khi cùng bà con đón chào lễ khởi công đường VĐ3 TP.HCM và các dự án giao thông quan trọng.

Dự án đường VĐ3 TP.HCM, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột với tổng vốn khoảng 115.000 tỉ đồng. Hạ tầng giao thông chiến lược phát triển đến đâu sẽ mở không gian phát triển đến đó. Nơi nào hạ tầng phát triển nơi đó kinh tế tốt, thực tế đã chứng minh điều này.

20 năm qua, Việt Nam mới có 1.163 km đường cao tốc. Đây là giai đoạn đầu phát triển cao tốc, chưa có nhiều kinh nghiệm, song làm được như vậy cũng đã rất tự hào và trân trọng.

Theo Thủ tướng, mục tiêu đến năm 2030 cả nước phấn đấu đạt ít nhất 5.000 km. Để hoàn thành mục tiêu này, chúng ta phải quyết tâm cao, hành động quyết liệt để năm 2025 sẽ có trên 3.000 km đường cao tốc đưa vào khai thác.

“Như vậy, chúng ta còn phải làm gần 2.000 km từ nay đến năm 2025. Nhiệm vụ sắp tới rất nặng nề, song chúng ta có thể học hỏi từ những bài học đi trước và khắc phục những bất cập ở giai đoạn trước. Nếu chúng ta quyết tâm cao độ thì từ nay tới năm 2025 có thể hoàn thành được khoảng 3.000 km đường cao tốc” - Thủ tướng nói.

Ba dự án khởi công này được áp dụng cơ chế đặc thù khi giao cho địa phương làm chủ quản dự án. Áp dụng nguồn lực cơ chế ngân sách từ nhiều nguồn, từ địa phương và trung ương. Cùng với các cơ chế đặc thù đã giúp chúng ta rút ngắn thời gian, đột phá trong cơ chế, chính sách.

Thủ tướng cảm ơn tình cảm, trách nhiệm của nhân dân cả nước đã nhường phần đất, nhà ở, nơi sinh kế nhiều năm để triển khai dự án.

Về quan điểm chung, công tác giải phóng mặt bằng phải đảm bảo bố trí chỗ ở cho người dân bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Từ đó, cơ quan quản lý mới nhận được sự đồng thuận cao từ nhân dân.

Để công trình đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, tỉnh/ thành được giao tập trung phát huy tinh thần trách nhiệm, đảm bảo chất lượng, hoàn thành đúng tiến độ. Đặc biệt, không để dự án đội vốn bất hợp lý, không để xảy ra tham nhũng.

“Sắp tới còn nhiều khó khăn như công tác giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng, bãi đổ thải, khối lượng thi công lớn trong khoảng thời gian dài... Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh/thành cần “vượt nắng, thắng mưa” để đảm bảo tiến độ các dự án.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị huy động tối đa máy móc, trang thiết bị hiện đại và rút kinh nghiệm từ các dự án giai đoạn trước hoàn thành nhiệm vụ đề ra. Các nhà tư vấn, giám sát thiết kế phải thường xuyên kiểm tra, tăng cường tiêu chuẩn giám sát vô tư, không cả nể.

Các đơn vị, bộ, ngành và UBND bảy tỉnh/ thành tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để dự án bắt tay ngay vào triển khai, kiểm soát tiến độ dự án. Các nhà thầu phải triển khai ngay để đảm bảo chất lượng công trình. Đặc biệt, địa phương phải đảm bảo 100% mặt bằng trong quý III-2023 và chậm nhất phải hoàn thành trước ngày 31-12-2023 để dự án hoàn thành đúng tiến độ.

Ông LÊ ANH TUẤN, Thứ trưởng Bộ GTVT:

Bộ GTVT cam kết hỗ trợ tối đa

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn. Ảnh NHẬT DIỄM
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn. Ảnh NHẬT DIỄM

Thời gian vừa qua, các đơn vị đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, đảm bảo điều kiện khởi công đồng loạt ba dự án hôm nay. Tuy nhiên, đây mới là kết quả thành công bước đầu.

Để đảm bảo tiến độ của các dự án, các địa phương, ban quản lý dự án, chủ đầu tư cần tăng tốc, đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng, quan tâm thực hiện công tác tái định cư cho người dân sớm nhất có thể, đảm bảo các mỏ nguyên liệu, quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu tổ chức thi công ngay từ những ngày đầu; không đùn đẩy trách nhiệm giữa các đơn vị, xây dựng phương án thi công khoa học, đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn cho dự án.

Bộ GTVT cam kết hỗ trợ tối đa, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong quá trình thực hiện để hoàn thiện các dự án với chất lượng tốt nhất, đúng tiến độ.

Ông NGUYỄN VĂN THỌ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu:

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu: Phá thế độc đạo của Quốc lộ 51

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh Khánh Ly
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh Khánh Ly

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là con đường huyết mạch, tạo kết nối hạ tầng quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó, quan trọng là đáp ứng nhu cầu vận tải, phát huy tối đa tiềm năng của cảng Cái Mép - Thị Vải.

“Cùng với cao tốc Bắc - Nam phía đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ rút ngắn thời gian, chi phí vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và vùng Đông Nam Bộ. Từ đó, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Ông PHẠM NGỌC NGHỊ, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk:

Tỉnh Đắk Lắk cam kết có 100% mặt bằng sạch trước 31-12-2023

Dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, gắn với tăng cường đảm bảo quốc phòng, an ninh của hai tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk và khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên.

Tỉnh Đắk Lắk cam kết với Thủ tướng Chính phủ tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ban quản lý dự án cùng các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh, khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng phần còn lại. Đảm bảo bàn giao 100% mặt bằng sạch và các điều kiện cần thiết cho đơn vị thi công trước ngày 31-12-2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Tỉnh sẽ giám sát, đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đơn vị thi công, tư vấn thực hiện dự án thành phần 3 đảm bảo tiến độ, chất lượng, tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật.

Ông NGÔ THẾ ÂN, Trưởng Ban quản lý dự án công trình giao thông tỉnh Đồng Nai

Đồng Nai cũng khởi công hai dự án thành phần đặc biệt quan trọng

Ông Ngô Thế Ân, Trưởng Ban quản lý dự án công trình giao thông tỉnh Đồng Nai. Vũ Hội
Ông Ngô Thế Ân, Trưởng Ban quản lý dự án công trình giao thông tỉnh Đồng Nai. Vũ Hội

ngườiùng với TP.HCM và các tỉnh, Đồng Nai cũng tổ chức khởi công hai dự án thành phần thuộc dự án đường vành đai 3 TP.HCM và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Dự án thành phần 1 có chiều dài 16 km. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỉ đồng, bao gồm chi phí xây lắp khoảng 3.176 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 2.836 tỉ đồng, đều là ngân sách nhà nước.

Đây là dự án đặc biệt quan trọng kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển; phát huy tối đa tiềm năng của cảng Cái Mép - Thị Vải, đáp ứng nhu cầu vận tải.

Ngoài ra, dự án góp phần tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Qua đó, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Hiện chúng tôi đang khẩn trương thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu và các công tác khác theo quy định để sớm triển khai thực hiện các gói thầu xây lắp. Đồng thời, phối hợp với các ban ngành của TP Biên Hòa và huyện Long Thành trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện theo kế hoạch.

Ông NGUYỄN TẤN TUÂN, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, phát biểu tại lễ khánh thành dự án thành phần cao tốc Nha Trang - Cam Lâm chiều 18-6

Khánh thành cao tốc Nha Trang - Cam Lâm có ý nghĩa quan trọng

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. Ảnh Huỳnh Hải
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. Ảnh Huỳnh Hải

Dự án thành phần cao tốc Nha Trang - Cam Lâm là dự án đầu tiên trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được hoàn thành, đưa vào khai thác. Dự án quan trọng không chỉ đối với tỉnh Khánh Hòa và các địa phương lân cận mà còn đối với cả quốc gia và khu vực.

Cùng với các dự án thành phần còn lại đang được tiếp tục khẩn trương triển khai, sau khi hoàn thành cao tốc Bắc - Nam phía đông sẽ giúp phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa và các tỉnh/thành địa phương ven biển dọc theo trục Bắc - Nam của đất nước. Tới đây sẽ tiếp tục kết hợp đồng bộ với trục kinh tế Đông - Tây khi cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột được tiếp tục hoàn thành, đưa vào khai thác.

Mạng lưới đường bộ, cao tốc qua địa phương tỉnh Khánh Hòa được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư đưa vào khai thác, tạo động lực phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa và các khu vực lân cận. Đồng thời, tăng sức hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Qua đó, thu hút nhiều dự án đầu tư lớn vào ba vùng động lực kinh tế của tỉnh là Khu kinh tế Vân Phong, TP Nha Trang và khu vực vịnh Cam Ranh…

Khánh thành hai cao tốc kết nối ba tỉnh miền Trung với TP.HCM

Ngày 18-6, Bộ GTVT đã phát thông cáo báo chí về khánh thành hai dự án đầu tư xây dựng công trình cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Theo đó, vào lúc 15 giờ ngày 18-6, lễ khánh thành sẽ được trực tuyến tại hai điểm cầu: Tại Km33+800 dự án Nha Trang - Cam Lâm, thuộc địa bàn xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa và tại Km1604+700 dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết (giao với Quốc lộ 1) thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, Bình Thuận.

Theo Bộ GTVT, dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 gồm 11 dự án thành phần dài 654 km. Trong đó có tám dự án thành phần dài 477 km đầu tư bằng hình thức đầu tư công và ba dự án thành phần đầu tư theo phương thức đối tác công tư dài 177 km.

Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết được khánh thành vào chiều 18-6. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết được khánh thành vào chiều 18-6.
Ảnh: PHƯƠNG NAM

Hiện nay đã hoàn thành và đưa vào khai thác sáu dự án thành phần dài 425 km, trong đó dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 101 km khởi công năm 2020, được đầu tư công và dự án Nha Trang - Cam Lâm dài 49 km khởi công năm 2021, là một trong ba dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Theo Bộ GTVT, việc hoàn thành hai dự án Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết nâng tổng số kilomet đường cao tốc trục Bắc - Nam lên thành 950 km. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã hoàn thành, đưa vào khai thác 566 km đường cao tốc, nâng chiều dài đường cao tốc đưa vào sử dụng của nước ta là 1.729 km.

PHƯƠNG NAM

Đọc thêm